Ngư dân tay ngang đóng tàu composite

Hơn 25 năm làm nghề đi biển, ông Hồ Văn Hào (Khánh Hòa) tự mày mò đóng tàu, mở xưởng tàu vỏ composite thuộc loại lớn nhất nước hiện nay

Ông Hồ Văn Hào vừa cùng các kỹ sư tại xưởng đóng tàu composite của mình ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện con tàu có tên Thành Lợi cho một ngư dân tỉnh Bình Định.

Mày mò đóng tàu công nghệ mới

Ông Hào năm nay 53 tuổi, nước da sạm đen, dạn dày sương gió. Sinh ra trong gia đình 10 anh chị em, nhà nghèo nên mới 13 tuổi ông đã phải nghỉ học để phụ cha mẹ nuôi 6 người em.

Năm 1980, tròn 15 tuổi, ông Hào được cha cho theo các tàu giã cào. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên ông theo tàu đi bạn ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó trở thành tài cải (phụ trách máy chính). Năm 21 tuổi, với số vốn dành dụm được, ông mua ghe nhỏ để tự mình làm biển. Đến năm 26 tuổi, sau khi cưới vợ, ông cùng gia đình góp tiền đóng tàu đi đánh bắt xa bờ.

Quyết tâm theo nghề biển nên vào năm 33 tuổi, ông Hào vay tiền sắm một con tàu nhỏ để thu mua hải sản. Nhưng vì tàu sử dụng máy cũ, hư suốt, tiền lời bao nhiêu ông đổ hết vào việc sửa máy. "Tàu hư hoài thì lấy đâu ra lời nên tôi quyết định phải thử vận với nghề đóng tàu" - ông Hào nói.

Ông Hồ Văn Hào với xưởng đóng tàu vỏ composite của mình

Ông Hồ Văn Hào với xưởng đóng tàu vỏ composite của mình

Nhờ siêng năng, cần cù, ông tự mày mò đóng tàu gỗ. Đến năm 39 tuổi, ông đóng được chiếc thứ 4, công suất 400 CV.

Từ thành công với đóng tàu gỗ, sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi, ông Hào chuyển sang đóng tàu composite theo công nghệ mới. Năm 2006, ông Hào kiếm thợ rồi mở điểm đóng tàu tại nhà vợ ở phường Phước Long, TP Nha Trang.

"Lúc đầu, vợ tui phản đối ghê lắm, nói làm tàu nhựa lỡ ra khơi bể hết thì chỉ có nước chết. Nhưng rồi bà ấy cũng ủng hộ trước quyết tâm của tôi" - ông Hào bộc bạch.

Sau nhiều tháng nỗ lực cùng công nhân, kỹ sư, chiếc tàu composite dài 12 m, rộng 3m ra đời. Ông Hào nói phần khung và nhựa hết 100 triệu đồng, lắp máy xong chẵn 200 triệu đồng, tiết kiệm 500 triệu đồng nếu mua tàu cùng loại.

Con tàu composite đầu tiên sau khi hạ thủy được thử nghiệm độ nghiêng với 20 người cùng giàn lưới đứng hết bên mạn. "Khi đó, ai cũng nghĩ tàu mắc cạn. Mọi người nhảy xuống biển lặn xem thì phát hiện tàu đứng rất vững. Thật ra, phía đáy tàu là cốt xi-măng rất nặng còn trên bằng composite rất nhẹ, không hề bị mất trọng tâm" - ông Hào khoe.

Ông bật mí thêm: "Tôi đi xem người ta đóng tàu, nghĩ họ làm được thì mình làm được. Tôi cũng vắt óc tính từng khối xi-măng, 1 ký keo làm được mấy mét sàn, cần bao nhiêu cây gỗ... như thế nào là vừa. Kinh nghiệm đi biển giúp tôi tính thêm độ sâu, độ lắc sóng, trọng tâm, mực nước… Tôi có thể cân đong đo đếm được một cách chính xác và thành công là nhờ vậy".

Từ "bị đặt hàng" đến mở xưởng lớn nhất nước

Con tàu đầu tiên mở bước ngoặt khởi nghiệp mới cho ông chủ xưởng đóng tàu composite lớn nhất nước.

Năm 2007, ông Hồ Văn Hào đóng chiếc tàu composite thứ 2. Chiếc tàu này dài 14,7 m, giá 470 triệu đồng. Cuối năm 2008, ông đóng tiếp chiếc thứ 3. Đến năm 2009, bà con ngư dân nhờ đóng tàu thứ 4. Con tàu hoàn thành dài 16,4 m, giá 600 triệu đồng, người đặt hàng thưởng thêm cho ông 50 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, liên tục từ năm 2010 đến 2016, ông được ngư dân đặt đóng thêm 13 chiếc nữa. Cũng từ năm 2016, từ góp ý, động viên của nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật, ông Hào quyết định chuyển xưởng đóng tàu về phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Xưởng đóng tàu của ông rộng trên 5.000 m2, hiện có 130 lao động, trong đó có 5 kỹ sư, 15 thợ chính, số còn lại là công nhân lành nghề.

Trải qua hơn 25 năm từ lúc được cha cho đi hành nghề giã cào, bằng sự cần cù, chịu khó, lao động sáng tạo không mệt mỏi, ông Hồ Văn Hào trở thành chủ xưởng đóng tàu composite thuộc vào hàng lớn nhất nước. Đến nay, xưởng của ông đã hạ thủy 16 chiếc, 5 chiếc đang đóng theo đơn đặt hàng.

Ông Lê Đình Khiêm, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, nhận xét tàu của ông Hào đi biển chạy êm, ít sửa chữa, giá thành lại rẻ, nhờ vậy mà ngư dân khắp nơi tìm đến ngày một nhiều.

Đáng khâm phục

ThS Đinh Đức Tiến, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu và Chế tạo tàu thủy, đánh giá xưởng đóng tàu của ông Hồ Văn Hào đáp ứng các điều kiện, chất lượng tàu kiểm định bảo đảm chất lượng. Theo ông Tiến, một ngư dân tay ngang như ông Hào mà đóng được tàu composite như vậy là rất giỏi, đáng khâm phục.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngu-dan-tay-ngang-dong-tau-composite-20180109220253981.htm