Ngọt ngào và đằm thắm xường giao duyên Mường Thanh Hóa

Cũng như nhiều dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, dân tộc Mường có nhiều loại dân ca. Người Mường ở Thanh Hóa và ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An và một số tỉnh ở Tây Nguyên đều có chung các loại dân ca nghi lễ, dân ca trữ tình, như: mo, mỡi, làm vía, cầu yên và xường (thường), rang (đang) hát ru, bộ mạng...

Hát xường giao duyên của người Mường (Ngọc Lặc). Ảnh: Hà Hiệp

Trong đó loại dân ca trữ tình rất phong phú, nhất là xường, rang. Trong xường lại có xường tự do và xường giao duyên. Người Mường Thanh Hóa có hát rang khi lên nương xuống ruộng và các nghi lễ Pồn Pôông, kể chuyện Nàng Nga – Đạo Hai Mối, Nàng Út Lót – Đạo Hồi Liêu... Nhưng sở trường của người Mường Thanh Hóa là hát xường, đặc biệt là xường giao duyên nhiều hơn rang và cũng nhiều hơn cả xường tự do. Xường với rang thường hay nói liền với nhau, nhưng thực ra khác nhau về làn điệu và tính chất chức năng sử dụng. Ở đây cũng giống như một câu lục bát của người Kinh nếu hát trống quân thì ca làn điệu khác với hát chầu văn. Điều này thì chắc ai cũng đều biết. Xường tự do cũng có khác với xường giao duyên. Như cái tên của nó, xường tự do có thể độc ca lúc vui, buồn hát lên cho vui, khuây khỏa nỗi lòng... không cần có chương khúc và bắt buộc một chủ đề nào. Còn xường giao duyên, cũng là loại dân ca trữ tình nhưng gần như chỉ dành riêng cho trai son, gái rỗi ướm lời trao duyên. Nó không ngẫu hứng như xường tự do, nó gắn liền với tuổi trẻ, tình yêu đang trên đường tìm kết bạn đời. Hơn thế, xường giao duyên của người Mường Thanh Hóa khi hát có căn, có cốt và có quy cách cung bậc. Thực ra thì xường của người Mường cũng là dân ca trữ tình giống như khặp của người Thái, si, lượn của người Tày – Nùng, pả dung của người Dao và tiếng hát làm dâu của người Mông. Nhưng chúng tôi chưa tìm thấy cung bậc như xường giao duyên của người Mường.

Ở người Mường Thanh Hóa xưa kia xường là một sinh hoạt văn hóa gắn bó không tách rời đời sống con người. Người ta quan niệm như một triết luận rằng: Đất Mường không thể không có con trai con gái/ Trai bái (làng xóm) không thể không có xường rang. Người Mường Thanh Hóa yêu mến Xường đến mức họ có hẳn cả một huyền thoại về nguồn gốc xường một cách rất nên thơ. Rằng xưa kia Mụ Dạ Dần (một Nữ thần sáng tạo của người Mường) quảy gánh xường đi trong thiên hạ, không biết mụ định trao cho ai. Nhưng lúc đi qua Mường Ống, Mường Ai tự nhiên gánh xường đứt quai bung ra khỏi gánh, người Mường Ống ra lượm được. Cho nên xường có từ đó và quả thật xường Mường Ống, Mường Ai xưa nay vẫn hay nhất!

Từ khi lượm được xường, xường Mường nơi đây đã bay đi nhiều nơi ở các vùng Mường. Ở Thanh Hóa phát triển nhiều nhất là các huyện dọc thượng nguồn sông Mã như: Bá Thước, Cẩm Thủy rồi ở Ngọc Lặc, Lang Chánh dọc sông Âm, sông Cầu Chày.

Tuy vậy cũng có một thời gian cánh xường cũng bị chao đảo ít nhiều do chiến tranh, phần thì do nhận thức về di sản văn hóa này còn có những hạn chế. Nhưng ở Thanh Hóa dần dần xường cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể truyền thống khác bước đầu được bảo tồn và phát huy. Từ những năm 60 và những năm 90 của thế kỷ trước, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng “Về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, việc sưu tầm bảo tồn và nghiên cứu được đẩy lên một bước mới. Nhiều công trình sưu tầm, biên dịch nghiên cứu về xường được ra đời. Năm 2017, ở Thanh Hóa có 3 nhà sưu tầm nghiên cứu được vinh dự nhận “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” thì các tác phẩm mà họ được trao giải đều là xường. Gần đây, xường ở Ngọc Lặc đã được Nhà nước ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay cũng đã có người hát xường được tôn vinh là nghệ nhân ưu tú. Xem thế đủ biết xường xưa được dân yêu chuộng, thì nay được các nhà khoa học và Nhà nước ta trọng thị và tôn vinh. Đó là niềm vui lớn không chỉ đối với xường của người Mường Thanh Hóa mà cũng là niềm vui chung của dân tộc Mường.

Với xường, nhất là xường giao duyên của người Mường không cần phải đi tìm định nghĩa văn hoa gì. Nó chỉ là một loại dân ca tình yêu. Nó là tiếng lòng của cuộc sống, tiếng đàn ngân rung của trái tim tuổi trẻ đang yêu với một người đang yêu. Tiếng lòng người đang yêu thường cất thành thơ. Đó chính là cơ sở cho cái ý nhị, cái ngọt ngào, đằm thắm và trong trẻo của xường. Muốn có xường cũng đành rằng đó là lời ngân rung từ tình yêu nhưng cũng phải trải nghiệm và học hỏi. Trong dân gian Mường có nói về cái khó của học xường: Học xường với con ve ly mười hai tháng/ Học xường với con ve láng mười hai năm!. Thanh niên Mường xưa không biết hát xường không có bạn, không dám đi chơi xa. Ta hãy xem một cuộc hát xường ở một áng xường như vẫn thường diễn ra.

Đêm ấy là một đêm đẹp trời, trời đầy trăng sao, thời tiết vào mùa đông xuân ở miền núi hơi se lạnh, giữa nhà có bếp lửa bập bùng. Nhà ấy hôm nay có cô cháu gái đẹp ở làng xa đến thăm nhà bác. Từ chiều các trai làng đã như con ong, con bướm cảm thấy mùi hương hẹn nhau đến thăm chào hỏi và nếu gia đình và cô gái bằng lòng thì áng xường được mở ra. Hôm ấy, nhà bác bằng lòng cho mở áng “để vui cửa vui nhà”, cô gái lúc đầu có phần ngại ngùng chưa dám nhận lời, nhưng rồi cũng bằng lòng. Cuộc xường không phải chỉ có thanh niên dự, vì xường là vui nên còn có các bậc trung niên cùng dự để thưởng thức, đôi khi còn là để mách nước, “gà bài” vào cuộc xường, người con gái là khách ngồi trong buồng kín. Gian ngoài, các chàng trai là chủ. Các chàng trai cử ra một người đẹp trai và hay xường vào cuộc hát.

Mở đầu bên trai hát trước. Như trên đã nói xường giao duyên Mường Thanh Hóa còn gọi là xường cân hay xường gốc có cung đoạn và có bậc, hát hết cung mới lên bậc. Ở đây bước đầu phải đi từ cung đoạn. Con số chưa thật chính xác nhưng có thể có đến trên 9 cung đoạn. Khi hát ở cung đoạn người ta gọi là xường “lượn áng”. Hết xường “lượn áng” mới có thể vào xường bậc. Về số bậc của xường giao duyên, người hát xường và một số các nhà nghiên cứu nói có 12 bậc. Nhưng đây là con số, số học hay chỉ là con số ước lệ? Trong nghiên cứu văn hóa dân gian, các con số 3, 7, 9, 12, 18, 36 không vội tin đó là con số chính xác mà lắm khi chỉ là con số ước lệ. Mười hai bến nước! Là những bến nào? Mười hai bà mụ là những bà nào? Rồi ba mươi sáu chước, ngoài chước “chuồn” còn có chước nào nữa? Ở đây cho ta thấy các số trên chỉ là số nhiều, chứ không phải là con số tuyệt đối.

Cung đầu của đêm xường là chủ chào hỏi khách nơi xa đến làng. Đáng chú ý là trong lời chào hỏi có ngụ ý hỏi xem: “Em từ nhà mẹ nhà cha/ Hay em từ chốn vườn hoa em đến? Cách hỏi này ngụ ý muốn hỏi em có còn son không? Sau khi chào hỏi, bên trai mời khách “Hát xường đêm nay cho vui áng, hát xường cho rạng đêm”.

Hát xường mời đến xường dỗ, đến xường dỗ khách chưa hát thì đến xường nài. Nếu người con gái chưa hát thì vào xường khích: Em có cồng vui sao em không dóng/ Không dóng nhiều cũng nên dóng ít/ Dẫu em tiếc có kẹt cũng dóng vài dùi/ Thử xem cồng còn vui hay đã khàn tiếng? Nếu khích mà người con gái không hát thì chàng trai sẽ hát xường bán vía. Nhưng ít khi khách phải để bán vía. Sở dĩ con gái để lâu không lên tiếng vội vì sự khiêm nhường của con gái nhưng cũng để thử tài các chàng trai xem đến mức nào. Và rồi khách đã lên giọng. Đầu tiên ở cung này khách hát lời xin phép chúa làng, nhà bác cho phép được hát xường. Tiếp sau khách hát “Đánh thức xường”, kể sự tích xường, bước chân đi, ngoái trông, khen đất Mường nơi đất khách giàu đẹp cảnh thanh lành bến nước, rồi đến trồng bông, trồng kè, mở đường: Với ý nghĩa mở đường đi lối lại. Cuối cùng này là bắc cầu. Đó là cầu tình cầu nghĩa. Mỗi cung như vậy khách hát xong, chủ trả lời đối đáp. Cuối cung này có đoạn: Không biết đường nào em đi/ Để anh trồng cây si che bóng/ Không biết cầu nào em sang/ Để anh trồng trầu, trồng cau mang đứng đợi?

Hết cung “lượn áng” chủ mời khách lên bậc, nhưng khách cố hát giam bậc: “Cung xường lượn áng đã qua/ Bây giờ dắt tay nhau ta lên bậc”. Như trên đã nói cung bậc của xường đó là cung bậc của tình yêu. Xường bậc tương truyền có 12 bậc. Ta tạm gác các con số, nhưng ta thấy tên các bậc như cu nhu cóp nhóp: có nghĩa là gom góp, chọn lời, đó bậc một, các bậc sau đó với các tên: lêu lao lêu lồm poong soong pót sót, đằng dắng, zờm dờm, tèn tén... Đây cũng là tiếng tượng hình cổ của người Mường Thanh Hóa. Điều dễ thấy ở tên các bậc này với các từ tượng hình của nó gợi lên một đường xoáy từ thấp lên cao, phù hợp với các bậc. Ở mỗi bậc đều có đối đáp, trong mỗi bậc lại có gài hoa (cái va) có pắt siềng chim, siềng vee (theo tiếng chim, tiếng ve). Ở đây trong xường có âm thanh và còn có cả hình ảnh. Đôi khi người hát xường giỏi còn có rẽ đường (treẻ zán) để phía đối tác dễ lạc đường không biết đâu mà lần. Như thế có thể phải thua xường. Sau bậc tèn tén là bậc đã bay xa, bay cao với nhau trên đường đua tài và gần tình, và trời sắp sáng nếu quá mến nhau họ có thể hát xường thề, nhưng ít. Chủ chỉ hát tiễn đưa nhắn nhủ lời nhớ thương hẹn gặp lại: Ngày mai em về quê xa/ Anh gửi lời thương lời nhớ/ Khi xa em/ Anh tặng trầu ăn đàng/ Cau nang ăn sá/ Em về đến nhà/ Trước cửa nhà sàn em trồng gốc trầu cau/ Để đến mai sau/ Ngày trời êm gió lặng/ Anh khỏe, em lành/ Cau trầu tươi xanh mọi lá/ Ngày em đau đầu, anh xót dạ/ Cau trầu lá héo cành đau/ Ngày em về nhà người làm dâu/ Cây cau rũ tầu xuống gốc. Cũng cần nói thêm rằng xường có cung bậc, nhưng không gò bó người hát, vẫn dành cho sự linh hoạt và sáng tạo.

Người Mường ngày xưa không được học, không có chữ mà có sinh hoạt văn hóa thanh lịch, cao khiết đầy mỹ cảm. Câu, lời đối đáp của xường nhiều ý hay sâu kín. Cuộc sinh hoạt văn hóa phong phú, nhiều ý nghĩa, giàu tình yêu thương lành mạnh, góp phần không nhỏ nâng tâm hồn và nhân cách con người lên một tầm cao.

Cao Sơn Hải

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ngot-ngao-va-dam-tham-xuong-giao-duyen-muong-thanh-hoa/128800.htm