Ngư dân ven biển Nghệ An chủ động ứng phó bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (Wipha), ngư dân các địa bàn ven biển tỉnh Nghệ An đang khẩn trương cập cảng sớm để tiêu thụ hải sản, kiểm tra, gia cố phương tiện và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão từ sớm, từ xa.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An dộng viên, hướng dẫn chủ các lồng bè thu hoạch cá tránh thiệt hại do báo số 3 gây ra khi đổ bộ vào đất liền. Ảnh: TTXVN phát
Tinh thần chủ động ở địa phương ven biển
Từ sáng 20/7, tại cửa biển Lạch Vạn (1 trong 6 cửa biển lớn tỉnh Nghệ An) đã tấp nập tàu, thuyền đánh cá của ngư dân xã Diễn Châu vào lạch, cập cảng cá tiêu thụ sản phẩm hải sản để có thời gian đưa phương tiện đi neo đậu, tránh trú, cột néo chắc chắn và gia cố mạn tàu, thuyền bằng các vật dụng có khả năng giảm xung lực nhằm tránh va đập mạnh, gây hư hỏng phương tiện. Nhiều chủ tàu công suất lớn dù chuyến đi khơi chưa đủ ngày theo lịch trình, lượng hải sản khai thác chưa đạt theo kế hoạch nhưng vẫn quyết định cho phương tiện vào bờ, cập bến trước nhiều ngày. Nhiều tàu cá có công suất lớn đã chủ động dừng chuyến vươn khơi từ trước đó 2-3 ngày.
Ngư dân Hoàng Cầu, xã Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, chủ tàu cá mang số hiệu NA-90797-TS chuyên đánh bắt hải sản vùng khơi cho biết: Qua thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin dự báo về diễn biến, hướng đi của bão số 3 từ kênh thông tin báo đài, đặc biệt là việc cập nhật, sẻ chia thông tin tình hình thời tiết, bão gió từ các tổ đội khai thác trong Nghiệp đoàn nghề cá qua hệ thống máy móc được trang bị trên tàu, điện thoại di động các thuyền viên mang theo... nên bà con luôn chủ động được tình hình, nắm được hướng di chuyển của bão để đưa phương tiện thoát khỏi vùng nguy hiểm, chủ động vào bờ để bảo đảm an toàn.
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, xã Diễn Châu, Nghệ An, chủ tàu cá mang số hiệu NA-90814-TS cũng chia sẻ: Từ trưa 19/7, ngư dân đã cho phương tiện vào lạch, cập cảng cả, bán hải sản rồi vào khu neo đậu để phòng tránh bão. Để bảo đảm an toàn cho phương tiện, chủ phương tiện và các bạn nghề đều thu dọn ngư lưới cụ trên tàu cá mang lên bờ; kiểm tra, rà soát lại hệ thống điện, máy móc, hệ thống cột tời trên tàu, gia cố lại các tấm đậy các kho chứa trên tàu chắc chắn hơn để tránh bị lật tung khi gió mạnh. Đồng thời, để tránh va đập, giảm xung chấn do va chạm giữa các phương tiện khi gió mạnh, sóng lớn nhiều chủ tàu còn bổ sung, cột nhiều lốp cao su xe ô tô ở vị trí dọc mạn tàu.
Chủ tịch UBND xã Diễn Châu Nguyễn Văn Lợi cho biết, ngày 20/7, lãnh đạo xã đã họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, thành lập các tiểu ban và trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống bão ở các khu neo đậu tàu thuyền, các điểm xung yếu, vùng trũng thấp, khu vực nuôi trồng thủy sản và gấp rút chỉ đạo các công tác ứng phó với bão số 3; đề nghị người dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn…
Xã ven biển Diễn Châu (Nghệ An) có gần 470 phương tiện tàu thuyền khai thác hải sản. Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích cho biết, hiện tại các tàu thuyền của ngư dân chủ yếu neo đậu, tránh trú bão ở các dòng sông, luồng tuyến kín gió như sông Diễn Kim, Diễn Thủy, sông Quang Thành, cảng cá Lạch Vạn… Căn cứ theo cấp độ bão, địa phương sẽ kêu gọi, dồn các phương tiện tàu thuyền về khu neo đậu tránh trú bão ở khu vực Diễn Kỷ, Diễn Vạn.
Sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu ngư dân

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đóng chân trên địa bàn tuyến biển đang hỗ trợ giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền tại nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: TTXVN phát
Trong những ngày qua, các Đồn biên phòng tuyến biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập các tổ, đội cán bộ, chiến sĩ thường xuyên liên lạc với các chủ tàu cá để thông tin về tình hình thời tiết, hướng di chuyển của bão để ngư dân chủ động, di chuyển tránh khu vực nguy hiểm và vào bờ an toàn.
Tại các cửa biển, cảng biển, khu neo đậu Lạch Cờn (phường Quỳnh Mai), Lạch Thơi, Lạch Quèn (xã Quỳnh Phú), Lạch Vạn (xã Diễn Châu), cảng Cửa Lò - Bến Thủy (phường Cửa Lò), cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã trực tiếp dùng ca-nô tuyên truyền, kêu gọi và hướng dẫn ngư dân về nơi tránh trú bão an toàn; trực tiếp hỗ trợ, giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền chắc chắn để không thiệt hại về kinh tế, tàu thuyền. Đặc biệt, các Đồn biên phòng đóng trên địa bàn ven biển đã lên phương án, duy trì quân số, phương tiện cơ động trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đang duy trì 3 tàu công suất lớn, 8 xuồng với gần 70 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Trung tá Trần Văn Thế, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết: Đơn vị đã sẵn sàng thiết bị, nhân lực để tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên duy trì kết nối, liên lạc với các tàu thuyền hoạt động trên biển, thường xuyên nắm chắc mọi tình hình, vị trí của các phương tiện để có giải pháp, biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố đột xuất đối với tàu thuyền của ngư dân như máy móc bị hỏng hóc trên biển, rủi ro về thiên tai, giông lốc, gió lớn, phương tiện mắc cạn khi vào lạch…
Thiếu tá Đặng Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết: Cảng cá Lạch Cờn là nơi tập trung đông nhất phương tiện khai thác hải sản của ngư dân. Cao điểm vào mùa bão lũ, đơn vị sẽ phân công tổ đội công tác trực tiếp kêu gọi, hướng dẫn bà con đưa phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn, đúng luồng tuyến; hướng dẫn neo đậu, giằng néo phương tiện chắc chắn, tránh va đập, hư hại tàu thuyền. Đặc biệt, khi có tình huống khẩn cấp, tai nạn trên biển... đơn vị luôn chủ động, kịp thời hỗ trợ ứng cứu ngư dân.
Ông Hồ Xuân Hường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quỳnh Mai (tỉnh Nghệ An) cho biết: Phường có hơn 500 tàu cá, chủ yếu là tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Những ngày qua, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng liên tục theo dõi, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển vào cảng cá, về nơi neo đậu, tránh trú an toàn, đúng quy định. Trong sáng 20/7, cơ bản các tàu cá của phường đã cập bến vào cảng, neo đậu an toàn tại nơi tránh trú.
Theo thông tin từ Trạm bờ của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An, sáng ngày 20/7, tổng số tàu cá đang neo đậu tại bến cảng, khu tránh trú bão có hơn 2.030 phương tiện với hơn 8.720 lao động; tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển có hơn 780 phương tiện với hơn 3.930 lao động. Đơn vị đã sử dụng máy thông tin tầm xa để thông báo cho các chủ tàu, thuyền trưởng đang tham gia khai thác trên biển biết hướng di chuyển và mức độ nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, cập bờ.