Ngư dân khốn đốn vì máy Trung Quốc: Chuyên gia nói thẳng

Ông Võ Thiên Lăng cho rằng, công tác chuẩn bị trước khi đưa Nghị định 67 vào thực tiễn vẫn chưa được kỹ càng.

Trước khi Nghị định 67 có hiệu lực, ngư dân thường sử dụng máy của Nhật Bản đã qua sử dụng và nhập khẩu vào Việt Nam, giá thành chỉ 600 đến 900 triệu/chiếc và chạy rất bền, ít bị hỏng hóc, tiết kiệm nhiên liệu và vận hành an toàn.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 67 có hiệu lực (quy định tàu mới thì phải lắp máy mới), ngư dân không có cơ hội sử dụng máy cũ của Nhật Bản đã qua sử dụng, trong khi máy mới hiệu Yangmar của Nhật Bản có giá lên tới 2,8 tỷ đồng.

Không thể xoay sở đủ tiền để mua máy mới của Nhật Bản, nhiều ngư dân đã chấp nhận mua máy mới của Trung Quốc với giá rẻ hơn để rồi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bởi lẽ, máy Trung Quốc thường xuyên xảy ra hỏng hóc, hao tổn nhiên liệu gấp nhiều lần máy Nhật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến đi biển.

Máy thủy của Trung Quốc đang được rao bán tràn lan tại xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: TPO

Máy thủy của Trung Quốc đang được rao bán tràn lan tại xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: TPO

Phù hợp, nhưng...

Trao đổi với Đất Việt sáng 31/10, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, chủ trưởng tàu mới lắp máy mới trong Nghị định 67 là phù hợp trong bối cảnh Trung Quốc đang có xu hướng đưa tàu đánh cá đến vùng biển của Việt Nam. Tàu mới, máy mới có thể giúp ngư dân sẵn sàng bám biển, đảm bảo an toàn trong những trường hợp xảy ra va chạm với tàu Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Lăng, công tác chuẩn bị trước khi đưa Nghị định 67 vào thực tiễn vẫn chưa được kỹ càng. Ngoài vấn đề khảo sát thực tế khả năng tài chính của ngư dân, công tác đào đạo cho ngư dân trong tình hình mới cũng chưa được chú trọng.

"Khi anh có máy lớn hơn, tàu lớn hơn, công nghệ cao hơn thì anh phải có kiến thức để sử dụng nó. Tuy nhiên, công tác đào tạo để có được đội ngũ ngư dân thành thạo về kỹ thuật, giỏi về đánh bắt, tiếp cận được với công nghệ hiện đại, trong thời gian qua đã làm không đến nơi đến chốn. Hoặc giả sử có làm cũng chỉ làm với mục đích đối phó rồi cấp chứng chỉ cho ngư dân, không đi sâu vào đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

Một đề khác mà Nghị định 67 vẫn chưa chú trọng đó là công nghệ bảo quản hải sản đánh bắt. Hiện nay, công nghệ bảo quản mà ngư dân Việt Nam vẫn thường dùng đó là ướp đá, trong khi công nghệ này đã quá lỗi thời.

Việc bảo quản như vậy ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của hải sản đánh bắt được, ảnh hưởng đến năng suất đánh bắt của ngư dân trong mỗi chuyến đi biển. Bảo quản thế nào cho hợp lý đã được một số tổ chức nghiên cứu, song vẫn chưa đưa ra được công nghệ phù hợp", ông Lăng phân tích và kết luận rằng, những yếu tố này đã khiến hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến đi biển của ngư dân không cao.

Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam băn khoăn rằng, Nghị định 67 có quá nhiều vấn đề, song cho tới nay vẫn chưa có một cuộc hội thảo nào được tổ chức để bàn về những vấn đề này một cách nghiêm túc.

"Cơ quan quản lý dường như đang né tránh các cuộc họp tổng kết mang tính thẳng thắn góp ý để rút kinh nghiệm. Ngư dân thì đang rất khó khăn như vậy, nhưng cơ quan quản lý chưa khi nào mời các chuyên gia đánh giá lại, nên giải quyết vấn đề gì trước, vấn đề gì sau", ông Lăng bức xúc.

Giải pháp trước mắt

Trở lại với vấn đề máy tàu, một số ngư dân cho rằng, nên sửa đổi một số điều khoản liên quan đến máy tàu trong Nghị định 67. Cụ thể, cho phép tàu đóng mới được sử dụng máy cũ nhưng đảm bảo chất lượng. Có như vậy, ngư dân mới có đủ điều kiện tham gia vào hoạt động đánh bắt trên biển, yên tâm bám biển.

Trước đề xuất trên, ông Võ Thiên Lăng bày tỏ sự đồng cảm với ngư dân. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, việc sử dụng máy cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro, hỏng hóc.

"Sử dụng máy cũ của những nhà sản xuất uy tín như Nhật Bản là phương án có thể chấp nhận được trong bối cảnh khả năng tài chính của ngư dân còn nhiều khó khăn, song việc kiểm định máy cũ cần phải siết chặt hơn nữa.

Thậm chí, cần phải thành lập một cơ quan độc lập, chuyên kiểm định chất lượng những máy cũ này. Sau khi hoàn thành các bài kiểm tra, kiểm định mới cấp phép cho ra khơi. Có như vậy thì mới đảm bảo hoạt động khai thác của ngư dân diễn ra suôn sẻ", ông Lăng nhấn mạnh.

Liên quan đến chủ trương hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, ĐBQH Lê Công Nhường thông tin, tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá trên toàn quốc đến nay là gần 11.700 tỷ đồng; công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thủy sản tại vùng biển trong nước, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt ngoài vùng biển Việt Nam.

Mặt khác, nhà chức trách công bố 21 mẫu tàu vỏ thép được cấp phép đóng mới theo Nghị định 67, nhưng khi áp dụng từng địa phương chưa phù hợp; một số tàu vừa hoạt động một năm đã hư hỏng.

Tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ, nợ lãi 104 tỷ đồng. Theo quy định, các chủ tàu này không được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, việc thu nợ khó khăn. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã quá vội vàng khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", ông Nhường nói.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ngu-dan-khon-don-vi-may-trung-quoc-chuyen-gia-noi-thang-3390541/