Ngược miền tây xứ Thanh thăm những nơi trước kia vua Lê Lợi 'nếm mật, nằm gai'

Là huyện miền núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa, Lang Chánh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng như thác Ma Hao, chùa Mèo, làng văn hóa truyền thống Năng Cát…Đây là những địa danh mà người anh hùng áo vải đặt tên trong 10 năm chống giặc Minh của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn.

Địa điểm đầu tiên PV được cán bộ văn hóa huyện Lang Chánh Vi Thị Hằng dẫn đi thăm là chùa Mèo. Ngôi chùa gắn liền với những sự kiện sống còn của thời nhà Lê. Vì thế, chùa Mèo khá linh thiêng và có nhiều câu chuyện huyền bí.

Dẫn chúng tôi đi thăm chùa, sư trụ trì Thích Nguyên Hải kể khá tường tận và chi tiết về lịch sử hình thành của ngôi chùa.

Chùa Mèo là di tích cấp tỉnh, hàng năm thu hút trên 6 nghìn lượt người viếng thăm

Theo trụ trì Thích Nguyên Hải, chùa Mèo được xây dựng từ thế kỷ 13. Chùa được hình thành từ thời Trần, lúc bấy giờ chùa có tên là Chùa Chu, do công chúa nhà Trần - Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng, Chùa có địa thế khá chuẩn mực theo thuyết phong thủy.

Vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại 1 con mèo, Ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn, gắn với tích xưa ngôi chùa sau này đã được Lê Lợi cho tu sửa và đổi tên thành chùa Mèo. Ngôi chùa tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến. Lễ hội chính của chùa Mèo được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm.

Cách chùa Mèo khoảng hơn 19 km, thác Ma Hao (thác Chó Ngáp), với diện tích trên 178 ha, bao gồm thác nước, suối và rừng. Thác Ma Hao là thác lớn nhất của con sông Cảy. Thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh, có độ cao gần 1.000m so với mặt biển. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao với dòng nước mát chảy mãi không ngừng.

Đến thác Ma Hao, du khách được đắm mình trong dòng nước mát lành, hòa mình cùng thiên nhiên hùng vĩ

Trước kia đường lên thác chỉ có thể đi bộ hoặc xe thô sơ rất vất vả, vào tháng ba, du khách còn phải đối mặt với rắn, rết, vắt rừng… Từ khi được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, đầu tư, con đường lên thác được rải đá, thảm nhựa khá thuận tiện.

Ấn tượng đầu tiên của mọi người là sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ được bào mòn bởi thời gian qua những khối đá nằm dàn trải dưới chân thác tạo nên các hình thù khác nhau. Chỗ thì như đàn voi đang đi xuống núi, góc thì chồng xếp lên như hòn trống mái, nơi thì như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích cỡ, lồi, lõm như hòn non bộ… Tất cả như vẽ lên một bức tranh đá dưới chân thác.

Mùa hè tắm mình trên hồ nước chảy mát lạnh này thì thú vị vô cùng. Can đảm, leo lên “cửa gió” du khách sẽ được nghe đầy đủ âm thanh của rừng, đó là tiếng ào ào thác nước, tiếng chim hót, tiếng rì rào của gió, tiếng thì thào của nghĩa quân Lam Sơn ngày xưa vọng lại, tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một bản nhạc rừng đặc biệt.

Với phong cảnh nên thơ, du khách đến thác Mao Hao đều lưu giữ lại những khoảnh khắc trải nghiệm thú vị hòa mình với thiên nhiên

Theo cán bộ văn hóa huyện Lang Chánh Vi Thị Hằng cho biết: “Danh lam thắng cảnh thác Ma Hao gắn với truyền thuyết nghĩa quân Lê Lợi. Vào thế kỷ 15, Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh.

Trong những ngày nghĩa quân Lam Sơn lui về núi Chí Linh (hay gọi là Pù Rinh), để củng cố lực lượng, Lê Lợi và quân lính của ông bị giặc bủa vây, truy sát ráo riết. Quanh núi Chí Linh có tầng tầng, lớp lớp núi đồi, cây cối um tùm, suối sâu vách đá cheo leo vô cùng hiểm trở.

Nghĩa quân đã cắt cử người canh gác liên tục, nếu có giặc đến thì kịp thời cấp báo cho chủ tướng đối phó. Từ đỉnh núi này có thể quan sát xung quanh, đã bao lần nhờ có đỉnh núi này mà nghĩa quân được an toàn. Nhiều lần nghĩa quân đã phải mở đường máu với quân giặc để bảo vệ Chủ tướng Lê Lợi.

Một lần, Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức thì gặp một thác cao chảy xiết. Quân giặc lại đuổi sát phía sau, nên Lê Lợi và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia. Còn con chó do sức đã kiệt, suối lại rộng không thể theo được chỉ đứng ngáp.

Khi quân giặc đuổi đến, con chó liền quay lại cắn xé đàn chó của giặc rồi nhảy xuống dòng nước xoáy. Quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó quý và truyền lệnh chôn cất nó tử tế. Từ đó, thác có tên theo tiếng người Thái là Ma Háo (chó ngáp) lâu dần người dân đọc trệch đi là Ma Hao”.

Bản Năng Cát là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của đồng bào dân tộc Thái

Không xa thác Ma Hao, bản Năng Cát cũng được gắn với truyền thuyết Nghĩa quân Lê Lợi. Thuyết xưa kể rằng, trong lần Vua Lê và quân lính bị giặc truy đuổi, đến tối mới tìm được nơi dựng trại, nấu cơm. Đường chật, người đông, nấu được nồi cơm thật vất vả. Ngay đội quân bảo vệ cho Lê Lợi cũng tất bật, vội vàng. Họ mang nồi niêu ra khe để vo gạo, múc nước.

Vì kéo nhau xuống khe quá đông, nước khe cạn, làm vẩn đục dòng nước, đến nỗi khi đem nồi cơm nấu riêng cho nhà Vua về cũng có cát đọng dưới đáy, lẫn cả với cơm. Lê Lợi liền đặt luôn cho vùng đất ấy là Năng Cát, nay là bản Năng Cát, thuộc xã Trí Nang.

Không chỉ đa dạng về sinh cảnh, bản Năng Cát còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của đồng bào người Thái .Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 15 - 18 độ C, thiên nhiên đã ban tặng cho Năng Cát tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoc-mien-tay-xu-thanh-tham-nhung-noi-truoc-kia-vua-le-loi-nem-mat-nam-gai-20180306183332438.htm