Ngửa tay vay tiền cứu vợ, 18 năm sau gõ cửa trả lại từng đồng

Chỉ vì vợ đau ốm, người đàn ông gạt tự trọng bản thân đến từng nhà vay tiền. Lòng tự trọng và biết ơn khiến 18 năm sau ông tìm mọi cách đến từng nhà trả lại.

Mai Quang Hãn là một người nông dân sống trong thôn làng thuộc Tam Môn, Chiết Giang, Trung Quốc, năm nay đã 70 tuổi. Việc 28 năm trước, giờ nhớ lại, lồng ngực Mai Quang Hãn vẫn thấy đau đớn.

Một buổi sáng năm 1990, người vợ của ông là Nhiệm Xuân Ái dậy sớm, mang xe kéo đi đổi thức ăn. Nhưng khi trở về không ngờ tai nạn xảy ra: Lốp xe kéo trượt, rơi xuống thung lũng. Nhiệm Xuân Ái văng đi, phía sau đầu đập vào tảng đá, rơi vào tình trạng hôn mê.

Sau khi được giải cứu và mất một thời gian theo dõi điều trị, vợ ông may mắn giữ được mạng, nhưng từ ngực trở xuống hoàn toàn tê liệt.

Tiền điều trị cả quá trình, cùng với thuốc men cũng lên tới 60, 70 nghìn tệ (205, 240 triệu đồng). 60, 70 nghìn tệ ngày ấy, đối với một người nông dân sống trong thung lũng, là một con số không thể hình dung đến.

Lúc ấy con của hai người còn nhỏ, chưa giúp đỡ được gì, vì vậy mọi gánh nặng đều đặt trên vai Mai Quang Hãn. Nghĩ tới nghĩ lui không có cách gì, người chồng chỉ còn cách đi đến từng nhà ăn xin.

Ngày thứ 2 hạ quyết tâm, từ sáng sớm Mai Quang Hãn đã ra khỏi nhà. Ông vác một bao tải trên vai, trong là chứng minh thư của 2 vợ chồng, chứng nhận hoàn cảnh khó khăn của thôn, huyện, và cả một chiếc bánh bao đã cứng đờ.

Người đàn ông chân chính không sợ khổ, chỉ có điều vẫn không khỏi cảm thấy nhục nhã cúi đầu khi giơ tay xin tiền người lạ.

"Lúc ấy thực sự rất xấu hổ, tôi đỏ bừng mặt khi phải mở lời với mọi người. Có một vài người tin, khẳng định sẽ giúp đỡ, cúng có người nghi ngờ, thậm chí còn thì thầm tôi lừa đảo", ông cho biết.

Có nhiều lúc, Mai Quang Hãn cảm thấy da mặt mình quá dày, chỉ muốn đào lỗ dưới đất mà chui xuống. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vì thương vợ, ông lại tiếp tục.

Mai Quang Hãn không nề hà cứ đi bộ mải miết, lúc nào đói lại lấy bánh bao trong túi ra cắn một miếng, khát lại xin nước uống.

Trong 2 tháng vợ nằm viện, ông đi qua hàng trăm làng. Mỗi lần có ai cho tiền, ông đều ghi lại số lượng, tên tuổi, địa chỉ của họ. Ít cũng được 1, 2 đồng, nhiều 90, 100 đồng, đều ghi lại cẩn thận.

Không ít người đồng cảm với nỗi khổ của ông, cho tiền và nói rằng không phải trả lại, nhưng ông vẫn kiên trì ghi lại.

Có một vài người cố tình không cho ông tên tuổi (để không phải trả lại tiền), những trường hợp đó ông ghi lại địa chỉ trên biển nhà họ, hoặc dấu hiệu chỉ đường đến nhà họ.

Cuốn sổ ghi nợ của ông

Mai Quang Hãn cho biết ông không nhớ đã đi qua bao nhà, nhưng chắc chắn phải trên một nghìn nhà. Sau vài tháng, ông đã có được 30, 40 nghìn tệ (100, 140 triệu), cùng với số tiền tiết kiệm, trả được hết số tiền chăm sóc vợ.

Đợi đến khi bệnh tình của vợ ổn định, Mai Quang Hãn đưa vợ về nhà chăm sóc. Ngoài việc túc trực bên giường bệnh của vợ, mọi việc lớn nhỏ trong nhà cũng đều do ông lo. "Không có ông ấy, tôi đã không thể sống tiếp" Nhiệm Xuân Ái hễ nói đến chồng lại rơi nước mắt.

Trong vài năm đầu sau tai nạn, Mai Quang Hãn hôm nào cũng dậy từ sớm, cho vợ ăn cơm, lo xong việc nhà lại vội vàng đi làm đồng áng, đến tối muộn 8, 9 giờ mới về, nửa đêm mới đi ngủ.

Vì vậy nhiều người nói đùa ông là người "dạ hành nhãn", mắt có thể nhìn trong đêm tối: "4, 5 mẫu lúa đều do ông trồng, 1 mình thu hoạch, 1 mình phơi phóng."

Từ 10 năm trước trở lại đây, tình hình gia đình ổn định hơn, ý định đi trả lại số tiền đã vay mượn mọi người ngày một thôi thúc trong lòng Mai Quang Hãn.

Người đàn ông đứng tuổi quyết định đi lại con đường năm xưa, trả lại tiền và món nợ tình nghĩa quá lớn. Ngay cả những gia đình đã chuyển chỗ ở, ông cũng tìm mọi cách để liên lạc đến trả.

Lật giở cuốn sổ ghi chép nợ cẩn thận trước đây, Mai Quang Hãn căn cứ địa chỉ mà đi lại con đường ngày xưa mình đã đi vay tiền từng nhà.

Nhiều người nhìn thấy người đàn ông này quay lại trả từng đồng tiền cảm thấy quá khó tin. Càng có nhiều người bảo ông không phải trả lại.

Nhưng ông vẫn kiên quyết gửi trả: "Mười mấy năm mọi người đã tin tưởng tôi, giúp đỡ tôi, tôi không thể thất tín, xin lỗi mọi người"

Cứ thế 10 năm nữa lại dần trôi qua, đến hôm nay cơ bản ông đã đền đáp lại được gần hết, chỉ còn khoảng 3 - 4 hộ không thể liên lạc được.

Cho đến ngày hôm nay, cuốn sổ ghi chép nợ của ông đã trở thành vật báu gia truyền. "Tiền đã trả rồi, nhưng ân nghĩa thì vẫn không thể quên, cuốn sổ này phải lưu lại cho hậu thế, nói với con cháu trong sổ ghi lại đều là ân nhân của gia đình", ông cho biết.

Không phụ lòng người tốt, dưới sự chăm sóc cẩn thận, vợ ông tình hình ngày một tốt hơn. Vốn trước đây vợ ông được nhận định chỉ có thể sống thêm 1 năm, nhưng đến nay vẫn ổn định.

Câu chuyện về tình yêu, lòng biết ơn của người đàn ông giàu lòng tự trọng khiến dân làng đều cảm động và thán phục.

Một bộ phim điện ảnh đã được làm dựa trên câu chuyện của ông, kể về những ngôi làng bé nhỏ nhưng tình yêu quá mênh mang: "Tiểu thành đại ái" (thôn xóm nhỏ, tình yêu lớn).

Bảo Anh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/ngua-tay-vay-tien-cuu-vo-18-nam-sau-go-cua-tra-lai-tung-dong-d11242.html