Ngổn ngang dạy và học sau lũ

Năm học 2020-2021 ngành giáo dục ở các tỉnh miền Trung đối mặt với nhiều khó khăn khi bão lũ dồn dập khiến việc học hành bị gián đoạn; trường lớp, cơ sở vật chất hư hỏng nặng nề.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tác động của 3 cơn bão số 5, 9 và 13, cùng với 2 đợt lũ lụt rất lớn, kéo dài nên gây thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 80 tỉ đồng. "Chúng tôi đã chủ động cho học sinh nghỉ học một cách linh hoạt nên giáo viên và học sinh đều an toàn" - ông Tân nói.

Theo ông Tân, sau các đợt bão lũ, chính quyền địa phương, ngành giáo dục đã trích ngân sách khẩn trương khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, sở cũng đã kết nối, phân bổ các nguồn tài trợ hợp lý nên sớm hỗ trợ các vật dụng, sách vở cho học sinh vùng lũ. Hiện tất cả các trường đều đã dạy học lại bình thường.

Bùn đất ngập khu ở bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Bùn đất ngập khu ở bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết mưa lũ vừa qua làm thiệt mạng 4 học sinh và 1 cán bộ quản lý. Toàn tỉnh có 200 trường học với gần 310 điểm trường ngập lụt, trong đó nhiều trường ngập sâu và bị cô lập dài ngày. Ước tính thiệt hại đối với ngành giáo dục tỉnh này trong đợt thiên tai vừa qua hơn 100 tỉ đồng.

Ngoài thiệt hại vật chất, mưa bão kéo dài khiến nhiều trường ở Quảng Trị phải cho học sinh nghỉ học, trong đó có trường nghỉ 1 tháng. Vì vậy, các trường đang tổ chức dạy bù để theo kịp chương trình.

Tại Trường THPT Bán trú THCS Ba Nang, xã Ba Nang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), trong những ngày này, các giáo viên của trường phải ở lại, dạy bù thêm vào ngày chủ nhật còn học sinh được sắp xếp học thêm một buổi phụ trong ngày.

Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, trường nghỉ ít nhất là 2 tuần, nhiều nhất là 4 tuần. Vì vậy, các trường đang tổ chức dạy bù để kịp chương trình. Việc dạy bù sẽ được chia đều cho cả học kỳ 1 và học kỳ 2. Theo ông Nguyễn Tân, việc dạy bù thời gian qua của các trường ở Thừa Thiên - Huế là không "chạy đua" mà khá linh hoạt để không gây áp lực lên giáo viên và học sinh.

Quang Tám - Đức Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngon-ngang-day-va-hoc-sau-lu-20201129215749052.htm