Ngược dòng về với Huế xưa

Cuốn du ký của tác giả Thùy Linh cho cảm giác như chúng ta không chỉ đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Dưới con mắt của một nữ họa sĩ yêu tự do, yêu thiên nhiên, mỗi miền đất như Mông Cổ, Đức, Ai Cập… hiện lên sống động. Cái hồn kinh đô của Huế thật khác. Đó là không khí vừa uy nghiêm vương giả, lại vừa trữ tình lãng mạn mà sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm, chùa chiền tạo ra.

Huế là thành phố đặc biệt, không phải vì đây từng là cố đô. Mỗi thành phố đều là một thực thể sống với những di tích, những con đường, con người và cuộc sống đang diễn ra trong chính thực thể đó.

Vẻ đẹp Huế

Nhưng cái hồn kinh đô của Huế thật khác. Đó là cái gì đó rất khó diễn tả, bởi cái không khí vừa uy nghiêm vương giả, lại vừa trữ tình lãng mạn mà sông Hương núi Ngự, lăng tẩm, chùa chiền tạo ra.

Bờ Bắc và bờ Nam thành phố được chia bởi con sông xanh màu diệp lục, mang tên mùi thơm của cỏ. Bờ Bắc và bờ Nam cũng lại được nối bởi những cây cầu, mà phàm đã là người Việt không ai không biết cầu Tràng Tiền.

Nhưng một phần không nhỏ của không khí ấy lại do những ngôi nhà rường, những biệt thự kiểu Pháp và những khu vườn đặc trưng của Huế tạo nên.

Mùa nào thì Huế cũng mang một vẻ u hoài bảng lảng. Trong mắt tôi, Huế của thời đó mang một bản sắc riêng, không thể lẫn.

Là một Huế mưa giăng bay bay trên căn gác nhỏ của người nhạc sĩ nổi tiếng. Là nón lá trắng, tóc dài chao trong gió, giọng người con gái ngọt ngào và dáng mẹ tần tảo với gánh hàng nuôi con ăn học.

Có những đêm lang thang trên con đường vắng dọc bờ sông, tối thẫm, mà vẫn thấy mùi cỏ, mùi hoa, mùi của Huế. Thời gian dường như luôn nâng niu và bước thật khẽ ngang nơi đây.

Dễ tới hơn 10 năm mới quay lại Huế, mang theo tâm trạng của một người ở xa mà không hẳn là xa, một chút chờ đợi, một chút háo hức và một chút chấp nhận. Chấp nhận vì biết rằng thành phố sẽ thay đổi, nhưng không ngờ thay đổi như thế.

Con đường đất nhỏ dọc bờ sông đi về phía nhà vườn Kim Long nổi tiếng khi xưa đã được mở mang rộng rãi. Những ruộng bắp ngút ngàn xanh khi xưa đã nhường chỗ cho một promenade như công viên với cây cối được cắt tỉa cẩn thận.

Huế đang vào mùa festival. Đường phố đông đúc và kẹt xe cũng giống thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Nếu như không đi dọc sông Hương, có lẽ bạn sẽ không nghĩ rằng mình đang ở Huế.

Và khi màn đêm buông xuống, thuyền rồng tấp nập xuôi ngược trên sông như đang chảy hội. Sông Hương đầy sắc màu lấp lánh có còn là sông Hương? Có phải ngày nay, khi người ta đến Huế, muốn tìm về Huế xưa, người ta bắt buộc phải thăm Thành Nội, lăng tẩm và đền chùa hay không?

Tôi không tin thế, dù rằng đã khá thất vọng khi nhìn bộ mặt đường phố của Huế nay. Mấy chị họa sĩ đi cùng mắng mỏ: “Người ta cũng phải sống, xã hội phải tiến lên chứ”. Nhưng để tiến lên, đâu phải chỉ có cách hy sinh đi cái hồn cái cốt, phải không?

 Cổng Ngọ Môn nhìn từ trên cao, tỏa sáng rực rỡ trong đêm. Ảnh: Thanh Toàn.

Cổng Ngọ Môn nhìn từ trên cao, tỏa sáng rực rỡ trong đêm. Ảnh: Thanh Toàn.

Làng tranh 500 năm

Tôi ghé thăm làng Sình nổi tiếng về tranh thờ cúng của Huế xưa. Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế khoảng 9 km về phía hạ lưu sông Hương. Trước kia, làng Sình nổi tiếng về tranh thờ in ván quen gọi là “tranh làng Sình”.

Ngày nay, tại làng còn rất ít nhà làm tranh, tranh Sình đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Làm hoa sen giấy cũng là một nghề truyền thống của làng, nhưng tới giờ cũng không còn nhiều nhà mặn mà với những nghề thủ công này nữa.

Người nổi tiếng nhất làng là nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, thuộc đời thứ 9 của làng nghề 500 năm tuổi này. Ông đã rất cố gắng trong việc khôi phục, gìn giữ nghề truyền thống của làng từ năm 1996 tới nay.

Giấy in tranh là loại giấy làm từ cây dó trầm, sau đó được hồ điệp (vỏ sò nghiền mịn, trộn với bột gạo thành hồ). Chính vì thế, xưa kia làng còn có tên Hồ Điệp.

Xưa kia màu được dùng từ các nguyên liệu trong thiên nhiên như vàng từ hoa hòe, cam từ gạch, nâu từ vỏ và rễ cây, xanh từ cây dành dành, đen từ lá bàng tươi ngâm tro rơm, tím từ trái mùng tơi…

Từ các màu chính pha ra các màu khác và trộn keo da trâu để giữ màu. Giờ đây, hiếm ai cầu kỳ chế tạo màu từ tự nhiên như vậy, ở làng tranh Đông Hồ người ta cũng dùng màu công nghiệp.

Khuôn in bằng gỗ mít tự khắc, có những bản chạm khắc tinh xảo đến kinh ngạc. Tranh in lối ngửa ván rồi dùng tay vuốt giấy cho phẳng, in lấy nét và mảng đen, sau dựa vào đấy mà tô màu một số mảng.

Cọ để tô màu xưa kia là cọ tre, ngày nay nghệ nhân Phước đã chế ra được cọ làm từ rễ của cây dứa dại, vừa dễ thấm, vừa giữ mực lâu và quét màu đều hơn cọ tre.

Tranh Sình xưa là tranh thờ, có các bộ. Tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, tranh lễ trong các dịp cúng giỗ…

Tất cả khoảng 50 đề tài khác nhau. Tất cả tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ, thần bí và linh dị.

Ngoài ra, nhiều mô-típ được ưa thích như tranh tố nữ Huế, tranh 12 con giáp, nhân vật dân gian, đồng tiền...

Buổi trưa làng Sình quá tĩnh lặng khi tôi giã từ căn nhà có xưởng làm tranh của người nghệ nhân già. Có một nỗi lo lắng mơ hồ cho tranh làng Sình. Bao giờ thì những bức tranh kia sẽ thành dĩ vãng?

Trần Thùy Linh / NXB Văn học liên kết công ty Sống

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoc-dong-ve-voi-hue-xua-post1132506.html