Ngừng việc tập thể chủ yếu liên quan đến tiền lương

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, số cuộc ngừng việc tập thể thời gian qua có xu hướng tăng, chủ yếu liên quan đến tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội và điều kiện lao động khắc nghiệt…

Các thiết chế về quan hệ lao động đang được củng cố, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Ảnh minh họa

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2017 và 5 tháng năm 2018, tại 39/63 tỉnh, thành phố cả nước xảy ra 454 cuộc ngừng việc tập thể và đình công. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang gồm 290 cuộc, chiếm 643,88%; các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung ở TP. Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang.

Ngoài ra, thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, số ngừng việc tập thể năm 2017 tăng khá cao so với năm 2016 (tăng 41 cuộc). Trong đó, tỉnh có số cuộc ngừng việc tập thể tăng đột biến là Bình Phước (xảy ra 19 cuộc, tăng 15 cuộc); Thanh Hóa (xảy ra 14 cuộc, tăng 8 cuộc); Vĩnh Phúc (xảy ra 9 cuộc, tăng 5 cuộc). Tuy nhiên, một số tỉnh lại có số cuộc ngừng việc giảm, như: TP. Hồ Chí Minh (xảy ra 41 cuộc, giảm 13 cuộc); Đồng Nai (xảy ra 22 cuộc, giảm 10 cuộc); Hải Phòng (xảy ra 41 cuộc, giảm 7 cuộc)

Cũng theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, số ngừng việc tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng, trong số 454 cuộc, doanh nghiệp FDI xảy ra 343 cuộc, chiếm 78,4%, còn lại là của các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp Nhà nước không xảy ra cuộc ngừng việc tập thể nào. Mặt khác, thống kê trong số 343 cuộc ngừng việc thì doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc xảy ra 151 cuộc, chiếm 44,2%; Đài Loan (Trung Quốc) xảy ra 82 cuộc, chiếm 23,91%, Trung Quốc xảy ra 35 cuộc, chiếm 10,2%; Nhật Bản xảy ra 17 cuộc, chiếm 4,96%, số còn lại là các nước khác.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nguyên nhân trực tiếp chủ yếu của các cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc đan xen tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích, trong đó nổi bật là liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động như nợ lương, không điều chỉnh tiền lương tối thiểu; trả lương không đúng quy định, không theo hợp đồng lao động, hoặc trừ thu nhập trái pháp luật. Mặt khác, các doanh nghiệp tăng định mức lao động để giảm tiền lương của người lao động; vi phạm giờ làm việc, nghỉ ngơi; nợ bảo hiểm xã hội, không đóng bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động khắc nghiệt, ban hành nhiều quy định trái pháp luật, đối xử thô bạo.

Trước tình hình đó, thời gian qua các cấp công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động; chương trình thúc đẩy thương lượng ký kết thương lượng lao động tập thể doanh nghiệp, thí điểm ký kết thương lượng lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hoạt động của các công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có những đổi mới, chuyển từ chức năng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các phong trào trong công nhân, lao động chủ yếu sang thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức đại diện người sử dụng lao động triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật lao động và các vấn đề về quan hệ lao động, như: tham vấn chính sách, đối thoại với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ về chính sách pháp luật lao động; triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động về đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng ký kết thương lượng lao động tập thể doanh nghiệp…

Ông Ngộ Duy Hiểu cho biết thêm, quản lý Nhà nước về lao động và quan hệ lao động ngày càng được củng cố, tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật lao động được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về quan hệ lao động đã hình thành. Các thiết chế về quan hệ lao động tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, nhằm thực hiện có hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động, như hòa giải, trọng tài…; thiết chế tham vấn ba bên được thành lập, bảo đảm và phát huy được vai trò của các bên trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật lao động, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, như Ủy ban Quan hệ lao động; Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng An toàn và vệ sinh lao động.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, kịp thời xử lý các cuộc đình công, ngừng việc tập thể do tác động bên ngoài, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, thời gian tới, công đoàn các cấp cần nắm chắc tình hình công nhân lao động ngay từ cơ sở, nâng cao công tác tuyên truyền; kịp thời thông tin chính sách, pháp luật, giải thích các vấn đề công nhân chưa hiểu. Trong mọi trường hợp phải bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân trên cơ sở quy định của pháp luật. Đồng thời, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở cần tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và doanh nghiệp; tiếp tục nắm chắc tình hình, nhất là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cao công nhân sẽ tham gia tụ tập đông người; vận động để công nhân hiểu đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ngung-viec-tap-the-chu-yeu-lien-quan-den-tien-luong.html