Ngư dân nỗ lực vươn khơi làm giàu từ biển

Từ nhiều năm qua, những chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ đã tạo nên điểm tựa vững chắc và mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân nói chung, ngư dân Phú Yên nói riêng đầu tư, nâng cấp tàu cá công suất lớn cùng với thiết bị công nghệ hiện đại, có đủ năng lực vươn ra khơi xa để làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phú Yên là địa phương khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) ở miền Trung và cũng là nơi có sản lượng đánh bắt CNĐD rất cao trong những năm qua. Trong năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản Phú Yên đạt hơn 60.000 tấn, trong đó CNĐD đạt 4.300 tấn, tăng 6,6% so với năm trước. 9 tháng của năm 2018, sản lượng khai thác 53.000 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ trước đó. Mặc dù thời tiết biến động bất thường, ngư dân đối mặt với nhiều hiểm họa thiên tai trong những chuyến vươn khơi ra ngư trường xa, nhưng Phú Yên vẫn đánh bắt được 3.150 tấn CNĐD.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, trong số 6.510 tàu thuyền ở địa phương này, có hơn 1.000 tàu cá công suất trên 300 CV đủ năng lực vươn ra ngư trường xa đánh bắt hải sản dài ngày trên biển và hầu hết đều hành nghề câu CNĐD. Hơn 20 năm qua, nghề câu CNĐD không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản Phú Yên với nhiều triển vọng, mà còn góp phần đổi mới đời sống kinh tế hàng trăm hộ gia đình ở những làng chài Dân Phước, Tiên Châu, Mỹ Quang, Long Thủy, Đông Tác, Phú Lạc… Trong số đó, có không ít ngư dân vươn lên làm giàu từ biển và đã trở thành tỷ phú.

Đứng bên làng biển Đông Tác giữa buổi sáng sóng xô bờ bọt tung trắng xóa, tôi như bị cuốn hút khi nghe câu chuyện vươn ra khơi xa làm giàu từ biển của anh em sinh đôi Lương Công Đồng, Lương Công Đông (trú ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Ở tuổi 35, sinh trưởng trong gia đình ngư dân nghèo khó, nên thời niên thiếu, anh em Đồng – Đông đã trải qua nhiều cơ cực. Khi đang học lớp 7, người cha mất tích sau cơn giông lốc ập đến bất ngờ trên biển trong chuyến ra khơi đánh cá, hai anh em lầm lũi giăng lưới ven bờ mỗi ngày để mưu sinh, đến khi trưởng thành bám theo tàu cá của người cùng làng làm công.

Đến năm 2003, hai anh em Đồng – Đông mới đầu tư 400 triệu đồng đóng mới tàu cá có công suất 90 CV từ nguồn tiền dành dụm bấy lâu và vay mượn người thân. Sau hàng chục năm vươn khơi bám biển, đến nay hai anh em Đồng – Đông đã trở thành “tỷ phú” ở làng biển Đông Tác khi mỗi người sở hữu một tàu cá công suất 400 CV cùng với thiết bị, ngư cụ trị giá hơn 4 tỷ đồng và căn nhà ba tầng khang trang.

Ngư dân Phú Yên lên tàu cá chuẩn bị vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển.

Trải nghiệm từ thời niên thiếu đến giờ đã giúp cho hai “lão ngư” Đồng – Đông hành nghề bền bỉ kiên cường trước sóng gió và là hai trong số ít “cần thủ” nổi tiếng trong nghề câu CNĐD ở vùng biển xứ Nẫu. Và họ chỉ là hai trong số hàng trăm chủ nhân, thuyền trưởng tàu cá trẻ tuổi ở Phú Yên đang đồng hành vươn ra biển lớn.

Giới ngư dân ở làng biển Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa đều biết đến bản lĩnh “thép” của các ông Lê Văn Giúp, Lê Văn Khang, Lê Thái Bình – chủ nhân 3 chiếc tàu cá PY-92305-TS, PY-92105 TS, PY-92223 TS. Không chỉ nhiều lần đối mặt với sóng gió dữ dội bất ngờ ập đến giữa biển khơi mà cách đây mấy năm, trong lúc đang hành nghề câu CNĐD trên vùng biển chủ quyền Việt Nam tại tọa độ 08°56,00'N - 112°45,00'E, cách đảo Đá Đông, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) về phía Đông Nam 15 hải lý, ba chiếc tàu Hải quân Trung Quốc vô cớ cản trở, thậm chí nổ súng bắn nhiều loạt đạn xuống biển để uy hiếp, đe dọa tính mạng và tài sản, nhưng 3 thuyền trưởng cùng hàng chục ngư dân vẫn bình tĩnh điều khiển tàu cá thoát khỏi tầm nguy hiểm và tiếp tục bám biển, đánh bắt hải sản.

Gặp chúng tôi sau khi kết thúc chuyến biển đó, ông Giúp khẳng định: “Biển của mình, cá của mình, mình có quyền đánh bắt để kiếm cơm và bảo vệ chủ quyền đất nước”. Từ đó đến nay, những ngư dân nêu trên cùng hàng ngàn ngư dân vẫn vươn khơi bám biển để làm giàu từ biển.

Tiếp xúc chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Anh (trú ở làng biển Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) là một trong số hàng chục ngư dân ở Phú Yên đã đầu tư đóng mới tàu cá hiện đại theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tâm sự: “Hơn 25 năm mưu sinh trong nghề, tôi nhận biết ngoài kinh nghiệm và một chút may mắn, chất lượng kỹ thuật hiện đại của tàu cá, thiết bị, ngư cụ là yếu tố chính tạo nên hiệu quả đánh bắt hải sản, nên giữa năm ngoái, tôi đầu tư đóng mới tàu cá bằng vật liệu composite có công suất 830 CV với ngư cụ và thiết bị hiện đại.

Sau khi hạ thủy và vươn khơi 3 chuyến đầu tiên trong 5 tháng đầu năm nay đã đánh bắt 205 tấn cá các loại với tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng, 18 ngư dân làm công trên tàu thu nhập mỗi chuyến từ 18-20 triệu đồng”.

Cùng với ngư dân cả nước, nhiều ngư dân Phú Yên cho biết họ đã và đang nỗ lực “vươn ra biển lớn” thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII...

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/ngu-dan-no-luc-vuon-khoi-lam-giau-tu-bien-518279/