Ngổn ngang công trình thoát nước và xử lý nước thải ở Hà Nội (Kỳ 1)

Một trong những mục tiêu phát triển đô thị của Hà Nội là xây dựng một thành phố xanh, phát triển bền vững. Những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư các dự án về thoát nước và xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường. Song việc triển khai gặp nhiều khó khăn, bất cập, chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra.

Bài 1: Nhiều vướng mắc ở các dự án thoát nước

Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội trong hai giai đoạn đã hoàn thành, góp phần cải thiện đáng kể năng lực thoát nước khu vực nội thành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ úng ngập cao, một số điểm hễ mưa là ngập do nhiều công trình liên quan còn dở dang hoặc chưa được bố trí vốn để thực hiện.

Ì ạch cải tạo hồ, cống hóa mương

Mỗi khi mưa lớn, đoạn đường trước cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt và Bệnh viện Da liễu Hà Nội trên phố Nguyễn Khuyến lại ngập sâu, ảnh hưởng lớn đến giao thông và sinh hoạt người dân. Theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, khi hồ Linh Quang (quận Ðống Ða) cải tạo xong, trở thành hồ điều hòa thì tình trạng tiêu thoát nước kém ở phố này và các ngõ chung quanh sẽ được giải quyết. Thế nhưng Dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ Linh Quang được triển khai gần mười năm vẫn chưa xong.

Hồ Linh Quang rộng 2 ha nằm giữa khu dân cư đông đúc vẫn đang được quây rào. Phía trong, cây cối, cỏ dại mọc um tùm cùng rác thải và lều lán lấn chiếm che gần hết mặt nước đen ngòm. Ðây là điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết: Dự án cải tạo hồ Linh Quang khởi công vào tháng 9-2009, đến tháng 6-2010 phải tạm dừng do bị xếp vào danh mục dự án phải đình, giãn, hoãn và không được cấp tiếp vốn. Thời điểm ấy, khối lượng nạo vét hồ đạt 90%, kè hồ đạt 15%. Năm nay, dự án được tái khởi động trước những yêu cầu bức thiết về cải tạo môi trường và năng lực thoát nước. Việc nạo vét hồ phải làm lại từ đầu. Ban quản lý yêu cầu đơn vị thi công vừa nạo vét, vừa làm kè hồ và có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ðống Ða Nguyễn Văn Giáp, có 208 hộ dân ở phường Văn Chương, quận Ðống Ða nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án này. 126 phương án đền bù đã được phê duyệt, trong đó đã chi trả tiền cho 119 phương án; số còn lại đang trình phê duyệt. Một số hộ còn khiếu kiện, cho nên phải rà soát lại nguồn gốc đất. Hiện có 55 hộ cần tái định cư nhưng quỹ nhà tái định cư đến tháng 1-2018 mới được bàn giao. Quận đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương bố trí quỹ nhà tái định cư để tổ chức cho các hộ dân bốc thăm, lên phương án đền bù, hỗ trợ, cố gắng hoàn thành công tác GPMB cuối năm nay để bàn giao cho đơn vị thi công.

Tuyến mương Vĩnh Tuy phục vụ tiêu thoát nước cho năm phường gồm Thanh Lương, Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), Vĩnh Hưng, Hoàng Văn Thụ, Mai Ðộng (quận Hoàng Mai) và các trục đường Lĩnh Nam, Minh Khai, Nguyễn Khoái. Hiện, đoạn mương phía bắc đường Minh Khai (từ đường Minh Khai đến phố Vĩnh Tuy) đang được cải tạo nhằm khắc phục úng ngập. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện dự án trong hai năm 2016-2017, nhưng đến nay mới thi công được 143 m cống hộp trên tổng số 341 m chiều dài tuyến. Khối lượng còn lại chưa thể thực hiện do mặt bằng chật hẹp và có những nhà dân xây dựng hoặc cơi nới công trình trong phạm vi thi công. Trong số đó, một số hộ đã được quận Hai Bà Trưng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ðể giải quyết, dự án cần được cấp bổ sung vốn giải phóng mặt bằng hoặc phải điều chỉnh thiết kế đã phê duyệt. Không biết bao giờ vướng mắc này mới được tháo gỡ.

Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên hồ Ba Mẫu cũng đang ngừng trệ do chưa thi công hạ tầng và giao đất tái định cư cho sáu hộ dân, do ô đất tái định cư bị lấn chiếm. Tại Dự án xây dựng cải tạo hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ Kim Liên, hạng mục hồ lớn đã xong, nhưng hạng mục hồ nhỏ chưa thể cải tạo vì vướng mắc GPMB…

Ðẩy mạnh đầu tư, quyết liệt giải phóng mặt bằng

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, các dự án thoát nước đều triển khai chậm so với yêu cầu tiến độ đặt ra, do nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công tư lại khó khăn vì các dự án này thiếu hấp dẫn, quỹ đất đối ứng để giao cho nhà đầu tư hạn hẹp. Các dự án sử dụng vốn ODA có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, dẫn tới nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, mặt bằng. Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn do các công trình thoát nước trải dài, khối lượng đền bù giải tỏa rất lớn; chính sách, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và bố trí quỹ nhà tái định cư của thành phố còn nhiều bất cập.

Ðại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố cho biết: Trong 10 dự án mà đơn vị đang thi công, có những dự án chưa được bố trí đủ vốn, có dự án còn vướng mắc về mặt bằng. Có những dự án tồn đọng từ hàng chục năm trước, hồ sơ không được quản lý, bàn giao đầy đủ, rất khó triển khai tiếp. Ðể thúc đẩy tiến độ, Ban đề nghị bổ sung vốn cho các dự án đã đủ điều kiện thi công mà chưa được bố trí kế hoạch vốn trong năm 2017 như các dự án cải tạo thoát nước, chống úng ngập cục bộ tuyến phố Ðội Cấn (từ phố Giang Văn Minh đến ngã ba Liễu Giai - Ðội Cấn), tuyến phố Thanh Ðàm, tuyến phố Vũ Xuân Thiều…

Tuy nhiên, tại cuộc giám sát giữa Ban Ðô thị HÐND thành phố Hà Nội với các đơn vị, Trưởng Ban Ðô thị HÐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân chỉ rõ: "Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai các dự án thoát nước chậm trễ là do sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, nhất là trong công tác GPMB, quản lý đất đai, trật tự xây dựng". Dự án cống hóa tuyến mương Vĩnh Tuy bị kéo dài nhiều năm, đến nay phải yêu cầu thay đổi thiết kế là do công tác quản lý trật tự xây dựng chưa tốt, các hộ dân xây dựng lấn chiếm khoảng không, dẫn đến phức tạp trong GPMB.

Khu đất để tái định cư sáu hộ dân nằm trong diện GPMB dự án công viên hồ Ba Mẫu thì bị các hộ dân khác lấn chiếm, dẫn đến không thi công được hạ tầng khu tái định cư dự án. Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 1 chưa GPMB bốn hộ dân nằm bên bờ trái sông Tô Lịch, thuộc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) từ năm 2009 đến nay, cho nên không thể hoàn thiện và quyết toán công trình.

Ðể khắc phục những bất cập nêu trên, đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nhằm cải thiện môi trường thành phố, không để xảy ra úng ngập mỗi khi mưa lớn, Trưởng Ban Ðô thị HÐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân yêu cầu: Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội rà soát lại các hồ sơ để có phương án xử lý cho từng dự án. Trong đó, những dự án đã hoặc cơ bản hoàn thành, cần khẩn trương thanh quyết toán để bàn giao vận hành, phát huy tối đa hiệu quả công trình. Với các dự án còn vướng về mặt bằng, các quận, huyện cần rà soát kỹ hiện trạng, có đề xuất với các sở, ngành liên quan về biện pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

(Còn nữa)

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34714102-ngon-ngang-cong-trinh-thoat-nuoc-va-xu-ly-nuoc-thai-o-ha-noi-ky-1.html