Ngược con nước nơi 'đầu nguồn biên giới'

Chuyến công tác cho tôi được trở về vùng đất 'nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt' nhưng lần này đích đến không phải là Mường Khương hay Sa Pa mà là huyện Bảo Thắng.

Quãng đường dài, cung đường khá khúc khuỷu nhưng cứ nghĩ đến việc có thể thỏa sức cảm nhận được không khí rúi rừng thăm thẳm, hun hút; thỏa sức gặp gỡ, trò chuyện với những người dân chân chất, thật thà và thỏa sức tìm tòi, khám phá cái mới, nhân tố tích cực tại nơi này là trong lòng tôi lại cảm thấy đầy phấn chấn, háo hức và hồi hộp mong chờ.

Bài thơ để đời

Từ thành phố Lào Cai để đến được huyện Bảo Thắng, xe của chúng tôi men theo quốc lộ 4E, dọc bờ đê sông Hồng chừng 40 km. Nhìn qua cửa kính ô tô, tôi được ngắm dòng nước sông Hồng đỏ nặng phù sa, nơi bồi đắp một trữ lượng lớn “dinh dưỡng” cho 9 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và từng làm nên một nền văn minh lúa nước vô cùng rực rỡ.

Một không gian rộng lớn trong tầm mắt, đó là dòng sông “lịch sử” có chiều dài hơn 500 km trên dải đất hình chữ S thân yêu, là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai-Vân Nam, giữa hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc. Dòng sông ngàn đời vẫn thế. Dòng nước vẫn lẳng lặng trôi mặc cho con người và cảnh vật ở hai vùng đất có những đổi thay.

Phố Lu, trung tâm của huyện Bảo Thắng từ mảnh đất hoang tàn, đổ nát trong chiến tranh biên giới, giờ đây đang vươn mình hội nhập, đổi mới cùng cả nước. Những tòa nhà cao tầng san sát; những con đường to, đẹp, khang trang; những công trình công cộng hiện đại, tiện nghi...

 Ga Phố Lu hôm nay vắng khách.

Ga Phố Lu hôm nay vắng khách.

Những ngày này, nhiều tuyến phố nơi đây được “khoác một chiếc áo mới” với ngập tràn cờ hoa, biểu ngữ chào mừng đại hội đại biểu các cấp, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Thắng trong việc lựa chọn những cán bộ có đủ đức, đủ tài tham gia vào cấp ủy các cấp.

Ga Phố Lu hiện ra trước mắt tôi. Một phố ga cũ kỹ và bình thường như bao ga tàu khác nhưng níu chân tôi ở lại thật lâu. Hình như, mỗi phố ga trên dọc dài đất nước lại có những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm đong đầy thương nhớ của một thời đã qua. Chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh phố ga với những đứa trẻ nghèo khó, lem luốc luôn ám ảnh mỗi chúng ta khi đã được đọc tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.

Và ga Phố Lu cũng không phải là ngoại lệ, bởi ở đó, cách đây 41 năm người phóng viên trẻ quê Hà Nam với khát khao cháy bỏng là được nối những mạch nguồn thông tin từ chiến trường về hậu phương - Dương Soái (từng giữ cương vị Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái) đã có một bài thơ để đời.

Sở dĩ nói để đời là vì trong lần trò chuyện gần đây, nhà thơ Dương Soái đã thừa nhận, dù cho sau này sáng tác thêm thật nhiều bài thơ và “tả xung hữu đột” sang các thể loại văn học khác nhưng cứ nhắc đến tên tuổi ông, người ta lại liên tưởng đến bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”.

Bài thơ còn nổi tiếng hơn, được bay cao, bay xa hơn là nhờ tài năng cùng tâm hồn giàu cảm xúc của nhạc sĩ Thuận Yến. Chính nhạc sĩ đã “chắp thêm đôi cánh” âm nhạc đầy lãng mạn, bay bổng, như nói hộ tâm tình của người chiến sĩ nơi biên thùy với người vợ, người yêu nơi quê nhà.

Tôi nhớ nhà thơ Dương Soái từng kể, thời điểm ông sáng tác bài thơ này, ga Phố Lu là điểm trung chuyển quan trọng với hàng vạn hành khách lên xuống mỗi ngày.

Vì thế, cùng với ga Bảo Hà và ga Lào Cai, đây là nơi mà tất cả các chuyến tàu đều dừng chân lại. Những chuyến tàu xuôi ngược ngày cũng như đêm đã biến ga Phố Lu trở thành nơi sầm uất, tấp nập. Ga Phố Lu hôm nay khá vắng vẻ, những hàng quán cũng heo hút theo bởi người dân đã chọn thời gian 4-5 giờ ngồi ô tô trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai thay vì phải ngồi hàng chục giờ trên tàu.

Người dân Phố Lu sinh ra và lớn lên với âm thanh quen thuộc của tiếng còi tàu, bên những tiếng huyên náo, ồn ã nói cười của hành khách lúc nửa đêm khi tàu đón trả khách, có lẽ vẫn chưa thực sự muốn tin vào “số phận” ga Phố Lu đã đi vào dĩ vãng. Khách đi tàu ngày càng vắng, đương nhiên ngành đường sắt cũng cắt giảm các chuyến tàu và nhân viên ở nhà ga.

Ước tính từ ngày đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đi vào hoạt động, lượng khách lên xuống tàu ở ga Phố Lu giảm dần mỗi năm khoảng 40 - 50%. Rời xa ga Phố Lu để tiếp tục khám phá Bảo Thắng, trong lòng tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ rằng, dường như nhà ga ấy đã “làm tròn” sứ mệnh của mình và phải “nhường chỗ” cho những phương tiện khác nhanh hơn, tiện lợi hơn. Âu đó cũng là quy luật của sự phát triển không ngừng của xã hội.

Bộ trang phục người Dao

Theo chân ông Ngô Hữu Quý, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai, người nhiều năm công tác tại Hội Nông dân huyện Bảo Thắng và ông Ngô Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Trì Quang, tôi được hiểu thêm về con người và vùng đất của một xã còn nhiều khó khăn nhưng vừa qua đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và được Đảng ủy huyện Bảo Thắng chọn tổ chức đại hội điểm để các đảng bộ khác trong huyện học tập.

Trì Quang là xã vùng 3 của huyện Bảo Thắng, hiện nay 10 thôn và 11 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, 2 thôn Làng Ẻn và Làng Đào có 100% là người Dao, chiếm 25% dân số của toàn xã.

Những cô gái người Dao ở Làng Ẻn với bộ trang phục của dân tộc mình.

Ông Ngô Quốc Khánh cho biết, cũng như các dân tộc anh em thiểu số khác, đồng bào người Dao từ xa xưa tại đây đã có nền văn hóa đậm đà bản sắc như: Lễ cấp sắc, lễ cúng đình cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho cây trồng vật nuôi, mùa màng bội thu, cho bà con thôn xóm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nơi đây thường xuyên tổ chức các hội như hội hát qua làng được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 5 tết Nguyên đán cũng là dịp bà con đi du xuân, thăm thân, hát đối, chúc tụng và tung còn cầu duyên.

Gương mặt khôi ngô, dáng đi nhanh nhẹn, đôi mắt ánh lên niềm tự hào khi được mặc trên mình bộ trang phục của người Dao, anh Lý Văn Long, Trưởng thôn Làng Ẻn, một người Dao có kiến thức khá sâu rộng về dân tộc mình, cho biết: Qua thời gian kế thừa, phát huy của các thế hệ hậu bối đã dần cải tiến và xóa bỏ những nghi lễ, tập tục lạc hậu, rườm rà không cần thiết.

Phát huy những điểm mạnh của bản sắc văn hóa quý báu như: Trong nghi lễ cấp sắc trước đây được tổ chức 3 ngày 2 đêm và làm thịt 7 con lợn nhưng nay được rút ngắn xuống còn 1 ngày 1 đêm và đã cải tiến nhiều nội dung cho phù hợp với nếp sống mới. Việc cưới, việc tang cũng được rút ngắn để không lãng phí về thời gian và tốn kém tiền của.

Trong việc tang trước đây, bà con hay có thói quen rải tiền vàng theo đường khi đi ra đồng thì nay đã được thay thế bằng hình thức thu gom và đốt tiền vàng trên từng đoạn đường ra nghĩa trang để không gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đường làng ngõ xóm.

Nếu như trước đây các anh em chị em người dân tộc Dao khi đi ra ngoài xã hội hoặc tham gia các sự kiện, tham gia lễ hội họ ít mặc quần áo của dân tộc mình vì một phần thấy e ngại, xấu hổ nhưng đến nay đồng bào người Dao đã cảm thấy tự hào khi mặc trang phục truyền thống của mình tham gia các sự kiện hoặc mặc để biểu diễn văn nghệ hay tham gia lễ hội, đám cưới.

Là người đứng đầu chi bộ thôn Làng Ẻn, anh Long cũng thẳng thắn nhìn nhận một số nghi lễ trong việc cưới, việc tang, cấp sắc còn mang tính mê tín dị đoan, lạc hậu, rườm rà và tốn kém, chưa được đổi mới và cải tạo triệt để. Bởi thế, anh hy vọng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã cần vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chính sách đối với đồng vào dân tộc thiểu số.

Ngược con nước về “đầu nguồn biên giới” để bồi đắp thêm tình yêu với mảnh đất và con người nơi đây.

Ngô Khiêm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nguoc-con-nuoc-noi-dau-nguon-bien-gioi-593529/