'Ngủ thuê' hái ra tiền nhưng... mệt 'không tưởng'

Phan Na Bạch là một chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực 'ngủ thuê'. Nhưng thật ra, thời gian ngủ của anh khá ít ỏi, bởi anh phải làm việc khoảng 14 tiếng/ngày.

Nghề “ngủ thuê” ở khách sạn là một nghề mới đang nở rộ trong những năm gần đây. Trong mắt nhiều người, nghề này đồng nghĩa với thu nhập cao, được ở khách sạn “xịn”, tận hưởng những bữa tiệc ngon lành trên khắp thế giới mà không phải làm gì ngoài viết vài bài đánh giá, quảng cáo. Tuy nhiên, nghề này lại không dễ dàng như chúng ta tưởng tượng.

Phan Na Bạch là một chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực “ngủ thuê”. Nhưng thật ra, thời gian ngủ của anh khá ít ỏi, bởi anh phải làm việc khoảng 14 tiếng/ngày.

Phan Na Bạch – chuyên gia “ngủ thuê” người Trung Quốc

Phan Na Bạch – chuyên gia “ngủ thuê” người Trung Quốc

Trước khi đi “ngủ thuê”, anh Bạch sẽ đọc các thông tin trên mạng, tổng hợp đánh giá online và chọn ra khách sạn cần đến. Sau đó, anh sẽ tìm kiếm các thông tin chi tiết về khách sạn như câu chuyện khởi nghiệp, địa điểm, tình trạng giao thông và các điểm du lịch xung quanh. Khi đặt chân vào khách sạn cũng là lúc anh Bạch bắt đầu công việc của mình.

Trong thời gian lưu trú tại khách sạn, anh sẽ quan sát toàn bộ các dịch vụ, cơ sở hạ tầng, chú trọng nhiều chi tiết như lối phục vụ của nhân viên, chất lượng giường, các vật dụng vệ sinh hay mức độ phong phú của bữa sáng. Sau khi rời khách sạn, anh sẽ viết một bài “báo cáo” dài 600-3.000 chữ (kèm hình ảnh) về khách sạn này trên trang web du lịch đã thuê anh làm việc. Điều quan trọng nhất là bài viết phải chân thực, khách quan chứ không dựa trên sở thích cá nhân của người “ngủ thuê”.

“Toàn bộ công việc tính ra sẽ mất khoảng 4-14 tiếng đồng hồ” – anh Bạch tiết lộ.

Hiện tại, anh Bạch đã có 3 năm trong nghề. Anh đã đi khắp châu Á, châu Âu, châu Mỹ và cả châu Phi. Trong 1 năm, anh ghé thăm ít nhất 300 khách sạn ở các nước khác nhau. Nhiều bạn bè vừa ghen tỵ lại vừa ngưỡng mộ anh, nhưng họ không biết anh cũng phải lao động vất vả không kém.

Riêng việc chụp ảnh cũng đã tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trước khi chụp phải chọn góc, chuẩn bị đạo cụ làm tăng màu, ảnh phải chụp theo trào lưu đang “hot”. Một tấm ảnh hoàn hảo thường phải chụp đi chụp lại nhiều lần. Thậm chí có lúc đang nằm trên giường nghỉ ngơi, anh Bạch tay vẫn cầm điện thoại để chỉnh sửa ảnh. Nhiều lúc quá mệt, anh còn vừa đánh máy viết bài, vừa ngủ gật.

Ngoài ra, không phải lúc nào người “ngủ thuê” cũng được ở khách sạn 5 sao thượng hạng. Anh Bạch từng lưu trú tại một khách sạn ở miền đông châu Phi với giá 70 USD/đêm – một mức giá khá cao so với thu nhập bình quân 30 USD/người tại vùng này. Kết quả là khách sạn này không có bất kỳ tiện nghi nào ngoài một chiếc giường và một chiếc tủ khó khóa.

Dù vậy, làm chuyên gia “ngủ thuê” vẫn là công việc yêu thích của anh Bạch. Theo như anh tiết lộ, ngoài việc “ngủ thuê”, nhiều khách sạn còn tổ chức cho họ trải nghiệm các hoạt động du lịch bản địa miễn phí. Phan Na Bạch cho rằng, nghề của anh còn giúp các khách sạn nâng tầm chất lượng. Chẳng hạn như nhiều “homestay” (nhà nghỉ độc lập do người dân địa phương tự cung cấp) tư nhân thiếu kinh nghiệm đều rất cần chuyên gia “ngủ thuê” góp ý, chỉ ra phương hướng cải thiện và phát triển cho họ.

(Theo Dân Việt)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/ngu-thue-hai-ra-tien-nhung-met-khong-tuong-563466.html