Ngọt ngào bưởi Diễn trên đất Võ Nhai

Sau nhiều năm tìm tòi, trăn trở chuyển dịch cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp đồng đất, khí hậu, nhưng lại phải được người tiêu dùng đón nhận, đến nay cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã tìm ra cây bưởi Diễn có giá trị kinh tế định hình trên đất vùng cao, mang lại thu nhập khá cho nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Bưởi Diễn mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ở xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá thoát nghèo từ năm 2016.

Tràng Xá là xã vùng cao, dân số hơn chín nghìn người, trong đó, hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở 20 xóm, bản. Địa bàn Tràng Xá rộng lớn, chủ yếu là đồi, núi; những năm trước đây trên diện tích đất ruộng không chủ động nước, đồi núi thấp, người dân trồng mía, đậu tương, ngô, nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao, năm 2011, toàn xã có đến hơn 50% số hộ thuộc diện nghèo.

Chủ tịch UBND xã Tràng Xá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, được sự hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón của huyện và tỉnh, ban đầu chúng tôi đưa giống bưởi Diễn về trồng thử nghiệm ở một số hộ. Chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bưởi Diễn ra hoa, kết quả, khi thu hoạch quả có chất lượng tốt, vỏ mỏng, vàng, ngọt và mọng nước”.

“Mô hình thành công, chúng tôi mời nông dân đến tham quan, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để nhân rộng mô hình trồng bưởi Diễn. Đến nay, Tràng Xá là vùng sản xuất bưởi Diễn tập trung, quy mô hơn 240 ha, trong đó có khoảng 140 ha cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập khá cho nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Tuấn vui mừng cho biết.

Là xã vùng cao mà đường giao thông nông thôn từ trụ sở xã Tràng Xá đến các xóm, bản đã được bê-tông hóa, mặt đường trục chính rộng để hai ô-tô tải tránh được nhau, đường trục xóm, bản rộng 3 m. Thành quả này có được là nhờ một phần từ cây bưởi Diễn. Dọc trục chính của xã, hai bên đường là những vườn bưởi Diễn trên đất ruộng quả sai lúc lửu, vàng ươm trông thật thích mắt.

Cây Bưởi góp phần tích cực xây dựng Tràng Xá trở thành xã nông thôn mới.

Đường xóm Lò Gạch được các hộ đóng góp thảm bê-tông sạch đẹp, ô-tô vào tận nhà, hai bên đường là những vườn bưởi Diễn sai trĩu quả, những căn nhà khang trang nhấp nhô trên những vườn bưởi lá xanh ngắt, quả vàng ươm, bức tranh nông thôn nơi đây trông thật trù phú.

Gia đình đoàn viên Lương Văn Dương ở xóm Lò Gạch có khu vườn rộng khoảng một ha, trước đây trồng ngô, táo. Dương tâm sự: Giá trị kinh tế của ngô rất thấp, còn táo thì sản xuất bấp bênh, năm được mùa thường không có thị trường tiêu thụ nên cuộc sống gia đình khó khăn. Cách đây hơn mười năm, được sự hỗ trợ của huyện, xã, gia đình tôi đưa 12 cây bưởi Diễn về trồng, loại cây có múi này phù hợp chất đất, khí hậu nên trồng hơn một năm là ra hoa, kết quả. Khi thu hoạch, mọi người ngỡ ngàng vì bưởi ngọt, thơm và mọng nước.

Đến nay, toàn bộ khu vườn nhà Dương được trồng bưởi Diễn với khoảng 300 cây, gần một nửa số cây cho thu hoạch. Những cây bưởi trồng lớp đầu tiên, tán rộng, có cây cho 310 quả, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/quả, thu gần tám triệu đồng. Năm nay, vườn bưởi cho thu hơn một vạn quả, mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng. Điều đặc biệt là toàn bộ vườn bưởi của gia đình Dương đã được người buôn ở tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội đặt mua hết.

Hàng xóm của Dương, gia đình Nguyễn Thị Nga có 500 cây bưởi Diễn, trong đó có khoảng 200 cây trồng trong vườn nhà, số còn lại trồng trên đất ruộng được hai năm nay và bắt đầu cho quả. Năm 2017, gia đình chị Nga thu về hơn 200 triệu đồng từ trồng bưởi Diễn, năm nay sẽ thu cao hơn. Bưởi Diễn giúp gia đình chị Nga thoát nghèo từ năm 2016, mới đây sửa được nhà khang trang. Chị Nga được huyện Võ Nhai hỗ trợ xây dựng vườn bưởi được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tràng Xá Dương Thị Hạnh cho hay: Trước khi đưa bưởi Diễn trồng ở Tràng Xá bày bán tại siêu thị của mình, người ta đã lên tận nơi lấy mẫu đất, mang quả về xét nghiệm đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới nhập. Đáp ứng các tiêu chuẩn, bưởi Diễn trồng ở Tràng Xá được bán tại siêu thị ở Hà Nội và Thái Nguyên ngày càng nhiều.

Bưởi Diễn không chỉ được trồng nhiều tại các xóm vùng dưới như: Lò Gạch, Cầu Nhọ, Làng Tràn, mà nó cũng định hình, lúc lửu quả trên các sườn đồi thấp thuộc các xóm vùng cao như: Nà Lưu, Mỏ Bễn... có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. Đến xóm Nà Lưu, Mỏ Bễn, cũng thấy đường được bê-tông hóa đến tận vườn bưởi, rất thuận lợi cho ô-tô ra, vào vận chuyển quả đi tiêu thụ.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Dương Văn Tiến cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đến nay huyện chúng tôi đã xây dựng được một số vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, có quy mô trên địa bàn mà bưởi Diễn là một thí dụ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến bưởi Diễn thâm canh ở Tràng Xá nhiều hơn, đồng thời hỗ trợ tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã để nhân rộng diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu để tăng cường tiêu thụ, nâng cao giá trị loại quả có múi này, giúp người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững và tiến đến làm giàu.

Bưởi Diễn đang thật sự giúp nông dân vùng cao Tràng Xá giảm nghèo, khi xây dựng nông thôn mới, xã có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% thì đến nay số hộ nghèo giảm còn gần 12% và xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/38852602-ngot-ngao-buoi-dien-tren-dat-vo-nhai.html