Ngư dân méo mặt vì 'Cô Vy'

Một ngư dân Đà Nẵng cập tàu bán cá tại Quảng Ngãi thốt lên, 'chu cha, cá giờ cũng mắc Cô Vy (dịch Covid–19) là sao?'. Lý do là cá tụt giảm giá trên 50%. Đi nơi đâu cũng nghe ngư dân ồn ào chuyện 'bữa trước tàu vô được 100 triệu, bữa nay họ nói bị Covid-19, chỉ còn chừng một nửa thôi'.

Một ngư dân Đà Nẵng cập tàu bán cá tại Quảng Ngãi thốt lên, “chu cha, cá giờ cũng mắc Cô Vy (dịch Covid–19) là sao?”. Lý do là cá tụt giảm giá trên 50%. Đi nơi đâu cũng nghe ngư dân ồn ào chuyện “bữa trước tàu vô được 100 triệu, bữa nay họ nói bị Covid-19, chỉ còn chừng một nửa thôi”.

Tàu cá ĐNa 90695 TS phải chạy từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi để bán cho một chủ nậu ở cửa biển Mỹ Á.

Tàu cá ĐNa 90695 TS phải chạy từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi để bán cho một chủ nậu ở cửa biển Mỹ Á.

Tại cảng cá Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tàu cá ĐNa 90695 TS của ngư dân Đặng Văn Hùng, quê ở Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng cập bến bán cá cho một chủ nậu, quê ở cửa biển Mỹ Á, H. Đức Phổ. Con tàu này đánh bắt cá ở phía tây quần đảo Hoàng Sa trở về nên trên tàu toàn là cá lớn. Các ngư dân hò dô và phải 4 người mới có thể kéo được một con cá dưới hầm lên sàn tàu. Không khí lao động rầm rập, cá to xếp la liệt từ tàu lên bờ, nhưng trên khuôn mặt các ngư dân vẫn chưa vui mà phảng phất nét buồn, vì thành quả lao động bị tụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Nho, ngư dân lớn tuổi nhất trên tàu cho biết, “đêm nào cũng vây được 7-8, có con nặng 200 kg, anh em vui hết cỡ, nhưng mà vô bờ thì…”. Ông Nho bỏ lửng không nói ý sau cùng. Hỏi lại lần nữa thì ông cho biết “cá gì mà còn nửa giá, nếu bán ở ngoài Đà Nẵng thì thu mua còn tệ hơn nữa, nên chạy vô Quảng Ngãi bán cho hết tàu cá, vì tính ra thì ở Quảng Ngãi giá cá cũng tụt giảm, nhưng so ra thì chủ nậu thu mua đàng hoàng hơn, giá cao hơn các công ty ở ngoài TP Đà Nẵng”.

Đi khắp miền biển của tỉnh Quảng Ngãi, nơi nào cũng bắt gặp cảnh ngư dân chạy vạy với câu hỏi: “ủa, cá sao bữa nay có một nửa giá, rồi thấp hơn nữa?”. “Chạy vạy” là vì thu nhập tụt xuống, vợ chồng các chủ tàu phải lo đi gặp gỡ, nói ngọt, hứa hẹn với các bạn chài về triển vọng tốt hơn. Nếu tất cả ngư dân đi bạn đồng ý thì chủ tàu mới dám bơm dầu, lấy đá và định ngày mở biển. Ngư dân Nguyễn Trung cho biết, “ra Quảng Nam thì cũng rớt giá vậy, giờ ráng đi phiên nữa và hy vọng cá sẽ lên lại, hỏi nguyên nhân vì sao thì chủ nậu nói do Covid-19, cá đứng bánh, không xuất khẩu được”.

Tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, trong bối cảnh cá rớt giá 50%, nhiều tàu cá đã tìm bến đỗ nào thu mua cá cao hơn để bán. Một số tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân TP Đà Nẵng chạy vào cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi và các ngư dân cho biết, ngoài Đà Nẵng là đầu nguồn xuất khẩu, thu mua lượng lớn. Nếu cá bán tại Quảng Ngãi thì các chủ nậu cấp đông và chở ra Đà Nẵng bán cho các công ty. Nhưng mà ở Đà Nẵng thì bà con bị ép giá đến mức chịu không nổi, nên ngư dân chấp nhận tốn tiền dầu, đánh bắt xong là chạy về Quảng Ngãi bán luôn.

Những ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ thường kêu than và đặt câu hỏi “khi nào thì nhích giá lên?” nhiều hơn ngư dân trên tàu đánh bắt gần bờ. Vì bình quân mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ mất tổn phí từ 110-120 triệu đồng/chuyến; mỗi chuyến đi khơi kéo dài 20 ngày, nếu bạn chài chỉ được chia phần 5-6 triệu đồng thì bạn chài sẽ nhảy đi tàu khác, chủ tàu ôm cục nợ. Các ngư dân ở cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi so sánh, ví dụ như cá mú xuất khẩu có giá bán tại bến là 120.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 60.000 đồng/kg; cá đỏ củ giá cao nhất là 50.000 đồng/kg, hiện nay còn 27.000 đồng/kg. Bên cạnh việc cá rớt giá còn có thêm “phát sinh” tăng mã cân. Đối với cá nhỏ, ngư dân thường cân từng khay và trừ hao hụt rổ nhựa, nước, hao hụt, quy ra 14 kg/khay tính tròn thành 10 kg/khay. Nhưng khi ngư dân gặp khó thì mã cân này tăng lên là 16-17 kg/khay, tính tròn thành 10 kg/khay.

Ở cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, nghề làm ăn phát đạt và ngư dân đi bạn có phần chia cao nhất, đó là nghề lặn đêm. Một ngư dân đi trên tàu cá QNg 90255 TS đứng thẫn thờ cho biết, “tụi em đi làm nghề này lặn trắng đêm, ngày ngủ bù, đánh cá trong điều kiện nguy hiểm, đó là thỉnh thoảng bị tàu Trung Quốc trong đảo Hoàng Sa ra rượt đuổi. Bù lại là mỗi phiên biển khoảng 20 ngày thì phần bạn được chia từ 17-20 triệu đồng. Nhưng phiên này tính sơ qua thì chỉ còn đâu chưa tới 10 triệu đồng, người ta nói khi nào hết Covid-19 thì cá mới tăng”.

Phỏng vấn vài chủ nậu chuyên thu mua cá thì thông tin phóng viên nhận được khá rời rạc và chưa có điều kiện kiểm chứng. Nhìn chung là các chủ nậu cho biết, đầu ra của cá xuất khẩu bị ứ, nhưng họ cũng ráng thu mua cho bà con, sau đó đẩy ngang ra thị trường nội địa. Tàu cá là bạn hàng lâu năm nên chủ nậu vẫn chấp nhận ôm hàng, đưa vào kho cấp đông rồi tìm đầu ra.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_222768_ngu-dan-meo-mat-vi-co-vy-.aspx