Ngưng phát thanh thông tin chuyến bay: Bước tiến của ngành hàng không Việt

Bắt đầu từ ngày 1/7, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ngừng phát thanh tại ga quốc tế và ngày 1/10 tại ga quốc nội nhằm hạn chế tiếng ồn, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trong điều kiện hạ tầng quá tải.

Bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất

Bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất

Sân bay đầu tiên ngừng phát loa

Chiều 9/6, thông tin Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, nhằm hạn chế tiếng ồn, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại nhà ga trong điều kiện hạ tầng đang quá tải, đơn vị đã thông báo đến các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất về kế hoạch ngừng phát thanh tại nhà ga hành khách.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ được áp dụng tại nhà ga quốc tế T2, bắt đầu từ ngày 1/7. Giai đoạn 2 tại nhà ga nội địa T1, thời gian áp dụng từ ngày 1/10. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tạm ngừng phát thanh bằng micro và chỉ duy trì duy nhất mẫu phát thanh “Gate change” thông báo thay đổi cửa khởi hành. Tất cả thông tin liên quan đến các chuyến bay sẽ được cập nhật liên tục trên hệ thống FIDS và thực hiện theo quy chế phối hợp đã ban hành.

Liên quan đến vấn đề này, các hãng hàng không của Việt Nam cũng vừa có thông báo ngưng phát thanh tại nhà ga và kiến nghị hành khách cập nhật các thông tin về chuyến bay thì theo dõi các biển bảng thông tin, chỉ dẫn tại sân bay và lưu ý chủ động có mặt tại cửa khởi hành ít nhất 30 phút trước giờ khởi hành để ra máy bay.

Như vậy, đây sẽ là sân bay đầu tiên ở Việt Nam không phát thanh thông tin chuyến bay tại nhà ga. Từ cuối năm 2016, sân bay Nội Bài tại Hà Nội chỉ phát loa thông báo mỗi bản tin một lần tại các vùng riêng biệt theo quy định để hạn chế tiếng ồn, tạo không gian yên tĩnh cho hành khách.

Sân bay Changi của Singapore - một trong những sân bay hiện đại bậc nhất thế giới, hành khách phải tự làm mọi thao tác qua hệ thống điện tử

Nhiều người đồng tình

Trên thế giới, các sân bay quốc tế lớn không còn phát thanh thông tin chuyến bay là xu hướng phổ biến trong vài năm gần đây. Chẳng hạn như tại sân bay Changi ở Singapore nhiều năm liền được xếp hạng tốt nhất thế giới, đã dừng phát thanh thông tin chuyến bay từ năm 2018.

Chia sẻ về việc trên, chị Nhật Linh (Hà Nội) cho biết, việc cắt giảm thông báo bằng loa tại các sân bay là một bước đi đúng hướng. Tiếng thông báo giục hành khách cuối cùng cũng sẽ không còn cất lên nữa. Khi có ít tiếng ồn, hành khách sẽ có một không gian tĩnh lặng và thư thái hơn... “Tuy nhiên, để hành khách thay đổi thói quen xem bảng thông tin điện tử cần phải có thời gian tuyên truyền. Do đó, theo tôi không nên thay đổi đột ngột, cần lắp thêm nhiều trang bị thông tin, nhân viên hướng dẫn trong một thời gian nhất định để thay đổi thói quen hành khách”, chị Linh cho biết thêm.

Anh Thế Tâm (Đà Nẵng) chia sẻ thêm, vừa vào sân bay Tân Sơn Nhất, anh đã nghe đủ loại thông báo của các hãng hàng không từ việc yêu cầu hành khách quay lại kiểm tra hành lý, thông tin chuyến bay bị hoãn, đổi giờ bay, thay đổi cửa khởi hành, đến thông báo mời những hành khách cuối cùng ra xe. “Phát thanh liên tục gây ồn ào, phiền hà cho hành khách, nhất là những hành khách bị chậm, hủy chuyến phải chờ đợi nhiều giờ ở sân bay. Trong khi đó, có lần tôi sang Singapore du lịch, mọi thông tin từ các hãng không phát thanh tràn lan như thế. Mọi thông tin đoàn công tác đều nhìn trên các màn hình lớn đặt khắp sân bay”, anh Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Giám đốc kiêm Giám đốc An ninh Hàng không Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, các sân bay ở nước ngoài đã ngừng phát thanh thông báo và chuyển sang màn hình điện tử đặt ở nhà ga từ lâu. “Phát thanh thông báo hành khách cũng không hiệu quả mà còn gây ồn ào. Tần suất chuyến bay của sân bay Tân Sơn Nhất rất lớn nên phát thanh liên tục sẽ rất ảnh hưởng đến hành khách”, ông Tiến nói. Theo ông Tiến, chỉ có trường hợp đặc biệt thì mới phát thanh.

Đại diện một hãng hàng không tại Việt Nam mới đây cũng khẳng định, đây là thông lệ nhiều nước trên thế giới đã áp dụng để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, mang đến trải nghiệm dịch vụ mặt đất tại sân bay tốt hơn. Trước mắt, trong thời gian đầu hành khách chưa quen đến việc tiếp nhận thông tin từ bảng điện tử tại sân bay nên hãng sẽ tăng cường các biện pháp như tăng nhân viên trao đổi, cung cấp thông tin cho hành khách, sử dụng biển bảng cầm tay…

Tăng cường hỗ trợ hành khách

Do lần đầu đi vào hoạt động nên nhiều hành khách sẽ tỏ ra khá hoang mang. Lý do bởi ở Việt Nam, rất nhiều hành khách chưa quan tâm đến những thông tin hiển thị trên màn hình điện tử mà chỉ nghe thông báo và chờ gọi tên. Do đó, ngừng phát thanh thông báo tự động chuyển qua màn hình để thay đổi thói quen, hành vi của hành khách cần giải pháp đồng bộ và lâu dài của các hãng, cảng và đơn vị liên quan.

Trả lời về việc ngưng phát thanh có thể ảnh hưởng đến hành khách, đặc biệt là trễ chuyến bay, ông Tiến nói trách nhiệm của hành khách là phải thu xếp thời gian, có mặt sớm tại cửa khởi hành trước 30 phút. Ông Tiến phân tích, từ trước đến nay, nguyên tắc của các hãng bay là nhanh gọn. Hành khách không ra đúng giờ là họ ngưng phục vụ. Việc ngưng phát loa là hình thức nâng cao chất lượng phục vụ thông qua việc giảm tiếng ồn.

Đại diện một hãng hàng không khẳng định sẽ thông báo thông tin thay đổi qua các kênh; đồng thời yêu cầu đại lý, nhân viên khi bán vé, xuất vé thông tin thêm quy định mới cho hành khách. Hãng cũng đề xuất cảng có giải pháp nhằm hỗ trợ những hành khách đi đến sân bay thuận tiện như có phương án thông báo lịch trình, thời gian chuyến bay thay đổi... cho những hành khách lần đầu hoặc ít đi máy bay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ngung-phat-thanh-thong-tin-chuyen-bay-buoc-tien-cua-nganh-hang-khong-viet-4010442-b.html