Ngư dân gọi Icom 52

Lúc bình minh chưa ló rạng, các ngư dân không rời mắt khỏi những con tàu như bóng đen đang vội vã rời vùng biển của Việt Nam với vẻ mờ ám. Thuyền trưởng lập tức điện báo cho đất liền qua đài Icom 52. Đài canh này còn là nơi để các ngư dân chia sẻ tâm tình lúc đánh bắt chưa thành công, nhờ anh em kết nối khi trên tàu có người bị đau ốm…

Đài Icom 52 liên lạc với các ngư dân trên tàu chạy tránh bão số 10. Ảnh: Lê Văn Chương

Đài Icom 52 liên lạc với các ngư dân trên tàu chạy tránh bão số 10. Ảnh: Lê Văn Chương

Bẽn lẽn vì giọng lạ

“A lô, 52 gọi các đài tàu, bà con đánh bắt ra sao? Tình hình trên biển có chi không?”. Nghe đài Icom 52 gọi ra biển, bà con ngư dân TP Đà Nẵng đánh bắt xa bờ tự dưng im bặt một cách bất thường. Trên tần số chung vang lên tiếng xì xào với vẻ thắc mắc xen lẫn nghi vấn. Có ngư dân bình luận: “52 bữa nay nói giọng lạ hê...?”. Một số ngư dân khi nghe đài Icom 52 gọi đúng tên cũng không hồi đáp vì nghe giọng lạ. Có thuyền trưởng chỉ ề, à một tiếng rồi cúp máy chứ không bình luận nhiều chuyện như mọi khi.

Nguyên nhân các ngư dân rụt rè, im bặt và cúp máy Icom, đó là vì suốt nhiều năm qua, ngư dân TP Đà Nẵng đã quen giọng nói ở đài 52 của Thượng úy Hà Văn Tân, quê ở Nghệ An. Anh Tân thường phát đi thông tin bằng giọng hơi nặng, từ “con cá” thì nói thành “con cạ”, con gà thì nói thành “con ga”... Trực cùng anh Tân là Thiếu tá Hà Thị Phượng. Chị Phượng nói giọng của quê hương Ninh Bình. Sau phiên liên lạc thì chị gửi ngư dân lời chúc “bà con mình cá đầy khoang nghe; chúc tàu gặp cá cây; chúc anh em ngư dân mình mạnh khỏe”.

Thấy tình hình bà con ngư dân “lơ” đài canh vì giọng lạ, chị Phượng chen vào phiên liên lạc và thông báo: “52 đây, đồng chí Tân chừ đã chuyển đi đơn vị khác, bà con mình từ bữa ni làm quen với người mới là anh Một”. Sau phiên liên lạc và nhận được thông báo mới, các ngư dân mới thôi đắn đo, dần dần cởi mở với 52. Bà con vừa thông báo tình hình, vừa tâm tình và chia sẻ về tiến độ đánh bắt trên biển. Thượng úy Một quê ở Quảng Nam nên cứ thoải mái nói giọng địa phương “chừ, mô, ni, tê” với bà con và nghe họ nói chuyện.

Mối quan hệ giữa đài canh với ngư dân không phải thông tin nhàm chán về chuyện “bữa nay có gì không?”. Các phiên liên lạc thường xuyên chăm sóc đời sống tinh thần của bà con ngư dân trên biển. Tàu nào trúng cá cây, tàu nào “hốt” được mẻ cá lớn, tàu ra khơi đánh vài ngày mới chỉ kiếm được 1 tấn cá cũng được bà con chia sẻ.

Cứu bệnh nhân qua sóng

Đài Icom 52 đặt trong căn phòng nhỏ tại góc sân của Đồn BP Sơn Trà (BĐBP TP Đà Nẵng) và luôn có người ăn, ngủ bên cạnh máy. Trong phiên trực, Thượng úy Một rà trên màn hình vi tính để nắm tình hình bà con. Hàng trăm chiếc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đang bám biển được hiển thị bằng những ô với 2 màu tím và trắng. Mỗi con tàu đều hiển thị các thông số về nghề nghiệp, công suất máy, từ đó giúp cho người quản lý có thể tính toán được tốc độ di chuyển của tàu, mức độ chịu đựng thời tiết xấu trên biển.

Trong số những ô màu tím trên màn hình, có một ô được ghi chép vào sổ nhật ký là “có người ốm”. Thông tin về ngư dân trên tàu được chuyển vào đất liền từ nhiều ngày qua. Vì vậy, đài canh phải nối máy trực tuyến và liên tục đề nghị các ngư dân thông báo về tình hình bệnh nhân trên đường tàu chạy vào đất liền.

Khi có tình hình ngư dân bị ốm, đài Icom 52 “nối” máy liên tục và cùng Đài Duyên hải Đà Nẵng kết nối với Trung tâm y tế 115 để hướng dẫn các ngư dân sơ cứu từ xa. Nếu tiên lượng sức khỏe bệnh nhân xấu thì các đài giữ liên lạc trong lúc tàu cứu nạn SAR 412 xuất phát đi cứu nạn ngư dân.

Tàu cá ĐNa 90857 TS liên tục liên lạc với đài Icom 52 trong thời gian được cứu nạn vào đất liền tránh bão số 10. Ảnh: Lê Văn Chương

Đài canh 52 sử dụng thiết bị liên lạc Mecom tầm xa tích hợp định vị vệ tinh. Vì vậy, thông tin liên lạc giữa trung tâm với các tàu cá trên biển rất tốt, thậm chí lúc thời tiết rất xấu thì tiếng của các ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa gọi về vẫn rõ như trên điện thoại. Sự kết nối thông suốt giúp cho công tác liên lạc thuận lợi, nhưng lúc gặp những tình huống xấu thì giọng nói quá rõ xen lẫn tiếng thở dài, khiến những người lính gác đài cảm thấy nhói lòng.

Gần đây nhất là trong cơn bão số 10, từ vùng biển tận phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, Thuyền trưởng Nguyễn Thân điện qua đài canh nói với giọng như người vừa qua khỏi tình trạng đuối sức: “Đêm qua tàu chịu gió cấp 9, đến sáng nay hắn đã hạ xuống khoảng 2 cấp, ngoài ni trời hửng nắng”. Cơn bão số 10 với sức gió giật cấp 17, có nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng không kịp chạy vào đất liền nên chấp nhận trụ lại, trong đó có tàu ĐNa 90463 TS của ông Thân. Lúc nghe tiếng ngư dân từ vùng bão gọi về, mọi người trong đất liền đều có cảm giác lo lắng đến thắt lồng ngực. Thượng úy Một hối hả nhắn vào Icom: “Trời nắng nhưng cũng không được chủ quan, anh em đề phòng sự cố”.

Gác biển giữa ngàn khơi

Trong quá trình đánh bắt trên biển, thỉnh thoảng ngư dân phát hiện một số tàu cá nước ngoài lén lút vào vùng biển của Việt Nam đánh bắt. Dù những tàu này cố tình đi vào ban đêm, nhưng vẫn bị ngư dân phát giác và “tố” với đài canh. Gần đây nhất là vào sáng 25-8, các ngư dân trên tàu cá ĐNa 90409 TS đã phát hiện nhóm tàu cá của ngư dân Trung Quốc làm nghề thả câu và giã cào ở vùng biển Việt Nam. Bà con đã lập tức “báo cáo cho 52 rõ, tình hình tàu Trung Quốc hắn đi cả bầy...”.

Khi các ngư dân báo cáo vào đất liền, thông tin trên kênh chung đã giúp nhiều tàu khác nắm được tình hình, làm cho mọi người tự ý thức thêm về nhiệm vụ vừa đánh cá, vừa gác biển. Vì vậy, chỉ 4 ngày sau, các ngư dân lại tiếp tục phát hiện hàng chục tàu cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt vi phạm tại tọa độ 17 độ 25 phút vĩ Bắc - 108 độ 25 phút kinh Đông.

Tàu cá ĐNa 40494 TS của ngư dân Trương Minh Hoàng thì phát hiện 3 tàu giã cào loại 17 tấn của ngư dân Trung Quốc cứ ban đêm thì lén vào tọa độ 17 độ 10 phút vĩ Bắc – 108 độ 40 phút kinh Đông, mờ sáng thì các tàu này hối hả chạy ngược ra phía Đông. Nhưng hành tung mờ ám đó không không qua khỏi sự cảnh giác của bà con. Các ngư dân đã điện vào đất liền với giọng gấp gáp: “Ban ngày hắn già đò thả trôi lăn ra ngủ, nhưng thiệt ra là đêm qua, hắn vô nhà mình đánh cá”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngu-dan-goi-icom-52/