'Ngọt' như ngoại giao xoài

Có vẻ nỗ lực sử dụng xoài như quà tặng ngoại giao đã giúp làm tăng thêm vị 'ngọt' trong quan hệ giữa Bangladesh với các nước láng giềng, cụ thể là Ấn Độ.

Xoài là một đặc sản của Bangladesh đồng thời cũng là một công cụ ngoại giao đắc lực của đất nước này trong những năm gần đây. (Nguồn: Daily Star)

Xoài là một đặc sản của Bangladesh đồng thời cũng là một công cụ ngoại giao đắc lực của đất nước này trong những năm gần đây. (Nguồn: Daily Star)

Phó Cao ủy Bangladesh tại Ấn Độ cho hay, năm nay Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tiếp tục gửi 1.200 kg xoài đến tư dinh của Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ như một phần trong chính sách ngoại giao xoài của đất nước này.

Các phương tiện truyền thông Bangladesh và Ấn Độ đều rầm rộ đưa tin về việc Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee cũng đã nhận được 600 kg xoài.

Theo nhà ngoại giao Bangladesh tại Kolkata, một số thủ hiến ở khu vực phía Đông cũng nhận được những món quà tương tự.

Tháng 6 và tháng 7 là mùa cao điểm của trái cây ở Bangladesh. Xoài được lựa chọn để gửi tới các vị lãnh đạo đến từ vùng Rajshahi nổi tiếng với các loại xoài như Golapkhas và Amrapali.

Ngoại giao xoài có từ khi nào?

Vào mùa xoài năm ngoái, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhận món quà là 2.600 kg xoài của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina gửi tới Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Ram Nath Kovind và Thủ hiến các bang Tây Bengal, Tripura và Assam.

Đây cũng là món quà chia vui trong năm kỷ niệm Mujib Borsho - ngày sinh Tổng thống đầu tiên của Bangladesh Mujibur Rahman, 50 năm kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của Bangladesh cũng như 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Bangladesh.

Năm nay, hành động thể hiện thiện chí ngoại giao đó vẫn được tiếp nối. Cụ thể, 1.200 kg xoài Amrapali đã được chuyển đến tư dinh của Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ. Cao ủy Bangladesh ở New Delhi cũng chuyển xoài tới các cấp ngoại giao tương ứng.

Món quà đặc biệt này của Thủ tướng Sheikh Hasina có ý nghĩa tăng cường hơn nữa mối quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Những chuyến xe chở thùng xoài với thiện ý của Thủ tướng Bangladesh với Ấn Độ. (Nguồn: WION)

Giải pháp hàn gắn

Ngày 19/6 vừa qua diễn ra vòng thứ 7 của Ủy ban Tham vấn chung Ấn Độ-Bangladesh (JCC). Trước đó một tuần, Thủ tướng Sheikh Hasina đã gửi xoài - món quà ngoại giao đặc biệt tới các vị lãnh đạo.

JCC đã thảo luận về các vấn đề tổng thể của quan hệ song phương, bao gồm chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Thủ tướng Sheikh Hasina.

Thỏa thuận chia sẻ nguồn nước Teesta là một trong những bất đồng dai dẳng giữa Bangladesh và Ấn Độ, lần đầu được nêu ra tại hội nghị cấp bộ trưởng của hai quốc gia vào tháng 8/1983.

Vào tháng 9/2011, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Manmohan Singh đã đến Dhaka chuẩn bị cho một thỏa thuận chia sẻ nước với Teesta có thời hạn 15 năm. Thỏa thuận xác lập quyền của Bangladesh đối với 37,5% lượng nước của Teesta và Ấn Độ là 42,5%. Tuy nhiên, Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee đã ngăn cản hiệp ước được hoàn tất.

Về bản chất, việc từ chối ký hiệp định sông Teesta ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Ấn Độ vốn nhìn nhận Bangladesh là một đồng minh đáng tin cậy trong khu vực.

Một hướng giải quyết thỏa đáng cho vấn đề Teesta sẽ thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh, đồng thời giúp ích cho nền kinh tế Bangladesh. Thông qua thiện chí ngoại giao và chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Thủ tướng Bangladesh, Thủ hiến Mamata Banerjee nên "bật đèn xanh" về việc ký kết hiệp ước vốn đang trông đợi.

Thể hiện thiện chí

Theo thông tin từ báo chí, từ ngày 6-8/9 tới, Thủ tướng Sheikh Hasina sẽ đến Ấn Độ để gặp người đồng cấp Narendra Modi.

Chuyến thăm của bà Sheikh Hasina có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước, vốn được cải thiện đáng kể trong 15 năm qua. New Delhi cũng đánh giá cao việc Dhaka duy trì thái độ không khoan nhượng đối với quân nổi dậy, những kẻ đã gây ra tình trạng bất ổn ở các bang phía Đông Bắc của Ấn Độ.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đón đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Dhaka vào tháng 3/2021. (Nguồn: PTI)

Ấn Độ và Bangladesh đang nỗ lực cải thiện sự hợp tác trong khu vực, đặc biệt trong việc kết nối Nam Á và Đông Nam Á, sau khi bùng phát Covid-19 và tình hình chiến sự Nga-Ukraine làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để đảm bảo khả năng ứng phó với bất kỳ thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và bão, Bangladesh cũng yêu cầu sự hỗ trợ của Ấn Độ trong việc quản lý toàn bộ lưu vực sông xuyên biên giới và trao đổi dữ liệu thời tiết. Khu vực Sylhet trải qua lũ lụt nghiêm trọng chủ yếu là do lượng mưa lớn ở các bang Meghalaya và Assam của Ấn Độ, nên vấn đề này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Có thể nói, hoạt động ngoại giao xoài của Thủ tướng Hasina như một nỗ lực thể hiện thiện chí giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ và cải thiện sự hòa hợp giữa Bangladesh và nước láng giềng Ấn Độ.

Thúy Huyền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngot-nhu-ngoai-giao-xoai-188744.html