Ngư lôi mãnh thú Futliar- Sát thủ Tàu sân bay

Ấn bản mạng 'Reporter' báo cáo rằng các cuộc thử nghiệm của ngư lôi tầm nhiệt 'Futliar' đã được hoàn thành. Đây chính là phiên bản hiện đại hóa của ngư lôi nước sâu đa năng 'Fizik' (UGST) đã được Hải quân Nga sử dụng, với các đặc tính được cải tiến.

Điều này có nghĩa là về đặc tính chiến đấu “Futliar” đã vượt qua đối thủ chính là ngư lôi chủ lực Mk 48 của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, nó vẫn kém hơn về tầm bắn so với một số ngư lôi châu Âu, ví dụ như ngư lôi DM2A4ER của Đức có tầm phóng lên tới 140 km.

Số phận của ngư lôi tầm nhiệt Nga đã từng bị treo lơ lửng. Ủy ban đang điều tra nguyên nhân thảm họa tàu ngầm hạt nhân “Kursk” đã đưa ra kết luận rằng vụ tai nạn xảy ra do vụ nổ của một "ngư lôi dày" tầm nhiệt - "Kit" 65-76A cỡ nòng 650 mm.

Điều này xảy ra là do rò rỉ hydrogen peroxide, gây cháy và nổ. Sự thật là, phiên bản này đã bị từ chối bởi một số chuyên gia có thẩm quyền.

Ảnh: Vitaly Nevar / TASS.

Ảnh: Vitaly Nevar / TASS.

Sau khi kết quả điều tra được công bố, "Ngư lôi dày" đã bị loại khỏi biên chế. Mặc dù vào thời điểm đó nó là vũ khí hiệu quả nhất cho tàu ngầm đa năng, vượt trội hơn hẳn về hiệu suất so với ngư lôi điện USET-80.

Tầm hoạt động của “Kit” ở tốc độ tối đa 50 hải lý / giờ và đạt 50 km. Còn ở tốc độ 35 hải lý / giờ nó đạt 100 km. Ngư lôi này xứng đáng được gọi là "sát thủ hàng không mẫu hạm".

USET-80 đã phát triển tốc độ lên 45 hải lý / giờ. Nhưng nó có tầm bắn chỉ 18 km. Vì vậy, vào năm 2002, tàu ngầm Nga chỉ có thể sử dụng ngư lôi kiểu cũ, hay đúng hơn là của thế kỷ trước, nghĩa là từ khi USET-80 xuất hiện vào năm 1980. Sự thua kém ngư lôi Mk 48 của Mỹ (tốc độ 55 hải lý / giờ, tầm bắn 50 km) thật đáng buồn.

Nhưng liên quan đến vụ tai nạn trên tàu “Kursk”, bộ tư lệnh hải quân đã có thái độ tiêu cực đối với ngư lôi tầm nhiệt. Đúng là, ngư lôi “Fizik”, được đưa vào sử dụng vào năm 2002 tiên tiến hơn nhiều so với UEST-80.

Về hình thức - ngư lôi này không được phép sử dụng trên tàu ngầm đã hơn mười năm, đòi hỏi nhiều cuộc thử nghiệm mới. Chỉ đến năm 2015, “Fizik” mới được chấp thuận sử dụng trong hạm đội tàu ngầm.

Sự phát triển của “Fizik” bắt đầu vào năm 1986 tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Hàng hải. Và mặc dù ngư lôi đã được chế tạo xong từ cuối những năm 90 nhưng nó vẫn giữ được tính hiện đại và hiệu quả. Kết quả đạt được đã đưa nó ngang hàng với những ngư lôi tốt nhất của NATO.

Ngư lôi này đã tăng khả năng tàng hình đáng kể do không sử dụng chân vịt mà dùng vòi rồng hạn chế tiếng ồn.

Ngư lôi “Futliar” được phát triển tại Viện Nghiên cứu Công trình Biển với một tốc độ cao nhất. Vào năm 2018, nó đã sẵn sàng để thử nghiệm. Và bây giờ, ngư lôi này đã được hoàn chỉnh.

Hiện loại ngư lôi này đã trở thành chủ lực trong Hải quân. “Futliar” được sản xuất tại nhà máy Dagdizel thuộc thành phố Kaspiysk, được đưa vào trang bị chủ yếu cho các tàu ngầm hạt nhân chính thuộc thế hệ thứ tư của dự án “Yasen” và “Borey”.

Các đặc điểm liên quan đến ngư lôi cơ bản “Fizik” ngày càng phát triển. Tốc độ tối đa đã được tăng lên 65 hải lý / giờ và tầm hoạt động - lên đến 60 km (một số nguồn tin nói rằng khoảng 70 km).

Ngư lôi được hiện đại hóa sử dụng hệ thống đẩy nhiệt hiệu quả cao TPS-53, nhờ đó nó có thể cải thiện đáng kể hiệu suất. Động cơ tuabin khí của nó sử dụng nhiên liệu lỏng một thành phần Ott-fuel cho phép phát triển công suất lên tới 800 kW. Còn công suất của động cơ “Fizik” chỉ có 350 kW.

"Futliar", giống như “Fizik”, còn có một lợi thế liên quan đến ngư lôi của thế hệ trước. Nhưng tất nhiên, nó phụ thuộc trực tiếp vào thiết kế của các ống phóng ngư lôi của các tàu ngầm thế hệ thứ tư mới nhất.

Trước đây, việc phóng ngư lôi là theo kiểu phóng "khô", tức là ngư lôi bị đẩy ra khỏi ống phóng bởi một khối lượng lớn khí nén. Điều này, thứ nhất, làm lộ con tàu, vì nó tạo ra tiếng ồn đáng kể. Thứ hai, bọt khí nổi trên mặt nước là điểm chú ý tuyệt vời để máy bay chống tàu ngầm ném bom.

Bây giờ, người ta đã chuyển sang sử dụng việc phóng ngư lôi theo kiểu "ướt" không ồn ào, quả ngư lôi được đẩy ra khỏi ống phóng bởi một áp lực mạnh của nước.

Trong trường hợp này, bộ liên hợp phản lực cánh quạt được bơm 5 mét khối nước mỗi giây. Điều này không chỉ làm cho việc bắn ngư lôi giữ được bí mật mà còn có thể sử dụng vũ khí ngay tức thì, bởi vì không cần phải đợi máy nén nâng áp suất khí trong buồng nén lên mức cần thiết.

Ngoài ngư lôi "Futliar" truyền thống, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng đang chế tạo ngư lôi "Khisnik" (Tiếng Nga-“Mãnh thú”) mới về cơ bản, thực chất đây là một loại tên lửa dưới nước. Trước đây, đã tồn tại một phương án như vậy và nó đã được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, Hải quân Nga đã từ chối loại tên lửa này.

Năm 1977, Hải quân Nga đã đưa vào trang bị ngư lôi 533 mm VA-111 “Shkval” được chế tạo tại Viện nghiên cứu Khoa học-24 (nay là Xí nghiệp Nghiên cứu và Sản xuất Nhà nước “Region”, thuộc Tổng công ty Thiết bị Tên lửa Chiến thuật).

Loại ngư lôi này có tốc độ tuyệt vời là 200 hải lý / h (370 km / h). Ban đầu, nó được lắp một đầu đạn hạt nhân có công suất 150 kt. Sau đó, nó được thay thế bằng đầu đạn bình thường.

Tốc độ khủng khiếp như vậy có được là do hiệu ứng khí xâm thực. Bản chất của nó là ở chỗ ngư lôi sẽ di chuyển trong bong bóng khí. Trong quá trình chuyển động, nó vượt qua không phải lực cản của nước mà là của không khí. Bong bóng, bao bọc ngư lôi từ mọi phía, được tạo ra bởi một hệ thống hơi-khí đặt ở đầu ngư lôi.

Trong trường hợp này, dòng phản lực của động cơ phun nhiên liệu rắn hoạt động như một động cơ. Động cơ này hoàn toàn khác với động cơ được sử dụng trên máy bay. Nước biển hoạt động trong đó như một chất lỏng và chất oxy hóa. Còn nhiên liệu là các kim loại phản ứng thủy phân.

Tuy nhiên, loại ngư lôi này cũng có nhược điểm là khi được phóng từ độ sâu 30 mét, nó lặn về phía mục tiêu ở độ sâu 6 mét và đồng thời phát ra tiếng động lớn. Hơn nữa, nó còn để lại dấu vết rõ ràng trên mặt biển, cho biết vị trí của chiếc tàu ngầm đã phóng nó đi.

Ngư lôi này cũng không có đầu tự dẫn, nguyên nhân là do có hai lý do khách quan. Thứ nhất, bất kỳ sự di chuyển nào với tốc độ lớn như vậy thì không thể tránh khỏi có sự phá hủy của bong bóng hơi-khí.

Thứ hai, do có tiếng ồn và độ rung mạnh nên đầu tự dẫn không thể nghe theo ai hoặc bất cứ điều gì ngoại trừ động cơ phản lực của chính nó. Nói tóm lại, “Shkval” giống như một quả đạn tên lửa không tự điều khiển.

Và phạm vi hoạt động của nó cũng nhỏ, không vượt quá 13 km. Có nghĩa là, để tấn công một tàu sân bay, tàu ngầm phải xâm nhập vào khu vực phòng thủ chống tàu ngầm của nhóm không kích đối phương.

Do đó, với các dữ liệu kỹ thuật đặc biệt của mình, loại ngư lôi này hóa ra lại không hiệu quả xét từ quan điểm thực tế. Và cuối cùng, “Shkval” đã bị loại khỏi biên chế, nhường quyền ưu tiên cho việc sử dụng ngư lôi truyền thống.

Hiện nay Xí nghiệp Nghiên cứu và Sản xuất "Region" đang phát triển ngư lôi "Khisnik". Loại ngư lôi này sẽ không có những thiếu sót của “Shkval”. Tốc độ của nó sẽ vượt quá 100 m / s. Các đặc điểm còn lại không được báo cáo.

Theo Nguyễn Quang/Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/ngu-loi-manh-thu-futliar-sat-thu-tau-san-bay/20210224080450721