Ngôn ngữ và thước đo nhân phẩm

Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 vừa khép lại với chiến thắng thuộc về người đẹp Đỗ Thị Hà. Ngay sau khi đăng quang, người đẹp xứ Thanh trở thành hiện tượng được tìm kiếm trên mạng. Từ những cuộc 'đào xới' của các Facebooker, tân hoa hậu Việt Nam bị phát hiện sử dụng nhiều từ ngữ phóng khoáng, trở thành tâm điểm luận bàn thời gian qua.

Lời nói đặt lên bàn cân

Từ ngày đăng quang hoa hậu (20/11) đến nay, câu chuyện về hoa hậu Đỗ Thị Hà có những comment (bình luận) “chửi bậy” trên mạng xã hội Facebook gây xôn xao trong dư luận. Một bộ phận cho rằng, ngôn ngữ tân hoa hậu sử dụng là ngôn ngữ của giới trẻ, không ảnh hưởng đến xã hội. Bộ phận khác lại cho rằng, hoa hậu sử dụng ngôn ngữ kém văn hóa. Khách quan cho thấy, trên Facebook của tân hoa hậu, Đỗ Thị Hà, cư dân mạng đã lục lọi ra những comment của cô một số từ viết tắt như “Vãi", “Vl", “cmn”... dễ dẫn đến nhìn nhận thiếu thiện cảm.

 Tân Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà cùng hai Á hậu.

Tân Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà cùng hai Á hậu.

Tuy nhiên, từ góc độ của giới trẻ, xã hội ngày nay dường như đã chấp nhận cách nói đệm như một thói quen. Trên mạng xã hội, lời nói bình thường đôi khi được biến tướng để “sang miệng” hơn. Người sử dụng Facebook, Instagram... thường đọc được nhiều từ lóng như “đậu xanh”, “cần lời giải thích”. Người nghe, đọc biết rõ ý của người nói muốn diễn đạt nhưng cho qua, dần dần trở thành cách nói quen thuộc trên môi trường mạng lẫn cuộc sống thường ngày.
Vậy những lời nói đó có được xem là tiêu chí đánh giá hay thước đo nhân phẩm hay không? P.T.H - học sinh trường THPT Vinschool chia sẻ: “Đó chỉ là cách chúng em nói chuyện với bạn bè cùng trang lứa”. Chị Lê Trâm Anh – phụ huynh của học sinh P.T.H chia sẻ: “Khi mới vào cấp 3, con tôi đã thắc mắc về những từ lóng, từ đệm. Tôi chỉ có thể giải thích cho con rằng đó là văn nói, một phần của ngôn ngữ. Theo tôi, giới trẻ biết dùng những từ ngữ đó ở đâu, với ai, trong bối cảnh nào đã là hợp lý”.
Cách nhìn rộng mở, bao dung
Thời điểm Đỗ Thị Hà đăng quang là hiện tại còn những lời nói, bình luận trên mạng xã hội của cô đã là quá khứ. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ sự việc của tân hoa hậu, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Vụ việc hoa hậu Đỗ Thị Hà là điển hình để sau này giáo dục cho bạn khác, trước khi lên mạng, muốn thể hiện ngôn ngữ để người khác không phán xét cần phải cẩn trọng. Điều bạn nói ra có thể ảnh hưởng đến cơ hội trong tương lai khi đạt một vị trí nhất định”.
Đồng thời, theo các chuyên gia, giới trẻ dùng tiếng lóng như một cách thể hiện sự sành điệu, sáng tạo cũng như cá tính, quan điểm của bản thân. Mặt khác, đôi lúc, giới trẻ sử dụng tiếng lóng có tính chất tục do có những ấm ức muốn giải tỏa về cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhìn nhận về việc này, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay: “Chúng ta không nên đánh giá, kết luận gì về mặt nhân cách của những người sử dụng tiếng lóng. Muốn thay đổi hiện trạng này trên mạng xã hội, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, chúng ta cần có cách nhìn rộng mở, bao dung hơn. Đồng thời, cần nhiều tấm gương về lời ăn tiếng nói, cách thức thể hiện biểu cảm ngôn ngữ dưới dạng lịch sự, thú vị”.
Mặt khác, hiện nay, mạng xã hội đang tiến hành quá trình sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc những từ lóng không tích cực, không phù hợp với văn hóa, khuyến cáo người dùng lựa chọn từ ngữ thay thế văn minh hơn.

Trước đây, em là một cô gái khá vô tư nên đôi khi cũng có những hình ảnh, câu nói vui đùa. Nhưng từ khi đội lên đầu chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam, em nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình và sẽ phải cố gắng nỗ lực hàng ngày để trở thành hoa hậu của công chúng, hoa hậu đầy lòng nhân ái.
Hoa hậu Đỗ Thị Hà

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ngon-ngu-va-thuoc-do-nhan-pham-402848.html