Ngủ quên kiếp đá Apsara (Kỳ cuối: Bảo tồn văn hóa Chăm - hành trình của tương lai)

Tuy việc bảo tồn các di tích, giá trị văn hóa Chăm ở Quảng Nam gặp vô vàn khó khăn khiến không ít các nhà quản lý, nhà khoa học đau đầu thì vẫn còn đó những hy vọng. Những phiến đá Apsara đã tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử, những đền tháp dẫu đã mục nát vẫn kiên cường chiến đấu với nắng mưa…, vậy tại sao chúng ta không có quyền hy vọng vào một tương lai sáng hơn, bởi giờ đây chuyện bảo tồn di sản Chăm đã trở thành quan tâm chung của cả nhân loại.

Tổng thống Ấn Độ trồng cây bồ đề tại Khu đền tháp Mỹ Sơn trong chuyến thăm tháng 11-2018.

Tổng thống Ấn Độ trồng cây bồ đề tại Khu đền tháp Mỹ Sơn trong chuyến thăm tháng 11-2018.

Công tác bảo tồn không đơn độc

Tháng 11-2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao đã có chuyến thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây được xem là một dấu mốc đặc biệt bởi không chỉ là một chuyến thăm xã giao đơn thuần mà còn đánh dấu sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ trong việc tôn tạo, phục hồi các tháp ở Mỹ Sơn. Có thể khẳng định, về công tác khảo cổ, trùng tu di tích thì Ấn Độ là chuyên gia hàng đầu đã vươn tầm khu vực. Qua sự liên kết giữa văn hóa hai nước, Ấn Độ đã ngỏ lời giúp đỡ Việt Nam khôi phục văn hóa Chăm. Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án Ấn Độ trùng tu Mỹ Sơn (2016 - 2021) vừa kết thúc năm thứ 2 (2017- 2018) tại các nhóm tháp H, K và A. Cùng với chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ vừa qua, chương trình năm thứ 3 sẽ tiếp tục được thực hiện vào đầu năm 2019 với nhiều chuyên gia khảo cổ hàng đầu đến từ Cơ quan Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) cũng bắt đầu khởi động. Chỉ riêng năm 2018, hàng loạt chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế đã được Ban Quản lý thực hiện. Trong đó có thể kể đến việc đón tiếp các đoàn khảo sát, chuyên gia và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đến Mỹ Sơn nghiên cứu, làm việc; đón tiếp tiến sĩ Aleksei Pakhnevich (Nga) đến nghiên cứu, thử nghiệm gạch tại Khu di tích Mỹ Sơn; ký kết bản ghi nhớ giữa Ban Quản lý và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Ấn Độ về chuyển thể và dịch văn bia Chăm. Qua 2 năm thực hiện, các chuyên gia Ấn Độ đã xử lý gia cố, tạo ổn định các tường bao, tôn tạo các kiến trúc, các vị trí có kết cấu yếu. Xây dựng hồ sơ tư liệu chuẩn bị cho việc trùng tu trong thời gian đến. Đến nay, tại khu tháp K, dự án đã khai quật toàn bộ (bán kính 5m từ kiến trúc tháp K), gia cố, gia cường, tôn tạo, trùng tu tường bao, tường và đế tháp, xử lý hệ thống thoát nước, cải tạo môi trường xung quanh. Việc khai quật, phát lộ cũng đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị tại khu tháp H, tạo kết cấu vững chắc cho các công trình kiến trúc, xử lý triệt để việc thoát nước, phát lộ nhiều hiện vật có giá trị. Hiện nay, khu tháp K đã trở thành địa điểm tham quan ưa thích của nhiều đoàn khách trong lộ trình di chuyển từ Nhà Đôi đi tháp E, F.

Ghi sổ lưu niệm về chuyến thăm, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind khẳng định rất vinh dự khi được tham quan một di sản văn hóa thế giới rất nổi tiếng của UNESCO, một trung tâm của vương quốc Chămpa cổ mà sự tồn tại của nó mang đậm dấu ấn tinh thần văn hóa Hindu được du nhập từ Ấn Độ, cùng một vẻ đẹp kiến trúc vô cùng độc đáo và tinh xảo mà những nghệ nhân Chăm xưa đã thể hiện. Tổng thống Ấn Độ cũng cam kết sẽ cử những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ sang giúp trùng tu hoàn thiện hơn, làm tiền đề cho giao lưu văn hóa giữa hai nước trong tương lai.

Mô hình nhà hàng trải nghiệm ẩm thực Chăm tại Adei house của Dương Diễm My tại Mỹ Sơn.

Khôi phục ẩm thực Chăm

Không chỉ nhà quản lý, nhà khoa học đang ngày đêm nỗ lực bảo tồn văn hóa Chăm mà đâu đó vẫn có những bạn trẻ người Việt say mê nền văn hóa Chămpa cũng đang bắt nhịp với công cuộc gầy dựng này. Đạt giải 3 cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tại Quảng Nam, Dương Diễm My (1998, quê Duy Xuyên) tiếp tục hoàn thiện dự án kích cầu du lịch Duy Xuyên của mình với ý tưởng về việc khôi phục ẩm thực Chăm. Được sự tiếp sức, hỗ trợ của Vườn ươm khởi nghiệp Sông Hàn, My đã cho ra đời mô hình nhà hàng ẩm thực ADEI HOUSE tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn. Để triển khai mô hình nhà hàng ẩm thực ở Mỹ Sơn, ngoài việc thực tế khảo sát mong muốn của du khách, My còn liên hệ mượn không gian nhà rường theo mô hình homestay của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, tìm đến các chuyên gia ẩm thực Chăm để hiểu hơn và chọn ra những món ẩm thực chính của truyền thống người Chăm như canh chua thập cẩm, cá rô kho lá me... Bước đầu nhà hàng sẽ có khoảng 5 món ăn chính cho du khách thưởng thức kèm theo tour du lịch trải nghiệm ẩm thực thông qua việc tự tay du khách chế biến món ăn Chăm dưới sự hướng dẫn của đầu bếp. Diễm My cho biết trong quá trình thực hiện dự án, My thường xuyên thực hiện những cuộc khảo sát đối với du khách đến Hội An và Mỹ Sơn. Từ đó My nhận thấy sự thiếu hụt của trải nghiệm văn hóa Chăm thực sự tại Thánh địa Mỹ Sơn. Ngoài việc tham quan, nghe thuyết trình, xem một vài tiết mục múa du khách hầu như không có ấn tượng hay trải nghiệm nào về vùng đất này. Các món ăn bày bán tại Mỹ Sơn chủ yếu chỉ là các món thông dụng của người Việt. Nghĩ là làm, My quyết định "khăn gói" vào Bình Thuận xem cách làm du lịch nơi đây cũng là để trải nghiệm cách sống trong một gia đình Chăm thực sự. Từ những trải nghiệm cá nhân, My đã cùng các cộng sự lên kế hoạch quảng bá, liên kết các tour tuyến du lịch trải nghiệm ẩm thực Chăm tại Mỹ Sơn. "Hiện nay em đang bắt tay cùng Tổ nấu ăn thuộc Làng cộng đồng Mỹ Sơn nấu các món ăn Chăm. Điều này cũng phù hợp với định hướng, cách thức quảng bá du lịch Mỹ Sơn trong những năm tới là tập trung vào phần trải nghiệm. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhưng em tin tưởng một khi nhà hàng đi vào hoạt động sẽ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng và hỗ trợ phần nào đó cho công tác bảo tồn, lan tỏa giá trị Chăm mà ẩm thực là lĩnh vực lâu nay bị bỏ quên", My nói.

Có thể nói rằng, nền văn hóa Chămpa trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã chứng tỏ khả năng trường tồn của mình. Bất chấp sự bào mòn của thời gian và những đổi thay của đời sống hiện đại, những giá trị ấy lại càng khẳng định được sự đóng góp của mình cho nền văn minh nhân loại. Mỹ Sơn từng là Kinh đô của vương quốc Chămpa một thời. Sau 20 năm được thế giới công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, chúng ta và cả những thế hệ mai sau cần chung tay hành động nhiều hơn nữa, để những giá trị Chămpa, những kiếp đá Apsara sẽ không ngủ quên, chôn vùi trong quên lãng.

Phóng sự: HÀ DUNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_203039_ngu-quen-kiep-da-apsara-ky-cuoi-bao-ton-van-hoa-cham-hanh-trinh-cua-tuong-lai-.aspx