Ngư lôi đảm bảo ưu thế tuyệt đối của Mỹ trước Nga

Biến thể mới của ngư lôi Mark 48 Mỹ lại càng bỏ xa 'Futliar' Nga ở phía sau

Lại xin được giới thiệu tiếp loạt bài chủ đề so sánh vũ khí của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính TSNIIMASH Vladimir Tuchkov. Lần này thì về ngư lôi Mỹ - Nga qua bài viết với tiêu đề trên đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 17/10/2019.

Ảnh: twitter.com/USNavy

Ảnh: twitter.com/USNavy

Kể từ năm 1972 đến nay, kiểu ngư lôi hạng nặng chủ lực của Hải quân Mỹ là ngư lôi 533 ly Mark- 48. Trong suốt nửa thế kỷ qua, tuy nó đã được hiện đại hóa một số lần, nhưng vẫn là kiểu vũ khí rất hiện đại đủ khả năng “chiến đấu” cả với tàu nổi lẫn tàu ngầm, bởi vì các công trình sư thiết kế nó luôn theo sát sự phát triển lực lượng hải quân của đối thủ chính- Liên Xô trước đây, và sau là Nga. Và bây giờ đây, Hải quân Mỹ lại sắp được tiếp nhận một biến thể mới nữa của ngư lôi Mark-48.

Mọi công việc được tiến hành liên quan đến biến thể mới này lâu nay đều được giữ tuyệt mật. Nhưng vửa mới trong tuần này, các đại diện chính thức của Hải quân Mỹ đã tiết lộ một số chi tiết về tiến trình “hiện đại hóa” kiểu ngư lôi (Mark 48) nói trên. Sau đó, các phương tiện truyền thông đại chúng phân tích và đi đến kết luận: ngư lôi mới của Hải quân Mỹ có thể sẽ trở thành một mối đe dọa cực nguy hiểm đối với các tàu nổi và tàu ngầm Nga.

Nhưng trước hết, để hiểu rõ hơn, chúng ta cần làm quen với Mark 48 đang có, và cùng xem xét “quá trình tiến hóa” theo từng thời điểm một.

Biến thể đầu tiên - Mark 48 Mod 1 - là, như người ta thường nói, nét chấm phá của cây bút. Nhưng đã có một bước tiến rất quan trọng so với các vũ khí cùng loại thế hệ trước. Ngư lôi mới đã trở nên đa năng – trị mục tiêu kép, có nghĩa là vừa tấn công tiêu diệt được các tàu mặt nước và vừa tấn công tiêu diệt cả các tàu ngầm.

Thời kỳ đầu, nó là ngư lôi nhiệt, chứ không phải ngư lôi điện. Trong biến thể đầu tiên, nó được trang bị một động cơ tua-bin khí, nhưng không lâu sau đó (động cơ tua-bin khí) này được thay bằng động cơ pít-tông chạy bằng nhiên liệu Otto-II công suất 500 mã lực.

Hệ thống dẫn đường (điều hướng) Mark 48 Mod 1đến mục tiêu là hệ thống tự dẫn thủy âm chủ động- thụ động (SSN- viết tắt tiếng Nga- xin dùng từ viết tắt này tiếp theo-ND). Cũng có thể điều khiển ngư lôi qua một cáp dài tới 18 km. Nhưng các lệnh truyền qua cáp này chỉ theo một hướng - từ tàu ngầm phóng ngư lôi đến hệ thống điều khiển ngư lôi.

Trong biến thể Mark 48 Mod 3 xuất hiện vào năm 1976, đã có những thay đổi, cải tiến rất đáng kể. Như đã đề cập ở ngay phần đầu, nó đã được trang bị động cơ mới (động cơ pit-tông 500 mã lực-ND). Vẫn qua kênh điều khiển từ xa, có nghĩa là qua đường cáp, nhưng tàu ngầm phóng ngư lôi đã có thể nhận thông tin phản hồi từ ngư lôi để có thể dẫn đường chính xác hơn.

Dần dần, từ biến thể này qua biến thể khác, tốc độ và tầm bắn tăng lên, độ sâu làm việc (hoạt động) tối đa của ngư lôi cũng tăng lên. Dĩ nhiên, các khả năng của SSN cũng đã “tiến lên phía trước” – cụ thể- cả độ nhạy, cự ly phát hiện mục tiêu, khả nặng chọn mục tiêu tối ưu để tấn công, khả năng kháng nhiễu đều được cải thiện.

Hiện tại, Hải quân Mỹ đang khai thác hai biến thể- biến thể thứ 6 (1998) và biến thể thứ 7 (2008). Với biến thể đầu (1998), động cơ và các trang thiết bị điện tử đã hoàn thiện rất đáng kể. Công suất của bộ vi xử lý và dung lượng bộ nhớ đều tăng. Vì thế nên có thể xử lý chính xác hơn các thông tin mà SSN nhận được và thành thử, có được những dữ liệu chính xác hơn về mục tiêu cần tấn công- như kích thước, cự ly, tốc độ và hướng di chuyển (của mục tiêu).

Độ ồn của biến thể này cũng giảm rõ rệt do áp dụng các giải pháp chống rung của các bộ phận của động cơ và sử dụng động cơ phản lực dòng nước (pumpjet) tiên tiến hơn.

Hướng hiện đại hóa ngư lôi chính cho đến biến thể thứ 7 (của Mark-48) là cải thiện hoạt động của nó tại các khu vực biển nông gần bờ, tức ở những nơi rất khó định vị bằng thủy âm do sự lặp lại của các phản xạ sóng âm từ đáy biển và từ các chướng ngại vật khác.

Để giải quyết vấn đề khó khăn này, các kỹ sư Mỹ đã đưa vào sử dụng hệ thống CBASS (Common Broadband Advanced Sonar System) và phần mềm điều khiển mới.

Nhà thiết kế ngư lôi- tức tập đoàn Lockheed Martin- đã “phong” cho Mark 48 Mod 7 “danh hiệu” ngư lôi tốt nhất trên thế giới. Tuy vậy, tất cả các tính năng của nó (thậm chí cả đến tốc độ) đều được giữ bí mật. Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể sử dụng các nguồn dữ liệu mở về ngư lôi Mark 48 Mod 6 để hình dung.

Chiều dài - 5,79 m, cỡ - 533 mm, trọng lượng – 1.663 kg. Tốc độ tối đa là 55 hải lý / giờ (với Mark 48 Mod 5- 60 hải lý). Cự ly tối đa tiêu diệt mục tiêu - 50 km ở chế độ ngư lôi di chuyển theo tốc độ hành trình, 35 km ở chế độ tốc độ tối đa. Cự ly điều khiển từ xa (bằng cáp) - 18 km. Cự ly khóa mục tiêu của SSN ngư lôi là 3.500 m. Độ sâu làm việc, theo các ước tính khác nhau, từ 800 m đến 1.000 m. Trọng lượng của đầu tác chiến-khoảng 300 kg.

Sau khi được phóng theo hướng tới mục tiêu, ngư lôi di chuyển với tốc độ tối đa. Khi tiếp cận đến khoảng cách mà SSN thủy âm có thể bắt mục tiêu, tốc độ ngư lôi giảm xuống, còn khoảng 35- 40 hải lý/giờ (theo các đánh giá khác nhau) và nó bắt đầu sục sạo tìm mục tiêu, di chuyển theo kiểu “rắn trườn”. Sau khi đã khóa mục tiêu. Ngư lôi lại tăng tốc tối đa để tấn công.

Thêm nữa, những ngư lôi “bị mất” mục tiêu (bắn trượt), có thể thực hiện lần tấn công thứ hai, bằng cách chuyển sang chế độ “tự tìm mục tiêu”. Có nghĩa là hiện thực hóa nguyên tắc "bắn và quên".

Vậy thì người Mỹ còn có thể làm gì khác nữa với Mark 48, khi mà ngay từ năm 2008, họ đã có trong tay loại ngư lôi tốt nhất thế giới rồi?

Chỉ được biết, những công việc (hiện đại hóa) mà “Lockheed Martin” đang thực hiện là nhằm tăng khả năng tàng hình, hoàn thiện hệ thống tự dẫn, loại trừ các yếu tố làm lộ của hệ thống thủy âm, giảm độ ồn và tăng công suất động cơ. Cũng sẽ tăng khả năng sát thương (sức công phá) cho đầu tác chiến của ngư lôi.

Đồng thời, cách đây không lâu, cũng đã có thông tin về giá ước tính của một quả ngư lôi triển vọng- 3,7 triệu đô la/ quả. Hoàn toàn có thể thể hiểu được rằng Tập đoàn “Lockheed Martin”, theo truyền thống, sẽ “thổi” con số này lên ít nhất là một lần rưỡi. Có thể nói chắc như vậy vì nhớ rằng Mark 48 Mod 5 có giá bán 3,5 triệu đôla. Và cũng xin lại nhớ cho- đây là (3,5 triệu đô) mức giá cuối thập niên 80!

Cần phải công nhận rằng, biến thể triển vọng trên của Mark 48- đó là, quả thực sẽ là một kiểu vũ khí rất đáng gờm. Và người Mỹ tìm mọi cách để nhấn mạnh điều này, luôn tuyên bố rằng nó (biến thể ngư lôi mới) sẽ mang lại cho Hải quân Mỹ một ưu thế tác chiến quyết định. Đây là một tuyên bố rất nghiêm túc. Tất nhiên, ưu thế quyết định ở đây là ưu thế trước Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc.

Vậy, liệu Nga có thể lấy gì để đối phó với loại ngư lôi trên- vì gần như suốt trong thời kỳ Hậu Xô Viết mà nước Nga vẫn loay hoay không thể quyết định xong vấn đề: nên chọn ngư lôi nào làm vũ khí tấn công chính - điện hay nhiệt?

Chúng ta (Nga) đã từng có một ngư lôi nhiệt “đầy đặn” – 65- 76A “Kit”, - có những chỉ số năng lượng vượt trội Mark 48 . Nó được đưa vào trang bị trong những năm 70. Nó có hai cỡ - 533 mm và 650 mm. “Kit” có khả năng tiêu diệt tàu ngầm đối phương ở cự ly lên tới 100 km, có nghĩa là phương tiện mang nó, tức tàu ngầm, không cần phải đi vào khu vực phòng thủ chống ngầm của đối phương. Tốc độ đạt tới 70 hải lý/giờ.

Năm 2002, một quả ngư lôi "Kit" phát nổ đã đã dẫn đến cái chết của tàu ngầm "Kursk" - đây được xác định là nguyên nhân chính và được công bố chính thức gây ra thảm họa tàu ngầm nói trên. Bộ Tư lệnh hải quân Nga lúc đó đã quyết định đặt một cây thánh giá to tướng lên kiểu ngư lôi nhiệt này vì nó "cực kỳ nguy hiểm”.

Tất cả các ngư lôi kiểu này đã được đưa ra khỏi trang bị, công tác nghiên cứu thiết kế các ngư lội nhiệt mới khác được lệnh dừng lại. Trong điều kiện Nga không có các bộ ắc quy chất lượng cao nào, các kỹ sư Nga bắt đầu triển khai thiết kế các ngư lôi điện. Tuy nhiên, nếu xét theo các tính năng quan trọng nhất, các ngư lôi mới này của Nga không thể nào “sánh được” với Mark 48 của Mỹ.

Các ngư lôi trưng bày tại Triển làm hải quân quốc tế lần thứ 7 (Ảnh: Ruslan Shamukov /ТАSS)

Nhưng cách đây không lâu lắm, chỉ gần 4 năm trước, cuối cùng cũng đã xuất hiiện kiểu ngư lôi nhiệt tự dẫn đa năng hoạt động ở độ sâu lớn có tên là “Fizik”. Sau đó 2 năm nữa, Hải quân Nga đã tiếp nhận và đưa vào trang bị một biến thể mới hiện đại hơn “Futliar”.

Về tầm bắn và tốc độ, ngư lôi này (“Futliar”) có thể sánh ngang ngửa với “người Mỹ” (Mk48). Và thậm chí còn nhỉnh hơn một chút. Tốc độ từ 60 đến 65 hải lý / giờ, cự ly tiêu diệt mục tiêu- 50−55 km. Nhưng độ sâu làm việc kém hơn “người Mỹ” nhiều– chỉ 400 m. Cáp điều khiển từ xa- dài hơn 25 km. Động cơ cũng là pumpjet. Và đầu tác chiến cũng nặng 300 kg.

Sục sạo tìm mục tiêu khi di chuyển cũng theo kiểu “rắn trườn” và cũng được “tự do săn mục tiêu” trong trường hợp mất mục tiêu trong lần tấn công đầu- tất cả những khả năng này đều có (như ngư lôi của Mỹ-ND).

Về SSN thủy âm- không có nhiều thông tin lắm. Nhưng những thông tin có được lại làm chúng ta thêm buồn. Cự ly phát hiện mục tiêu là 2.500 m so với 3.500 m của ngư lôi Mỹ hiện có. Biến thể mới sắp có sẽ có cự ly phát hiện là bao nhiêu, không ai biết, nhưng, tất nhiên, sẽ không gần đi, mà sẽ xa hơn.

Nó sẽ hoạt động ở vùng biển nông như thế nào? Độ ồn bao nhiêu? Công suất tính toán của bộ vi xử lý của nó bao nhiêu? Khả năng kháng nhiễu ra sao? Khả năng chọn mục tiêu SSN thủy âm như thế nào? Không có moot4j thông tin nào để trả lời các câu hỏi trên. Nhưng có thể tin rằng, với độ nhạy không được quá cao như hiện nay, các công trình sư của chúng ta còn phải cật lực làm việc trong nhiều năm nữa may ra mới đạt được đẳng cấp như sản phẩm của “Lockheed-Martin”.

Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói, cũng phải công nhận là “Fizik” và “Futliar” có các tính năng vượt trội so với những “người tiền nhiệm” (các ngư lôi Liên Xô- Nga trước đây). Và đấy rõ ràng là một bước tiến quan trọng về phía trước. Chính chúng đang là những ngư lôi trang bị cho các tàu ngầm hiện đại nhất mà chúng ta (Nga) có- tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp “Borey” và tàu ngầm hạt nhân đa năng “Yasen”.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ngu-loi-dam-bao-uu-the-tuyet-doi-cua-my-truoc-nga-3389647/