Ngon lạ lùng bánh lá miền Tây

Bánh lá ăn với nước cốt dừa là một trong những đặc sản nổi tiếng ở miền Tây, chủ yếu là do các 'nghệ nhân dân gian' truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay cũng ít người làm, vì nói tốn nhiều công cũng không hẳn. Tuy nhiên, do cần phải tự tay làm thì mới ngon được.

Món bánh lá và nước cốt dừa dễ gây ghiền ở miền Tây.

Món bánh lá và nước cốt dừa dễ gây ghiền ở miền Tây.

Bánh lá chủ yếu là tận dụng “cây nhà lá vườn” như đặc tính của vùng đất này vậy. Bánh nằm trên lá, chỉ cần hấp chín và đưa ra ăn với nước cốt dừa. Đơn giản vậy thôi nhưng sao mà ngon khó cưỡng. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa cộng với cái dai dai của bột gạo, pha trộn với hương vị thoáng nhẹ qua của lá mơ, tạo cho món ăn có đặc trưng riêng.

Để làm món bánh này, “nghệ nhân” cần chuẩn bị gạo, lượng vừa đủ dùng. Ngâm qua một đêm để gạo vừa mềm, vừa nở. Cùng với đó, chuẩn bị lá mơ, rửa sạch. Sáng hôm sau, thái lá mơ thật nhuyễn và trộn lẫn vào với gạo, đồng thời, để tạo nên hương vị đặc trưng cho món bánh này. Những tưởng lá mơ chỉ có một số công dụng khác, ai dè đưa vào làm món bánh này nó lại ngon lạ lùng và tạo nên hương vị riêng có.

Cho nguyên liệu vào cối đá xay nhuyễn, thành bột. Công đoạn này có vẻ khó khăn đối với nhiều nhà hiện nay, vì để kiếm cối đá là rất khó khăn, do đó có thể sử dụng máy xay sinh tố hoặc mua bột gạo sẵn ở các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, theo người miền Tây thì muốn ăn bánh ngon phải cất công giã bằng cối đá.

Bột gạo cộng với hương vị lá mơ, tùy theo nhu cầu ăn mà cho thêm đường, muối, bột ngọt… hoặc để nguyên rồi đem trét lên bề mặt lá. Có nơi làm bánh thì trộn cả nước cốt dừa vào, không cần phải pha trộn khi ăn. Có thể sử dụng nhiều loại lá để làm “nền” cho bánh này, như: lá tre, lá bưởi, lá chuối… nhưng theo người miền Tây thì ngon nhất là lá mít. Vì thế có nơi gọi là bánh lá mít.

Các lớp gạo được trét đều lên tấm lá, sau đó cuốn lại. Đồng thời, dùng cuống lá cài vào, tạo nên chiếc bánh rất bắt mắt và đẹp. Đến khi chín, gỡ bánh ra cũng có hình chiếc lá trông rất xinh xắn. Chỉ cần hấp chừng 5 – 7 phút thì bánh sẽ chín, mở nắp ra, nồi bánh tỏa hương thơm lừng, ai cũng muốn nếm thử. Ban đầu, tôi cũng không thích món bánh này vì mình chỉ thích ăn các loại bánh mặn, đặc biệt là có nhân. Thế nhưng, khi bóc bánh, chấm với nước cốt dừa nhai thử, hóa ra nó ngon không tưởng. Một mình cũng xơi hết độ hơn chục cái.

Theo người miền Tây ngày nay, đây là món bánh nhớ về tuổi thơ, là gạch nối giữa thế hệ ông bà và con cháu.

(Baodulich.net.vn)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ngon-la-lung-banh-la-mien-tay-127509.html