Ngóng chờ thị trường hồi phục

Phải dừng sản xuất, tạm dừng hợp đồng, tạm đóng cửa hàng kinh doanh, doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn ngàn tỷ 'khô máu', DN nhỏ, tiểu thương rơi vào cảnh lao đao. Điều họ mong chờ nhất là sự phục hồi của thị trường.

Bà Minh cho biết, dịch COVID - 19 tạo nên sự ảm đảm nhất của chợ Đồng Xuân từ sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào năm 1994

Bà Minh cho biết, dịch COVID - 19 tạo nên sự ảm đảm nhất của chợ Đồng Xuân từ sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào năm 1994

Ki-ốt (quầy bán hàng) ở chợ Đồng Xuân của bà Nguyễn Thị Minh (70 tuổi, Hà Nội) rộng khoảng hơn 10m2, bày bán đủ các loại hải sản, từ tôm, cá đến mực khô… Từ cuối tháng 3, khi Hà Nội bùng phát ổ dịch mới tại Bệnh viện Bạch Mai, chính quyền đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.

Vẫn nhớ như in khoảnh khắc sáng 31/3, bà Minh kể, hôm đấy, bà vừa đến chợ, nghe tivi thông báo Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính. Bệnh nhân là một bé trai 10 tuổi, nâng tổng số ca ở Việt Nam lên 204. Tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp.

Dự cảm không lành xuất hiện ngay lập tức. Ít giờ sau đó, tầm trưa, tivi ở khu chợ phát đi thông báo: Chính phủ ra Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, người dân hạn chế ra đường, đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ một số cơ sở nhu yếu phẩm.

Thông báo ập đến, dù đã lường trước nhưng các tiểu thương ở chợ vẫn cảm thấy bất ngờ. Từ trước khi quyết định được đưa ra, các tiểu thương đã bắt đầu cảm nhận rõ, chợ vắng khách đến lạ thường. Doanh thu đa số giảm hơn một nửa so với bình thường.

Ngày hôm đó, điện thoại bà Minh reo liên tục. Có đến gần 100 cuộc gọi đến. Họ là những khách quen rất nhiều năm, thậm chí có gia đình hai thế hệ chuyên lấy mối sỉ của bà.

Các quầy hàng then cài, khóa chốt ở chợ Đồng Xuân trong tiếng thở dài của các tiểu thương

Vừa nghe xong điện thoại của một chủ cửa hàng, điện thoại bà Minh tiếp tục hiển thị tên người làm bếp của doanh nghiệp gọi đến: “A lô chị à, từ mai chị cho em tạm ngừng nhận 30kg cá khô và 20kg mực nhé. Dịch thế này, công ty đóng cửa nửa tháng nên nghỉ nấu ăn luôn ạ”, đầu dây bên kia nói. Bà Minh chỉ biết “ừ” một cách thông cảm trong nỗi nghẹn đắng và lẳng lặng bảo người làm dọn hàng bớt vào kho.

Trong ngành hàng đồ khô, bà Minh được xem là người có thâm niên cao nhất tại chợ Đồng Xuân. Bà đã 40 năm gắn bó với chợ, từ những ngày tập tành theo bố mẹ buôn bán. Bà Minh bảo, kinh doanh thời dịch là những ngày ảm đạm nhất của chợ Đồng Xuân từ sau vụ hỏa hoạn năm 1994. Lần đầu tiên, khu chợ sầm uất bậc nhất Hà Nội trở nên vắng lặng trong gần một tháng. Các quầy hàng then cài, khóa chốt trong tiếng thở dài của tiểu thương.

Về thiệt hại lần này bà Minh chỉ đáp: “Nhiều, nhiều lắm. Đơn hàng tiền tỷ mỗi tháng bị dừng, tiền thuê ki-ốt gần trăm triệu đồng vẫn phải đóng. Nhưng ai cũng thế cả nên đành chịu”, bà nói.

Mặt hàng của bà Minh thuộc nhóm hàng thiết yếu, được phép mở kinh doanh trong mùa dịch. Đến hôm nay, khi thành phố dừng lệnh cách ly, đứa con gái khuyên ở nhà nhưng bà vẫn đến chợ, không đi lại buồn tay, chân. Người giúp việc bà cho nghỉ về quê. “Mình được mở thì cứ bán cầm cự thôi. Trước nay, thường bán buôn, bán sỉ, nhưng giờ có khách lẻ mình cũng bán”, bà nói.

Bà Minh kể, đại họa cháy chợ Đồng Xuân hồi đó gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Nhiều người mất trắng nhưng còn vực dậy được. Lần này, giảm buôn bán trong 1-2 tháng, thiệt hại lớn nên việc hồi phục có lẽ không sớm được.

Ông Hoàng Công Anh, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đồng Xuân cho biết, dịch COVID - 19 đã khiến hàng nghìn tiểu thương sụt giảm doanh thu. Để giúp họ vượt qua khó khăn, đơn vị đã có văn bản kiến nghị Thường trực Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm xem xét kiến nghị với thành phố cho phép chợ Đồng Xuân là mô hình đặc thù và có các chính sách phù hợp để miễn giảm tiền thuê đất tại chợ.

Khó khăn tứ bề

2 tuần nay, chị Nguyễn Thu Trang, Giám đốc marketing Cty cổ phần bất động sản Bầu trời Việt Nam phải chạy đôn, chạy đáo để giải quyết một số thủ tục liên quan đến tòa nhà mà công ty chị vừa mới chuyển văn phòng về.

Dịch làm hoạt động của DN bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tiền đã suy giảm, lại phải chịu cảnh bị ban quản lý tòa nhà gây khó khi thông báo phí tiền điện tháng 3 của công ty tăng nhiều lần. Dù họ giải thích nhiều lần nhưng chị Trang cho biết, công ty vẫn không hiểu nổi cách tính nhùng nhằng của ban quản lý tòa nhà.

“Để được giảm phí dịch vụ, họ đưa ra một hợp đồng với 61 danh mục điều kiện, trong đó có tài liệu chứng minh tài chính DN khó khăn, báo cáo kết quả kinh doanh, số nhân sự cắt giảm, bảng lương… Những điều kiện này hết sức vô lý, bởi đây là bí mật công ty”, chị Trang nói và cho biết đây là cách ban quản lý tòa nhà cho thuê làm khó khách hàng để không phải hỗ trợ.

Do ảnh hưởng COVID - 19, phía đối tác, chủ đầu tư cũng rơi vào tình cảnh tắc vốn nên chưa thể thanh toán tiền hoa hồng. Hàng chục tỷ đồng công nợ hoa hồng vẫn chưa chuyển về cho công ty. Còn hoạt động bán hàng, công ty không có khách mới do không triển khai được chương trình nào.

“Không có doanh thu, công ty đói vốn, tắc dòng tiền. Trong khi đó, mỗi tháng DN phải chi hàng tỷ đồng để trả lương nhân viên. Để xoay xở qua mùa dịch, lãnh đạo công ty còn phải cắt giảm lương của mình để bù cho nhân viên. Ngoài ra, công ty tiến hành cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận hoạt động kém hiệu quả”, vị giám đốc marketing nói.

So với thời điểm tháng 2, công ty đã giảm từ 150 nhân sự xuống còn 100 người. Về kế hoạch kinh doanh sắp tới, đại diện công ty cho biết, đang chuẩn bị lập lại hệ thống quản trị về nhân sự để đảm bảo cho công ty hoạt động hiệu quả. Những ngày này, lãnh đạo công ty cũng tham gia nhiều cuộc gặp gỡ với các DN để bàn về các giải pháp khắc phục khó khăn sau dịch cũng như bàn các hướng kinh doanh, tiếp cận khách hàng mới một cách hiệu quả hơn.

“Biện pháp giúp hồi phục nhanh nhất là chính sách hỗ trợ DN sớm được triển khai, miễn giảm thuế nhiều hơn để DN để có nguồn lực duy trì được hoạt động”
Chị Nguyễn Thu Trang

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ngong-cho-thi-truong-hoi-phuc-1649613.tpo