Ngọt ngào hương cốm Ba So

Từ lâu, ở vùng Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồng bào Khmer ở đây đồ thành xôi thì dẻo và có vị thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát. Cho đến bây giờ, từ sáng tinh mơ đến khi hoàng hôn phủ bóng, ở Ba So vẫn vang lên những nhịp chày giã cốm...

Tuốt lúa làm cốm.

Quà của thần linh

Chuyện kể rằng, ngày xưa, tổ tiên của người Khmer được một vị thần ban cho một giống thóc quý. Thần dạy rằng, hãy tìm một nơi thích hợp để gieo trồng, sẽ được loại nếp thơm ngon. Người Khmer đã mang giống lúa ấy đi gieo ở khắp các phum sóc, nhưng không được kết quả như lời thần dặn… Khi đoàn người đi tới vùng Ba So, thấy dòng nước mát, cây cối tươi tốt, họ đã quyết định ở lại vỡ đất trồng lúa. Quả nhiên, thóc tiên gieo xuống nhanh nảy mầm và tươi tốt lạ thường.

Khi lúa chín, đem xay, được những hạt gạo có hương thơm quyến rũ. Cảm tạ tấm lòng vị thần ban cho giống thóc quý, nên năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 Âm lịch, người Khmer lại rộn ràng bước vào mùa lễ hội Ok Om Bok với lễ vật không thể thiếu được là món cốm hương vị nồng nàn, khó quên.

Với người Khmer ở Ba So, cốm không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là một vật phẩm mang tính tín ngưỡng phồn thực để dâng tặng các vị thần linh, mang đậm tình quê, tình đất, tình người. Cốm làm xong, bao giờ người làm cốm cũng cúng thần Đất, thần Nước, thần Mặt Trăng và ông bà tổ tiên, cầu mong phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra, mùa màng bội thu. Cốm còn là món quà tặng những người đi xa, ít có dịp về thăm phum sóc. Bất cứ ai, hễ là người Khmer, khi thấy mùi cốm đều thấy nao nao lòng, hướng về quê nhà. Không chỉ nhớ cốm, mà nhớ bao nhiêu chuyện ấm lòng xung quanh lò cốm với tình cảm nồng nàn, da diết.

Điểm đặc thù của sản phẩm cốm Khmer Ba So là được rang trong lò.

Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu, đầy sức quyến rũ, mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi làm cốm, bà con người Khmer ở Ba So đã phải rất công phu. Khi lúa khum ngọn, còn nguyên sữa cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Sáng sớm, người ta đã ra đồng, gặt những bông nếp còn vương những hạt sương về nhà. Những nhành lúa được nhặt bỏ hết phần lá, xếp gọn thành bó để chuẩn bị cho công đoạn tuốt, sàng, bỏ rơm và những hạt thóc lép, đem đãi qua nước rồi cho vào lò rang. Người Khmer rang cốm trong lò đất, thay vì chảo gang. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, đạt vừa độ chín, sau đó, cho từng mẻ vào cối giã.

Hưng thịnh nghề làm cốm

Từ chỗ là vật phẩm dâng cúng thần linh của người Khmer, cốm dần được cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh ưa chuộng và sử dụng một cách phổ biến. Chính vì vậy, không chỉ riêng mùa lễ hội Ok Om Bok, mỗi ngày, ở ấp Ba So, hàng trăm hộ gia đình đều tập trung làm cốm, xem đó là một nghề truyền thống giúp người Khmer ở đây tăng thu nhập.

Ông Thạch Khum, chủ một hộ làm cốm ở Ba So cho biết, sở dĩ đời sống kinh tế - xã hội của ấp bây giờ đã thay da đổi thịt cũng nhờ có sự góp phần của nghề cốm. Hiện tại, ấp có khoảng 100 hộ làm nghề, hộ ít một cối, hộ nhiều thì dăm, bảy cối, mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên dưới một tấn cốm. "Cả ấp có vài trăm cối với trên 500 lao động chuyên làm cốm, sản lượng cốm ra lò đâu có nhỏ. Bây giờ đường sá đi lại dễ dàng nên sản phẩm cốm của người Ba So chúng tôi được "lưu hành" không chỉ trong xã, trong huyện Cầu Ngang mà đã vươn ra toàn tỉnh Trà Vinh, có mặt tại các khách sạn, nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh" - Ông Thạch Khum tự hào cho biết rồi tiết lộ rằng, không chỉ được tiêu thụ trong nước, cốm Ba So đã "bay" ra cả nước ngoài và được người thưởng thức rất ưa chuộng.

Như muốn xác nhận lời ông Khum, chị Chau Hen, là người Khmer gốc Trà Vinh, hiện đang định cư tại Mỹ vừa về thăm quê, cũng để đón mùa lễ hội Ok Om Bok nơi quê hương, đất tổ cho biết: "Trong cộng đồng người Khmer ở Mỹ, mỗi lần có ai đó về Việt Nam, bà con đều dặn mua giùm vài ký cốm Ba So. Có người còn "đặt hàng" số lượng lớn để làm quà cho bạn bè ở Mỹ. Cốm thì có nhiều nơi làm, nhưng với riêng tôi, chẳng bánh trái nơi nào hợp khẩu bằng hương vị cốm quê nhà…".

Cốm là vật phẩm không thể thiếu trong nghi lễ Ok Om Bok.

Theo chị Sơn Thị Khuôn, một người làm cốm lâu năm ở Ba So, những hộ làm cốm cỡ vừa trong ấp, không tính vào các dịp lễ, Tết phải đỏ lửa 24/24 giờ, mỗi ngày cũng phải sử dụng vài chục ký lúa nếp mới đủ để bỏ mối theo hợp đồng. Lấy công làm lời, mỗi hộ kiếm lời từ 300-500 ngàn đồng/ngày tùy theo số lượng làm nhiều hay ít. "Trước đây, nghề làm cốm ở Ba So chỉ theo mùa lễ hội Ok Om Bok, không có ai tính đến chuyện sản xuất cung ứng cho thị trường hằng ngày. Bây giờ, nghề làm cốm đã mang lại khoản thu nhập thường xuyên cho bà con. Tuy có cực, nhưng mỗi ngày, gia đình tôi cũng kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng, sau khi đã trừ chi phí. Mức thu nhập không nhiều nhưng đều đặn...".

Còn với cụ Sơn Sô Kha, ngoài niềm vui do nghề làm cốm hưng thịnh đã giúp cho đời sống của đồng bào Khmer ở Ba So khá lên trông thấy, còn những điều trăn trở. Cụ bảo, rất mừng là hiện tại, cái gì cũng có thể "công nghiệp hóa", song các công đoạn làm cốm của người Khmer vẫn theo lối thủ công. Chỉ tiếc là, do phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người Ba So phải sử dụng nguồn nếp do các hộ chuyên thu mua từ nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long để cung cấp cho các cối cốm, thay vì nếp non mới thu hoạch nên độ dẻo, thơm ít nhiều bị ảnh hưởng.

"Những người già ở Ba So đều biết chuyện đó, nhưng tất cả đều cho rằng, thời buổi hiện đại, cốm cũng phải "đi" xe máy, thậm chí "cưỡi" máy bay chớ. Có như vậy, hương cốm của người Khmer chúng tôi mới đến được mọi miền đất nước. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, cốm Ba So sẽ sớm có được một thương hiệu và trở thành phong vị không thể thiếu của đồng đất quê hương Trà Vinh..." - Cụ Sơn Sô Kha tâm sự.

Trương Văn Giang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngot-ngao-huong-com-ba-so/