Ngón đòn có nguy cơ phản tác dụng trong thương chiến Mỹ-Trung

Đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, trong khi nhiều công ty Trung Quốc tuyên bố sẽ dừng thu mua nông sản của Mỹ.

Khi lần đầu tiên gặp ông Donald Trump năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng, họ có “cả ngàn lý do để khiến mối quan hệ Trung-Mỹ thành công và không một lý do nào có thể phá hỏng nó”.

 Sau khi Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất so với USD trong 11 năm qua, Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc là nước phá giá tiền tệ. Ảnh: Asia Times.

Sau khi Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất so với USD trong 11 năm qua, Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc là nước phá giá tiền tệ. Ảnh: Asia Times.

Hai năm sau, mối quan hệ giữa 2 bên ở mức thấp nhất trong lịch sử hàng chục năm qua, và dường như ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Lời đe dọa của Tổng thống Trump sẽ nâng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc hồi tuần trước đã phá hỏng một “hiệp định đình chiến” đạt được với Chủ tịch Tập Cận Bình từ nhiều tuần trước đó, khơi mào cho những hành động ăn miếng trả miếng về thương mại và chính sách tiền tệ có thể leo thang thành cuộc chiến địa chính trị lớn hơn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một yếu tố quan trọng của vấn đề là không ai trong số 2 nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc tin rằng người kia sẽ nghiêm túc trong việc đạt được một thỏa thuận. Trung Quốc cho rằng ông Trump đang “làm bộ” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Trong khi đó, phía Mỹ lại cho rằng ông Tập đang chờ ông Trump hết nhiệm kỳ để có một thỏa thuận tốt hơn.

Dennis Wilder, người từng làm việc trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, nếu cả hai bên muốn cược “tất tay”, thì cái giá họ phải trả nếu thất bại cũng sẽ rất lớn.

Đối với Tổng thống Mỹ Trump, ông đang cược rằng một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc sẽ giúp ông tái đắc cử và làm ông chủ Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Chính quyền của ông đã tuyên bố một cách đầy tự hào về cái mà họ nói là phản ứng mạnh mẽ nhất trong hàng chục năm qua trước một Trung Quốc đang “trỗi dậy”. Hầu hết các ứng viên đảng Dân chủ cũng đều đồng ý với việc cần có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, dù họ không đồng ý với các đòn thuế quan của ông Trump.

Không đầu hàng

“Khó có khả năng Trung Quốc sẽ nhượng bố trước bất cứ áp lực nào khác vì họ tin chắc rằng thỏa thuận với chính quyền đương nhiệm của Mỹ đồng nghĩa với việc cho họ cơ hội ‘được voi đòi tiên”, Charles Liu, một nhà đàm phán kinh tế của Trung Quốc trước đây và là người sáng lập Hao Capital, cho biết. Ông nói thêm rằng, phía Mỹ dường như “không quan tâm một cách nghiêm túc tới việc đạt được một thỏa thuận”.

Trong khi đó, giới chức Mỹ đổ lỗi cho những nhân vật có quan điểm cứng rắn của Trung Quốc vì đã vi phạm các phần chủ chốt trong một thỏa thuận thương mại hồi tháng 5, và đã không giữ lời hữa tăng cường thu mua nông sản sau khi 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau gần 6 tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.

Họ khẳng định đòn thuế quan mới của ông Trump hồi tuần trước là cách đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, và sự đáp trả của Bắc Kinh cho thấy ông Tập không muốn có một thỏa thuận và đang cố đợi ông Trump hết nhiệm kỳ. Cố vấn kinh tế của ông Trump, Lary Kudlow, ngày 6/8 nói với CNBC rằng, Mỹ vẫn cam kết khôi phục đàm phán với Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới.

Các biện pháp hạn chế Huawei

Đối với một số nhân vật có quan điểm cứng rắn ở Mỹ, sự rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ-Trung có thể mang tới một cơ hội để siết chặt các biện pháp hạn chế với Huawei. Bên cạnh đó, Mỹ mới đây đã thông qua thương vụ bán F-16 cho Đài Loan và bày tỏ tín hiệu ủng hộ làn sóng biểu tình ở Hong Kong.

Mỹ cũng nói rằng nước này có thể sẽ đặt tên lửa tầm trung ở châu Á và thậm chí có thêm các hành động nhằm vào sinh viên và các nhà khoa học Trung Quốc.

“Cả hai bên rõ ràng đều đang cân nhắc các vũ khí của mình trong việc đối phó với các vấn đề nổi bật như thương mại và công nghệ”, James Green, người từng làm việc cho văn phòng Đại diện thương mại Mỹ ở Bắc Kinh và hiện là một cố vấn cấp cao tại McLarty Associates, cho biết.

Trong khi đó, ông Tập vẫn có nhiều vũ khí để đối phó với Mỹ. Ông có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lợi ích kinh tế Mỹ ở Trung Quốc, phá hỏng những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Iran và Triều Tiên, thậm chí phong tỏa các công ty Mỹ khỏi các lĩnh vực mới được mở cửa gần đây như tài chính.

Dù vậy, ông Tập cũng cần phải thận trọng để đảm bảo bất cứ sự đáp trả nào cũng sẽ không bị phản đòn. Việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể là con dao hai lưỡi trong cuộc chiến thương mại. Đồng nhân dân tệ yếu đi có thể giúp Trung Quốc bù đắp cho các mức thuế bị Mỹ áp đặt, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ dòng vốn chảy ra nước ngoài như đã từng xảy ra năm 2015.

Dòng vốn chảy ra nước ngoài

“Như chúng ta đã chứng kiến năm 2015, nếu sự kỳ vọng bị bất ổn, dòng vốn chảy ra nước ngoài có thể lại tăng và sẽ có nhiều tác hại hơn cả thuế quan”, Harry Lu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại công ty chứng khoán Macquarie ở Hong Kong cho biết.

Bất chấp những hàng rào an toàn, rủi ro tính toán sai lầm vẫn cao.

Ở phía Mỹ, một số quan chức trước đây từng làm việc về vấn đề thương mại Trung Quốc nói rằng, chính quyền đã đánh giá quá cao những “đòn bẩy” của mình bằng cách từ chối dỡ bỏ các đòn thuế để đổi lấy những cải cách – một động thái mà một số người cho là đã khiến Trung Quốc rời khỏi các cuộc đối thoại.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mối đe dọa về cuộc thương chiến đang ngày càng leo thang là đặc biệt đáng lo ngại. Theo ông James McGregor, Chủ tịch công ty tư vấn APCO Worldwide, “Cả 2 cần phải ngồi xuống và đạt một thỏa thuận càng gần tới sự nhượng bộ lẫn nhau càng tốt”.

“Con đường phía trước sẽ nguy hiểm và khó đi nếu 2 bên không ra khỏi vòng bảo vệ và đi về bàn đàm phán. Đây là cuộc đời thực chứ không phải truyền hình thực tế”, ông McGregor nói.

Mời độc giả xem thêm video về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: VTV1)

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/nong-sau/ngon-don-co-nguy-co-phan-tac-dung-trong-thuong-chien-my-trung-1261902.html