Ngư dân gặp khó với quy định về chứng chỉ thợ máy

Trong lúc các chủ tàu cá tỉnh Quảng Ngãi đang loay hoay tìm kiếm bạn thuyền để vươn khơi bám biển, thì hiện nay ngành thủy sản đang triển khai việc định biên và chứng chỉ thợ máy đối với tàu cá.

Quy định này đang khiến nhiều ngư dân lo lắng bởi gần như chưa có ngư dân nào được đào tạo và cấp chứng chỉ này. Nếu chưa có chứng chỉ thợ máy, đồng nghĩa với việc phương tiện không được ra khơi.

Tình trạng thiếu thợ máy không chỉ là vấn đề khó khăn của số ít tàu cá, hầu như tất cả ngư dân của Quảng Ngãi đều gặp phải. Ảnh : Lê Huy Hải - TTXVN

Tình trạng thiếu thợ máy không chỉ là vấn đề khó khăn của số ít tàu cá, hầu như tất cả ngư dân của Quảng Ngãi đều gặp phải. Ảnh : Lê Huy Hải - TTXVN

Theo Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 15/11/2018 quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản, nhóm tàu cá có chiều dài trên 15 m, công suất trên 500 CV phải có 1 đến 2 thợ máy mới được ra khơi.
Ngư dân Trần Viết Tiết, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, cho hay: “Tàu cá của tôi có chiều dài hơn 16 mét, công suất 535 CV, nên theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có thợ máy mới được ra khơi. Nhưng hiện giờ, bạn thuyền còn khó kiếm thì chuyện có thợ máy là rất khó. Bởi nếu tôi đầu tư cho một ngư dân khác đi học chứng chỉ thì về họ làm cho mình vài tháng họ bỏ qua tàu khác làm thì tàu mình cũng không thể ra khơi được. Anh em bà con thì ngày càng ít người theo nghề biển nên cũng khó kiếm người tin cậy để đưa đi học”.
Tình trạng thiếu thợ máy không chỉ là vấn đề khó khăn của số ít tàu cá, hầu như tất cả ngư dân của Quảng Ngãi đều gặp phải. Vì tính đến thời điểm hiện nay, chưa có cơ quan chức năng nào trong tỉnh mở lớp đào tạo, hoặc cấp chứng chỉ thợ máy cho ngư dân.
Ông Lê Huy Phúc, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho rằng:

"Theo tôi, nếu máy trưởng có thể kiêm luôn thợ máy thì tốt hơn. Nếu yêu cầu phải có thêm người nữa thì ảnh hưởng rất lớn đến các chủ tàu. Bởi thực trạng chung của tàu thuyền ở đây là nếu tàu bị hư máy trên biển thì người thợ máy cũng khó có thể sửa, thay thế các máy móc, thiết bị trên biển, mà phải lai dắt tàu về đất liền mới sửa chữa được”.
Ông Phúc cho biết, theo quy định, Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nhưng do thực tế, ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển đều đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo chứng chỉ và định biên thợ máy theo quy định.

Hiện quy định này chưa được áp dụng đối với ngư dân đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, khi thông tư đã ban hành chắc chắn sẽ được áp dụng, do đó các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ tránh tình trạng tàu cá phải nằm bờ chỉ vì ngư dân thiếu giấy tờ, thủ tục.
Thượng úy Lâm Đình Hiếu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết, qua kiểm tra tất cả các ngư dân khi đến làm thủ tục xuất bến tại Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ đều chưa có chứng chỉ thợ máy.
"Do đó, chúng tôi đã đề nghị giãn thời gian thực hiện quy định này cho ngư dân, đồng thời cũng thường xuyên nhắc nhở các chủ tàu cá, ngư dân phải đi học chứng chỉ thợ máy ngay khi có lớp đào tạo để đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định", ông Hiếu nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Thông tư 22/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được triển khai; trong đó, có quy định tàu thuyền công suất lớn thì ngư dân phải có chứng chỉ thợ máy mới được ra khơi.

Tuy nhiên, đây là quy định mới, hơn nữa hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng chưa đưa ra chương trình, khung đào tạo thợ máy, nên tạm thời quy định này chưa thực hiện.
"Chúng tôi đang liên hệ một số cơ sở đào tạo uy tín, để ngay khi Bộ đưa ra khung đào tạo thì lập tức ngư dân có thể học và đáp ứng đủ các giấy tờ, thủ tục trước mỗi chuyến vươn khơi, bám biển", ông Sơn cho biết./.

Đinh Thị Hương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ngu-dan-gap-kho-voi-quy-dinh-ve-chung-chi-tho-may/122169.html