Ngọt ngào bánh quê

Từ Hà Nội, xe chạy chừng chưa tới trăm cây số là về tới TP Nam Định, một thành phố bé nhỏ êm đềm, nhưng nếu dừng chân hoặc xe đi qua những con phố nhỏ, những góc hàng nước chè thân thương, sẽ nhìn ra đâu đó bóng dáng của những túi bánh nhãn có chữ Hải Hậu trên nhãn mác.

Vậy là biết đã chạm vào quà quê xứ này, mắt chạm vào bánh, lòng dạ bắt đầu bâng khuâng, nếu như bạn đã từng có lần về đây, ngồi bên bạn bè uống trà thưởng bánh, hoặc thoảng như có ai đã từng biếu bạn một túi bánh nho nhỏ làm quà khi đi khỏi, sao mà lòng không nhớ?

Từ TP Nam Định, xe chạy chừng hơn 30 cây số là về tới Hải Hậu. Đây rồi, xứ sở của những chiếc bánh nhãn bé xinh, ngọt ngào trong hương vị rất nhẹ nhàng, và cắn một miếng, đã nghe vị giòn tan vỡ ra trong đầu lưỡi, cứ thế mà ăn, mà nghe cái hương thơm thổ nhưỡng xứ này níu vào trong từng khoảnh khắc.

Hải Hậu có biển, tất nhiên rồi, vì đây là xứ biển mà, ven những con đường đê uốn quanh biển, thấp thoáng bên các mảnh ruộng xanh ngát lúa thì con gái, là những nhà thờ đạo, chiều chiều chuông ngân lên như vọng vào từng con sóng. Vùng đất ba trăm năm trước được Nguyễn Công Trứ khai hoang lập ấp, nay đã sớm vươn mình lớn lên, lặng lẽ mà sâu sắc ghi nhớ vào lòng du khách biết bao thảo thơm của bánh trái, của gạo, của nem… và cả cái vị rượu nếp cay nồng thơm phức xộc lên mũi nếu như cánh đàn ông có vui lên rủ nhau khề khà câu chuyện.

Một gia đình làm bánh nhãn ở Hải Hậu, Nam Định .Ảnh: THÀNH TRUNG

Một gia đình làm bánh nhãn ở Hải Hậu, Nam Định .Ảnh: THÀNH TRUNG

Bây giờ, bánh nhãn Hải Hậu đã đi theo chân những người con xa quê hương, có mặt tận trời Tây, nem nép trong hành lý ai kia trên những chuyến bay, như một cách mang đi hồn vía quê nhà trong món quà quê thơm thảo.

Còn riêng ở Hà Nội, hay TP HCM, có rất nhiều người Nam Định, họ tới đây lập nghiệp, đặc biệt là những người thích mở quán ăn hay một cửa hàng tạp hóa chuyên món miền Bắc, bao giờ cũng không thể thiếu bóng dáng của những chiếc túi bánh nhãn bày rất mộc mạc trên từng kệ hàng.

Về Hải Hậu, muốn tìm bánh nhãn ngon, hãy ghé chân tới thị trấn Yên Định. Xe tới nhà thờ Đông Biên, nhìn quanh quẩn sẽ là chợ, là trường học. Cuộc sống an lành, đầm ấm cứ vun vén vào nhau qua ngày tháng. Và giữa cái khoảnh đất bình an đó, là rất nhiều hộ gia đình mưu sinh bằng nghề làm bánh nhãn. Quanh đây, có khoảng dăm chục hộ sống bằng nghề này. Nhiều gia đình, từ ông bà, cha mẹ tới con cái, cả đời đều gắn với việc làm ra những viên bánh nho nhỏ xinh xinh mà thơm thảo vô cùng.

Nói về bánh nhãn nơi này, phải hiểu được vì sao, một thứ quà quê rất dễ làm, nguyên liệu giản đơn, công đoạn dễ nhớ lại cho ra một hương vị đặc biệt đến vậy. Sự tinh tế trong từng viên bánh nằm chính ở đôi tay điêu luyện, trải qua thời gian năm tháng, thành một phản xạ lành nghề, như giữ được cả hồn quê mộc mạc trong quá trình làm. Không hương liệu, không kỹ thuật cao siêu, bánh nhãn là thứ quà đến từ chính hương vị của mảnh đất Hải Hậu, phải là nguyên liệu từ nơi này mà tạo nên.

Cần phải chuẩn bị nguyên liệu tới khâu nhào bột, rán bánh, rồi tẩm đường, tất cả đều phải kỹ càng. Riêng phần gạo, nhất định phải là nếp cái hoa vàng với những hạt trắng đều, không lẫn gạo tẻ hay nếp khác thì mới cho ra được vị bánh bùi và thơm. Tất nhiên để có được độ giòn, nở của bánh cần biết tỉ lệ bột phải pha như thế nào cho đúng. Hãy thử hình dung, từng viên bột được bẹo ra, vo tròn, trắng trẻo nằm san sát bên nhau rồi sau đó theo bàn tay người làm bánh, hóa thân thành viên bánh nhãn giòn ngon trong từng chảo mỡ lợn rán cho chín vàng, còn gì hấp dẫn hơn.

Lê Nguyệt Minh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ngot-ngao-banh-que-2020082223070532.htm