Ngư phủ trên non

Giữa trùng điệp núi non nơi miền tây Quảng Ngãi, sau khi các dự án thủy điện, thủy lợi tích nước, vận hành đã tạo nên những hồ nước nhân tạo rộng lớn. Nơi đây có rất nhiều loại thủy sản trú ngụ, sinh sống, nên dần dà đã trở thành 'ngư trường' để những nông dân miền ngược đánh bắt, nuôi trồng hải sản mưu sinh.Ấm tình 'ngư phủ'

Những "ngư dân đặc biệt"

Chiều tháng tám, nắng vẫn còn chói chang. Ở bến đò thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), hai cha con ông Phạm Văn Tùng tất bật chuyển ngư lưới cụ lên ghe để chuẩn bị cho chuyến ra khơi khi trời ngả về chiều. Theo lời ông Tùng, trước đây ông hành nghề bán hàng rong, từ ngày hồ chứa nước Nước Trong tích nước, ông chuyển sang đầu tư ghe máy, lưới, các dụng cụ cần thiết để đánh bắt cá. Đã 5 năm mưu sinh sông nước, ông Tùng bảo cái nghề này cũng khá nhọc nhằn, nhất là trong những ngày mưa bão, mọi người ở nhà thì những “ngư dân” như ông lại đi làm, bởi mùa nước nổi cũng là thời điểm cá về rất nhiều.

Khi các hồ thủy điện tích nước, cá tôm nhiều các nông dân đã nhanh chóng chuyển nghề trở thành "ngư phủ".

Đôi chân thoăn thoắt bước đi từ trên bờ đập xuống bến đò, dù trên vai là chiếc máy nổ nặng tầm 30kg được “độ” để làm lực đẩy bánh lái đẩy chiếc ghe di chuyển, chàng thanh niên Phạm Văn Nhi bảo đi riết thành quen. Trước đây Nhi thôi học ở nhà làm nông, nhưng từ khi ông Tùng chuyển sang làm “ngư dân”, thì Nhi cũng theo cha mưu sinh trên lòng hồ.

“Ban đầu em đi cho vui, nhưng sau thấy thu nhập từ nghề này ổn định, nên ba năm nay em đầu tư thêm ngư lưới cụ và sắm ghe lớn để làm ăn. Tuy cực khổ do “ngủ ngày, làm đêm”, nhưng thu nhập từ bán cá, tôm giúp em trang trải cuộc sống tốt hơn so với trồng rừng”, chàng thanh niên người Hrê chia sẻ.

Cũng như cha con ông Tùng, ở xã Trà Xinh (Trà Bồng), ngoài phát triển kinh tế gia đình bằng trồng rừng, thì 5 năm qua, gia đình ông Hồ Văn Hoa còn chuyển sang nuôi cá lồng bè và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Nước Trong. Với chiếc ghe máy ngang 1,6m, dài tầm 4,5m và hàng chục tay lưới đủ loại, ông Hoa đã trở thành "ngư dân" thực thụ.

“Ban đầu chuyển sang làm "ngư dân" tôi gặp không ít khó khăn, do chưa quen với việc thả lưới, gỡ cá, tôm và cả việc chọn địa điểm để thả lưới, nên cá dính lưới ít mà cây gỗ dính nhiều, khiến lưới bị hư hỏng. Dần dà rút kinh nghiệm, nên sau đó tôi đánh bắt rất hiệu quả. Mỗi ngày, nguồn thu từ khai thác cá không dưới 300 nghìn đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống”, ông Hoa bộc bạch.

Trách nhiệm với "mẹ thiên nhiên"

Với diện tích mặt nước lên đến hàng trăm hécta và nguồn cá tôm dồi dào, nên ba năm qua, người dân các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (Sơn Tây) đã mạnh dạn đổi nghề, từ trồng rừng sang làm... "ngư dân". Họ chọn những quả đồi nước dâng không ngập hết làm điểm neo ghe và hành nghề. Trong số những “ngư dân” đang ăn nên, làm ra ở hồ thủy điện Đắkđrinh, thì câu chuyện của “ngư phủ” Hạ Văn Trưởng khá đặc biệt.

Sau một đêm sương lạnh, thành quả là những thùng cá đầy ắp được thương lái đến tận bến đò thu mua.

Sinh ra ở huyện Sơn Tịnh, lớn lên có nhiều năm đi làm ăn ở mảnh đất Tây Nguyên, nhưng kém hiệu quả, thế nên anh Trưởng trở về quê và quyết định chọn lòng hồ thủy điện Đắkđrinh làm nơi mưu sinh. Anh Trưởng chọn một ốc đảo giữa lòng hồ dựng chòi ở và đêm xuống đánh bắt cá. Nhận thấy nguồn lợi thủy sản dồi dào và nguồn thu tốt, hai người em của anh là anh Hạ Văn Tĩnh và Hạ Văn Minh cùng lên núi làm... “ngư dân”. Ngót đã 6 năm “ăn ngủ trên ghe”, đến nay cả ba không những đầu tư trang thiết bị đánh bắt cá hiện đại hơn, mà ở đó họ còn là những người tiên phong trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Anh Trưởng kể: Trước đây tôi dùng lưới loại nhỏ để đánh bắt, nên gần như tất cả các loại thủy sản đều dính lưới. Nhưng từ hai năm qua nhận thấy việc đánh bắt như vậy là “tận diệt”, nên tôi bàn với hai người em đầu tư lưới loại mắt lớn để bắt cá to, không bắt cá nhỏ nữa, vì như thế sẽ không còn cá để khai thác. “Thiên nhiên ban tặng cho mình nguồn sống thì mình cũng phải có trách nhiệm để đàn cá sinh sôi tốt”, anh Trưởng bày tỏ.

Ở bến đò thủy điện Đăkđrinh (xã Sơn Dung), khi những tia nắng cuối ngày sắp chìm dần vào vách núi, những “ngư dân” tất tả chuẩn bị hành trang để mưu sinh trên lòng hồ. Tất thảy trên những chiếc ghe không có bất kỳ thiết bị kích điện nào mà hầu hết chỉ có lưới, chài và lưỡi câu. Anh Dũng, một người dân thị trấn Di Lăng lên đây lập nghiệp, cho hay: Trước đây, nhiều người dân sử dụng kích điện đánh bắt cá khiến rất nhiều cá con bị chết, nhất là vào mùa cá sinh sản. Nhận thấy cách làm như vậy là không ổn nên những “ngư dân” như anh đã âm thầm báo chính quyền xử lý. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng sau đó của lực lượng chức năng các xã, nên các ghe đánh cá bằng kích điện đã bị xóa sổ.

Với đặc điểm của các hồ chứa nước thủy điện nằm cạnh các cánh rừng già, nơi lâm tặc thường xuyên lén lút khai thác gỗ trái phép, nhất là vào thời điểm ngoài giờ hành chính hoặc đêm tối. Nhiều “ngư dân” trong lúc khai thác thủy sản phát hiện đã ghi hình và báo chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Thậm chí, ngay sau khi phát hiện các đoàn ghe lạ di chuyển, tình nghi là lâm tặc, các “ngư dân” điện thoại báo cơ quan chức năng ngay.

“Nếu để nạn phá rừng diễn ra, thì tương lai rừng sẽ không còn, không có rừng thì hồ sẽ dần cạn nước. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và cũng chính là bảo vệ “cần câu cơm” của chính mình”, anh V. chia sẻ.

Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc các "ngư dân" bắt đầu công việc mưu sinh.

Theo lãnh đạo huyện Sơn Tây, những năm trước, tình trạng khai thác gỗ dọc theo lòng hồ thủy điện, hoặc lợi dụng lòng hồ để vận chuyển gỗ có xảy ra. Nhưng từ khi có các “ngư dân” canh gác, nên các vụ phá rừng quanh lòng hồ hầu như không còn nữa.

Phía bên kia bờ hồ thủy điện, nơi giáp ranh giữa hai xã Sơn Liên và Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum), câu chuyện về chàng “ngư dân” Đinh Văn Phi không chỉ đánh bắt cá giỏi mà còn có tấm lòng nhân hậu khiến nhiều người xúc động. Vào năm 2017, khi đang nằm ngủ trên ghe để lấy sức dậy sớm thu lưới sau hơn 2 giờ giăng lưới thì anh nghe văng vẳng bên tai tiếng gọi dồn dập: Cứu! cứu! Không một chút ngần ngại, anh bật đèn pin đeo lên đầu rồi nổ máy cho ghe chạy tìm người gặp nạn. Mất gần 10 phút quần thảo anh mới tìm đến nơi chiếc ghe đang chìm dần. Sau khi cứu mới biết họ là “đồng nghiệp” ở xã Hiếu, huyện Kon Plông lên đây mưu sinh và lần ra khơi đầu tiên thì gặp nạn.

“Mưu sinh trên sông nước, biết người gặp nạn mà không cứu thì lương tâm không cho phép. Khi cứu được vợ chồng anh ấy, rồi đưa lên bờ an toàn thì đã muộn phiên chợ. Dù nguyên ngày hôm đó phải chở cá đi bán dạo khắp các xóm, nhưng tôi thấy rất hạnh phúc, vì mình vừa làm được việc tốt”, anh Phi tâm sự.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202008/ngu-phu-tren-non-3019018/