Ngọt ngào bánh đa cá rô đồng trong nắng thu hanh vàng

Trong cái nắng hanh hao của mùa thu, được thưởng thức món bánh đa cá rô đồng nóng hổi, thơm phức thì thật tuyệt vời!

Bánh đa cá rô đồng là những đặc sản nổi tiếng mà bất cứ ai đi qua thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cũng muốn ghé vào. Hương vị đặc trưng khó cưỡng ấy khiến những hàng quán chuyên về món đặc sản này mọc lên san sát trên dãy phố ẩm thực phía sau vườn hoa, ngay gần quốc lộ 1, đầu thành phố.

Trong cái nắng hanh hao của mùa thu, trong cái rét đậm của mùa đông, nhất là những ngày rét cắt da cắt thịt do ảnh hưởng của những cơn gió mùa tràn về từ phương Bắc mà được thưởng thức món bánh đa cá rô đồng nóng hổi, thơm phức thì thực ấm lòng những vị khách phương xa.

Quê tôi vùng đồng chiêm trũng của Hà Nam. Làng tôi xưa nghèo lắm. Người dân sống thuần nông, thu nhập chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa. Ngày ấy, người dân quê tôi gọi là vụ lúa chiêm và vụ lúa mùa. Vụ lúa chiêm thì gần như là thu hoạch được trọn vẹn, còn vụ mùa thì trông đợi vào “Trời thương”.

Năm nào “ông Trời” cho mưa muộn, nước dâng muộn thì người dân còn được nhờ do lúa chín, kịp thu hoạch đầy bồ. Còn những năm “ông Trời” nổi giận thì bao nhiêu mồ hôi công sức của người nông dân chân lấm tay bùn chỉ sau một đêm mưa trắng trời đều đổ xuống sông xuống biển. Cái đói cộng thêm cái rét lạnh thấu xương khiến mùa giáp hạt cứ nối dài, buồn tênh.

Trong ánh nhìn mênh mang của mẹ, tôi lại thấy lấp lánh niềm vui. Tôi vui là bởi đây là cơ hội để được thưởng thức một món ăn dân dã mà cái đói, cái nghèo đã mang lại. Giờ tôi vẫn còn hình dung rõ mồn một cảnh quê mùa nước nổi. Sông ngòi, ao hồ, ruộng đồng chứa chan nước. Nước từ sông tràn qua đường vào ruộng rồi dâng lên vây ráp từng ngôi nhà. Nước dâng đến đâu, những đàn cá rô lanh chanh leo ngược lên đến đó. Đến khi nước rút quá nhanh, chúng đang tìm cách lách theo dòng nước trở về với ao hồ thì bị chúng tôi tóm gọn.

Những chú cá rô đồng mùa nước nổi béo núc, bụng đầy trứng tròn căng. Chỉ cần dăm bảy chú là đã “cống hiến” một bữa bánh đa cá rô tuyệt vời. Trong chiếc thau đồng đầy cá vừa bắt được, mẹ lựa những chú cá rô khỏe nhất, to và béo vàng đem xóc muối, đánh vảy, rửa sạch rồi cho vào nồi luộc vừa tới. Mẹ cho thêm chút gừng, hành khô cho thịt cá thêm thơm.

Mẹ luôn dặn chúng tôi là chỉ luộc cá chín vừa tới thôi bởi nếu chín quá khi bóc thịt sẽ rất khó gỡ xương. Nếu cá vừa chín tới thì chỉ cần lựa nhẹ, toàn bộ xương và thịt cá sẽ tách rời nhau, thịt cá không bị nát mà còn nguyên miếng. Sau khi bóc thịt cá, mẹ lấy xương và đầu cá cho vào cối giã nhỏ, lọc lấy nước. Thịt cá mẹ đem ướp muối cho săn chắc với chút hạt tiêu, hành khô, gừng giã nhỏ. Để ướp 15 phút, mẹ phi thơm hành sau đó cho vào nồi xào, đảo nhẹ.

Mẹ ra vườn ngắt những lá cải canh xanh mỡ màng rồi về rửa sạch, cắt khúc dài 3cm, chần qua nước sôi. Mẹ lấy nước lọc cá, đun sôi, nếm gia vị vừa đủ. Rồi cho lần lượt bánh đa, rau cải, cá rô và rau thì là đã thái nhỏ vào tô. Mẹ chan nước dùng đang sôi sùng sục trên bếp cho ngập hết nguyên liệu, gọi chúng tôi trải chiếu, thi nhau thưởng thức thật ngon lành.

Có lẽ ấn tượng nhất với chúng tôi là trứng cá. Buồng trứng cá rô đồng nhỏ nhưng vị bùi và thơm ngon khó cưỡng. Chúng tôi tranh nhau từng ít một, vì thế mẹ phải chia sao cho thật công bằng.

Hương vị đặc biệt của món ăn vùng đồng chiêm trũng trong ký ức tuổi thơ tôi có lẽ không bao giờ quên được. Dù bây giờ các nhà hàng dùng nhiều xương để ninh nước cho ngọt nhưng món bánh đa cá rô đồng mẹ nấu ngày ấy vẫn đong đầy cảm xúc trong tôi bởi tất cả đều là “của nhà trồng được”.

Theo Phụ nữ VN

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/an/ngot-ngao-banh-da-ca-ro-dong-trong-nang-thu-hanh-vang-20180814154512612.htm