Ngổn ngang xe buýt

Những ngày qua, nhiều người dân rất lo lắng trước tối hậu thư của một số hợp tác xã xe buýt với các cơ quan chức năng: Nếu tiền hỗ trợ không kịp thời chuyển đến doanh nghiệp, họ sẽ không có tiền trả cho các chi phí vận hành và sẽ ngưng hoạt động từ ngày 15-8.

Áp lực về việc ngưng hàng loạt tuyến xe buýt rất lớn. Nó không còn là câu chuyện giữa doanh nghiệp và Sở GTVT nữa, mà hậu quả sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động chung của TP. Một lượng lớn học sinh - sinh viên sẽ khốn đốn vì không có phương tiện đến trường; hoạt động đi lại, buôn bán của một lượng lớn người dân sẽ đình trệ; hệ thống giao thông sẽ nhiễu loạn... là viễn cảnh có thể hình dung nếu lời tuyên bố của các doanh nghiệp trở thành hiện thực.

TP HCM đã có hơn 15 năm tập trung phát triển loại hình giao thông công cộng được xem là ưu việt cho các đô thị này. Hàng loạt cơ chế được thiết kế riêng cho xe buýt: ưu tiên làn đường, tạo cơ chế tài chính, đầu tư nhà chờ, bến đỗ... Quan trọng hơn, chính sách trợ giá cho xe buýt mỗi năm khoảng hơn 1.000 tỉ đồng được xem như yếu tố quyết định để có thể vận hành hệ thống giao thông khổng lồ này. Từng ấy năm xây dựng, cũng từng ấy năm kỳ vọng nhưng sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng này đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Từ 10 năm trước, TP đặt mục tiêu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của người dân. Theo số liệu khảo sát của HĐND TP HCM vào tháng 9-2019, vận tải hành khách công cộng chỉ đạt 9,2% nhu cầu giao thông đô thị. Con số này có khoảng cách quá xa với mục tiêu được đặt ra nhưng có thể nói đến nay các cơ quan quản lý giao thông cũng chưa có kế hoạch đột phá để nâng tỉ lệ phục vụ của phương tiện giao thông công cộng này.

Tỉ lệ chuyên chở thấp, tuyến phục vụ cũng giảm nhưng nghịch lý là tiền trợ giá lại luôn được đòi hỏi tăng hằng năm. Cách đây vài ngày, Sở GTVT có văn bản gửi Sở Tài chính TP HCM đề xuất bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 tăng thêm 161 tỉ đồng, nâng lên tổng dự toán vào khoảng 1.300 tỉ đồng. Đi kèm với đề xuất trên là một lưu ý: Nếu dự toán mới không được phê duyệt thì có thể xe buýt sẽ phải ngưng hoạt động hoặc giảm số tuyến. Và nay, đến lượt các doanh nghiệp đưa ra lời yêu cầu.

Chỉ riêng hệ thống xe buýt không thể giải quyết nổi bài toán giao thông công cộng và thực tế hơn một thập kỷ qua đã được chứng minh cụ thể. Trong kế hoạch phát triển giao thông của TP HCM, bên cạnh xe buýt phải có hệ thống metro hoàn chỉnh; cải tạo mạng lưới giao thông nội đô, phát triển giao thông ngoại vi... và bao hàm cả vấn đề quy hoạch lại dân số, đô thị.

Trợ giá cho xe buýt là giải pháp có thời hạn để đến một lúc nào đó hệ thống này phải tự cáng đáng được bài toán tài chính của chính mình. Xe buýt không tự lớn mạnh thì sẽ đến lúc sẽ trở thành điểm nghẽn của hệ thống giao thông hiện đại trong tương lai.

Hiếu Nghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngon-ngang-xe-buyt-20200707223948309.htm