Ngọn lửa hỏa thiêu không tắt và những cõi lòng tan nát ở Ấn Độ

Hình ảnh người thân của bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ than khóc trong những bộ đồ bảo hộ đã trở nên quen thuộc đối với truyền thông thế giới trong suốt một tháng qua.

Tại khu hỏa táng, nơi ngọn lửa chỉ tạm tắt vào đêm khuya, những người thân phải chờ hàng tiếng đồng hồ để nói lời tiễn biệt. Cảnh hỏa thiêu được chụp ảnh, quay phim, thậm chí là phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội.

Những hình ảnh này sẽ được gửi đến những người thân đang phải cách ly trên khắp Ấn Độ. Chúng thậm chí còn xuất hiện trên toàn bộ trang tin tức và báo chí thế giới, đưa bi kịch của Ấn Độ ra trước độc giả toàn cầu.

 Những người tham gia lễ hỏa thiêu phải đeo mặt nạ và đồ bảo hộ. Ảnh: The New York Times.

Những người tham gia lễ hỏa thiêu phải đeo mặt nạ và đồ bảo hộ. Ảnh: The New York Times.

Từ trên mái nhà, các cư dân địa phương ghi lại hình ảnh đám cháy để cho thế giới thấy tại sao họ phải đeo khẩu trang ngay cả trong nhà. Khói và mùi chết chóc dày đặc, bao phủ các ngõ hẹp suốt cả ngày, thậm chí len lỏi qua những ô cửa sổ đã đóng chặt, theo The New York Times.

Ngọn lửa hỏa thiêu là minh chứng cho sự tàn phá của đại dịch Covid-19 gây ra cho Ấn Độ.

Kiệt sức vì hỏa thiêu

Virus Covid-19 lây lan quá nhanh tại Ấn Độ. Nước này liên tục ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới mỗi ngày. Không có nơi nào của đất nước nằm ngoài "cơn sóng thần" tàn khốc. Mỗi ngày có khoảng 300 người chết được ghi nhận chính thức tại New Delhi. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa phản ánh đúng thực tế.

Jitender Singh Shunty, người sáng lập của một tổ chức hỏa táng tình nguyện Seemapuri, phía đông New Delhi, cho biết: “Trước khi đại dịch xảy ra, tôi nhận được 6 đến 8 thi thể mỗi ngày. Bây giờ, mỗi ngày tôi phải tổ chức lễ hỏa táng cho khoảng 100 thi thể”.

Thông qua tổ chức Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal của mình, ông Shunty đã cung cấp dịch vụ hỏa táng miễn phí hoặc giá rẻ cho người nghèo trong suốt 25 năm. Khi nhu cầu tăng vọt, đội ngũ công nhân toàn thời gian của ông Shunty đã gặp muôn vàn khó khăn. Họ phải xây dựng thêm hàng chục giàn thiêu mới ở cánh đồng liền kề.

Trung tâm hỏa táng của ông Shunty phải tiếp nhận 100 thi thể mỗi ngày. Ảnh: The New York Times.

Công việc hàng ngày của ông Shunty là giúp di chuyển các thi thể và sắp xếp vị trí hỏa táng. Trong thời gian đại dịch xảy ra, ông phải thay áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay hàng chục lần mỗi ngày. Vào ban đêm, ông ngủ trong ôtô bởi vợ và hai người con trai của ông đã mắc Covid-19. Nhân viên quản lý của khu hỏa táng đang được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện.

“Đội ngũ chúng tôi còn khoảng 16 người. Chúng tôi đang phải làm việc cả ngày lẫn đêm”, ông nói. “Bây giờ mới là 8h sáng nhưng tôi nhận được 22 cuộc gọi báo nhận thi thể rồi”.

Theo truyền thống của Ấn Độ giáo, hỏa táng là phương pháp thường xuyên được sử dụng. Họ tin rằng hỏa táng sẽ phá vỡ sự liên kết của linh hồn với cơ thể vật lý. Con trai cả sẽ dẫn đầu đoàn đưa tang và những người thân sẽ khiêng xác lên giàn thiêu. Một thầy tu đạo Hindu, hay còn được gọi là pandit, sẽ đọc những lời cầu nguyện cuối cùng trước khi ngọn lửa được thắp lên. Tro người quá cố sẽ được rải ở sông Hằng hoặc một dòng sông thiêng khác. Những người đưa tang sẽ tập trung tại nhà người đã mất để tưởng nhớ và tiến hành các nghi lễ cầu nguyện.

Các gia đình thường thu thập tro ngay lập tức nhằm tránh bị lẫn lộn. Ông Shunty cho biết tro vô thừa nhận được giữ lại tối đa hai tháng, sau đó sẽ được rải xuống sông Hằng.

Sinh ly tử biệt

Bên cạnh đó, đại dịch còn tước bỏ đi những nghi thức cuối cùng của người đã khuất và tước bỏ cả không gian riêng tư của người thân.

Theo truyền thống, họ hàng sẽ tụ họp để chia sẻ nỗi đau mất mát. Giờ đây, nỗi sợ lây nhiễm khiến hầu hết người thân phải tránh xa. Thậm chí, nhiều thi thể được hỏa thiêu mà không có ai bên cạnh.

Mittain Panani, một doanh nhân 46 tuổi, cho biết: “Các thành viên trong gia đình tôi thậm chí không thể chứng kiến những khoảnh khắc cuối cùng đó”. Ông Panani và anh trai là hai người duy nhất tham dự trực tiếp lễ hỏa táng cha mình tại Mumbai. Mẹ ông vẫn đang phải nhập viện do mắc Covid-19.

“Dù bạn có tiền, có quyền, có ảnh hưởng thì bạn cũng không thể làm gì trong giây phút ấy. Tôi cảm thấy thực sự bất lực”, ông buồn bã nói.

Những người thân đưa xác bệnh nhân Covid-19 vào khu vực hỏa táng. Ảnh: The New York Times.

“Lửa bốc lên từ những giàn thiêu, người thân đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ. Cảnh tượng giống như tận thế vậy”, Dimple Kharbanda, một nhà sản xuất phim trở về New Delhi để tham dự nghi lễ hỏa thiêu của người cha quá cố nói.

Cô phải cầu xin những người thân, bao gồm cả người dì ruột ở bang lân cận, đừng đến Delhi vì nguy cơ lây nhiêm.

“Khi ai đó ở Ấn Độ qua đời, chúng tôi tụ họp lại và nói về họ, cuộc sống của họ, thói quen của họ và những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, trong thời điểm này, chúng tôi thậm chí còn không thể làm được điều đó”, Poonam Sikri, dì ruột của cô Kharbanda cho hay.

“Khi tôi xem lễ hỏa táng của anh ấy (cha cô Kharbanda) trên điện thoại, tôi cảm thấy như mất đi một phần thân thể. Tôi muốn được vuốt tóc, xoa mặt và ôm anh ấy lần cuối. Nhưng tôi không thể làm điều đó”.

Đối với các gia đình nạn nhân Covid-19, khu hỏa táng là điểm dừng chân cuối cùng của một chuỗi thử thách khó khăn. Nó kết thúc chuỗi ngày phải kéo người bệnh từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để tìm một chiếc giường và nhọc nhằn xếp hàng để được thở oxy.

Điểm dừng chân cuối cùng

Trước khi thi thể của Darwan Singh được đưa đến Seemapuri, gia đình ông đã làm tất cả những gì có thể để cứu người trụ cột gia đình 56 tuổi.

Cơn sốt của ông không hề thuyên giảm trong khi mức oxy trong máu giảm xuống mức nguy hiểm 42%. Trong hai ngày, gia đình ông không thể tìm nổi một giường bệnh hay một bình oxy. Cháu trai của ông, Kuldeep Rawat cho biết ông đã được thở oxy một giờ trước khi nguồn cung tại bệnh viện cạn kiệt.

Gia đình đã đưa ông Singh về nhà ngay trong đêm. Ngày hôm sau, họ phải đợi tiếp năm tiếng đồng hồ ở bãi đậu xe ở một bệnh viện khác. Ông Rawat tiết lộ gia đình đã phải hối lộ khoảng 70 USD để có được một chiếc giường miễn phí trong một bệnh viện công. Tiếc rằng, ông Singh tử vong ngay sau một đêm.

Theo truyền thống của Ấn Độ giáo, hỏa táng được tin là sẽ phá vỡ sự liên kết của linh hồn với cơ thể vật lý. Ảnh: New York Times.

Với việc trung tâm hỏa táng Seemapuri đã quá tải, bệnh viện không thể bàn giao thi thể ngay lập tức. Vào ngày 25/4, thi thể ông cùng 5 người khác được đưa đến nơi hỏa táng.

Ông Rawat cho biết ông phải vào trong xe cấp cứu để xác định danh tính chú mình. Sau đó, gia đình đưa ông vào bên trong lò hỏa táng và phải đợi 5 tiếng đồng hồ trước khi đến lượt đưa người chú lên giàn thiêu.

Thậm chí, điểm dừng chân cuối cùng cũng khiến họ tốn một khoản tương đối lớn: 25 USD vật liệu cho buổi cầu nguyện, 34 USD gỗ, 14 USD phí cho thầy tu pandit và 5 USD cho bộ đồ bảo hộ.

Gia đình ông Singh thậm chí không thể đến đưa tang. Cả mẹ, vợ, con gái và con trai ông đều nhiễm Covid-19. Ông Rawat lo sợ rằng mình cũng bị nhiễm bệnh trong giai đoạn đưa người chú đi cấp cứu.

“Chúng khó có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra”

Đối với các gia đình sống xung quanh lò hỏa táng, ngọn lửa bùng cháy suốt đêm ngày là lời nhắc nhở liên tục về cái chết của Covid-19 đang đợi họ phía trước.

Trong Sunlight Colony, nơi những ngôi nhà và căn hộ tồi tàn nằm sát với Seemapuri, khói nhiều đến mức nhiều người buộc phải đeo khẩu trang khi ở trong nhà. Trẻ được cho súc miệng bằng nước nóng trước khi đi ngủ và đồ giặt được phơi trong phòng.

Những người sống gần lò hỏa táng phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà. Ảnh: The New York Times.

Waseem Qureishi, một cư dân ngay bên cạnh lò hỏa táng Seemapuri, cho biết: “Bếp nhà tôi ở trên lầu nhưng thực sự tôi không thể chịu nổi khi ở trong đó. Nếu gió hướng về phía nhà tôi thì tình hình thậm chí còn kinh khủng hơn”.

Anuj Bhansal, một tài xế xe cấp cứu sống gần lò hỏa táng Ghazipur, cũng ở phía đông New Delhi, cho biết anh rất lo lắng cho 4 đứa con của mình. Ông cho biết mỗi khi số lượng thi thể hỏa táng lên đến 100 người, trẻ con trong khu phố sẽ chạy lên một ngọn đồi rác gần đó để xem.

“Khi những đứa trẻ nhìn ngọn lửa và khói bốc ra từ khu hỏa táng, chúng hỏi tại sao nó không tắt”, ông Bhansal buồn bã nói. “Chúng khó có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Lời kể giáo sĩ an táng cho 150 bệnh nhân Covid-19 trước khi hỏa thiêu Mỗi ngày, giáo sĩ đạo Hindu RamKaran Mishra thực hiện nghi lễ an táng cho khoảng 150 người qua đời vì Covid-19 tại cơ sở hỏa táng Ghazipur ở phía đông New Delhi, Ấn Độ.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngon-lua-hoa-thieu-khong-tat-va-nhung-coi-long-tan-nat-o-an-do-post1213370.html