Ngư dân bị từ chối bảo hiểm: Tiền hậu bất nhất từ phía Bảo Việt

Sau khi Một Thế Giới đăng bài 'Tàu ngư dân bị đâm, Bảo Việt Quảng Bình từ chối bảo hiểm' cho ông Phạm Ngọc Cường (Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, Bảo Việt lại tạo tác bằng chứng giả mạo và cho cấp dưới ký văn bản phủ nhận cấp trên rất kỳ khôi.

Hình ảnh tàu cá ông Cường được ghi lại lúc bị tai nạn, trước khi chìm xuống biển

Hình ảnh tàu cá ông Cường được ghi lại lúc bị tai nạn, trước khi chìm xuống biển

Dấu hiệu ngụy tạo

Các tài liệu gốc cho thấy tàu cá của ngư dân Phạm Ngọc Cường gặp nạn vào hôm 8.1.2018. Bảo Việt Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của quyền giám đốc Trần Nguyễn Trường Sơn viện dẫn lý do không đền bù do không đóng phí bảo hiểm lần 2 đúng quy định.

Ông Trần Nguyễn Trường Sơn trả lời ngư dân không đền bù là do ông Cường không nộp bảo hiểm lần 2

Ông Cường và luật sư Lê Minh Tâm, văn phòng luật sư Hướng Dương (Đồng Hới) cho biết, Bảo Việt không giao hợp đồng gốc cho ông Cường biết nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ. Ngoài ra, giấy thông báo nộp tiền lần 2 cùng quyết định chấm dứt hiệu lực bảo hiểm lại ký cùng một ngày nhưng gửi địa chỉ khác, không đưa về tận tay ông Cường và văn bản lại không điền tên ông Cường mà điền tên một ngư dân khác. Cách làm này đã đẩy ông Cường vào thế không biết để thực hiện nộp tiền.

Khi báo chí phân tích bảo hiểm không giao hồ sơ gốc cho ông Cường, lại chuyển công văn cho người khác, không phải tên ông Cường để ông Cường thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm thì Bảo Việt Quảng Bình tạo tác văn bản 468 đổ tội cho đại lý, công văn cấp dưới phủ nhận cấp trên rất sai trái.

Sau khi không cãi được sự thật, ngày 6.9.2018, Bảo Việt Quảng Bình lại ra công văn số 468 gửi ông Cường, nói lý do từ chối đền bù bảo hiểm hoàn toàn trái ngược với những công văn trước đây. Bảo Việt Quảng Bình cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá cho ông Cường xảy ra sau sự kiện tàu ông Cường xảy ra tai nạn, dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

Cấp dưới phủ nhận giám đốc

Công văn số 468 của Bảo Việt Quảng Bình phủ nhận trách nhiệm như sau: “Căn cứ toàn bộ hồ sơ vụ việc và bản tường trình của đại lý Hồ Quang Hường ngày 19.4.2018, về việc cấp giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho ông Phạm Ngọc Cường, xác định tại thời điểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm giữa đại lý Hồ Quang Hường và ông Phạm Ngọc Cường thì sự kiện bảo hiểm tàu QB 93192 TS bị tàu Hùng Khánh 68 đâm chìm đã xảy ra. Căn cứ điều 22 “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu” của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: Tại thời điểm mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”.

Giấy chứng nhận bảo hiểm do ông Trần Nguyễn Trường Sơn ký, đóng dấu trước thời điểm tàu ông Cường bị tai nạn gần 4 tháng trước.

Trên thực tế, giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Cường được ông Trần Nguyễn Trường Sơn, Quyền Giám đốc Bảo Việt Quảng Bình ký cấp ngày 20.9.2017, hoàn toàn không phải đại lý Hồ Quang Hường cấp. Ngoài ra, tàu ông Cường bị chìm vào ngày 8.1.2018 thì không thể là giấy chứng nhận cấp sau khi bị chìm mà giấy chứng nhận bảo hiểm cấp gần 4 tháng trước. Ông Cường bức xúc: “Chứng nhận bảo hiểm do Bảo Việt cấp do ông Trần Nguyễn Trường Sơn ký, đóng dấu, vậy mà họ lại ra công văn trái khoáy như thế? Kỳ lạ là công văn này họ dựa trên tường trình của ông Hường đại lý, hóa ra ông Hường to hơn ông Trần Nguyễn Trường Sơn? Bản tường trình của ông Hường đại lý có thể phủ nhận giấy chứng nhận của giám đốc Bảo Việt Quảng Bình?

Lạ lùng hơn, công văn 468 này ông Trần Nguyễn Trường Sơn không ký mà lại do trưởng phòng giám định bồi thường Đinh Văn Duẩn ký. Luật sư Lê Minh Tâm cho biết: “Cấp dưới không thể ký văn bản phủ định cấp trên"

Cho đến thời điểm này, Bảo Việt Quảng Bình vẫn tìm cách từ chối không tiếp xúc với phóng viên báo chí liên quan đến vụ tranh chấp bảo hiểm với ông Phạm Ngọc Cường.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/ngu-dan-bi-tu-choi-bao-hiem-tien-hau-bat-nhat-tu-phia-bao-viet-96625.html