Ngọn cờ Đồng khởi đang được chuyển hóa vào tinh thần lao động

60 năm đã qua nhưng sự kiện Đồng khởi vẫn luôn in đậm trong lòng người dân cả nước. Đối với nhân dân Bến Tre, tinh thần Đồng khởi đã trở thành truyền thống bất khuất, thấm sâu vào máu thịt, trở thành ý chí quyết tâm của mỗi người.

Nhân dịp nhìn lại 60 năm, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi về tinh thần Đồng khởi ấy được phát huy vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ở mảnh đất cù lao, vốn bị chia cắt để trở thành một vùng đất thu hút các nhà đầu tư, bạn bè trong và ngoài nước.

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (áo trắng, người cầm chậu hoa) thăm nông dân sản xuất ẢNH: CẨM TRÚC

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (áo trắng, người cầm chậu hoa) thăm nông dân sản xuất ẢNH: CẨM TRÚC

Xin ông điểm lại vài nét chính về phong trào Đồng khởi ở Bến Tre 1960 và ý nghĩa của sự kiện này với cách mạng miền Nam?

Ông Phan Văn Mãi: Đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhiều nhà nghiên cứu... phân tích, đánh giá sâu sắc về cuộc Đồng khởi 1960 ở Bến Tre.Qua đó, giúp cho chúng ta hiểu hơn về tầm vóc, giá trị và những nét độc đáo của sự kiện lịch sử này.

Trước hết, cuộc Đồng khởi 1960 ở Bến Tre là sản phẩm của Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khởi đầu từ 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày vào sáng 17/01/1960, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh và phát triển mạnh mẽ trên khắp chiến trường miền Nam.

Đồng khởi còn là sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15, có phát triển phù hợp với diễn biến tình hình địa phương và cách mạng miền Nam. Từ đây, đã sáng tạo ra phương thức đấu tranh “hai chân, ba mũi” và nhiều phương thức độc đáo khác như: chủ trương “3 tại chỗ” (lực lượng là quần chúng tại chỗ, đối tượng đấu tranh là bộ máy kìm kẹp tại chỗ, tòa án nhân dân tại chỗ); chủ trương “lấy súng trong đồn giặc để đánh giặc”, hay “tản cư ngược”.

Bên cạnh đó, thể hiện sinh động nhất sự kế thừa, phát huy những di sản của quá trình chống giặc của nhân dân Bến Tre.Đó là kinh nghiệm tiến công quân sự, nổi dậy khởi nghĩa được vận dụng sáng tạo và nâng cao.

Từ Đồng khởi 1960 ở Bến Tre đã mở ra cục diện mới triển vọng cho cách mạng miền Nam; góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Ngụy.

Người dân tham gia làm cầu nông thôn

60 năm đã trôi qua, ngày nay vùng đất giàu truyền thống đấu tranh của quê hương Đồng khởi anh hùng đã có nhiều đổi thay. Xin ông cho biết những thành tựu, kết quả về KT-XH đạt được trong những năm qua?

Ông Phan Văn Mãi: Là quê hương giàu truyền thống cách mạng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chịu nhiều đau thương mất mát cả người và tài sản, thêm điều kiện tự nhiên sông rạch chằng chịt, giao thông khó khăn, tỉnh nhà gặp nhiều trở ngại trên chặn đường xây dựng và phát triển đi lên.

Điều phấn khởi là ngọn lửa “Đồng khởi” 1960 vẫn bền bỉ cháy trong lòng của những người con sinh ra và lớn lên, cũng như những người đã từng công tác, gắn bó trên quê hương ba dãi cù lao. Niềm tự hào về truyền thống anh hùng trở thành động lực to lớn, thôi thúc mọi người chung tay hành động, tích cực hưởng ứng và có những đóng góp thiết thực cho các phong trào hành động cách mạng tỉnh nhà.

Trên tất cả các lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tỉnh đã triển khai nhiều khu, cụm công nghiệp và thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách. Đến cuối nhiệm kỳ, số lượng doanh nghiệp và thu ngân sách của tỉnh dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015.

Dấu ấn rõ nét nhất là hệ thống giao thông tỉnh nhà được tập trung đầu tư xây dựng bằng nhiều phương thức khác nhau; trong đó, sự chung sức, đồng lòng của người dân là cốt lõi đã tạo nền tảng kỹ thuật cần thiết xóa thế cách biệt của tỉnh cù lao, giúp cho kinh tế - xã hội phát triển thuận lợi. Cụ thể, Bến Tre đã làm trên 300.000km đường giao thông nông thôn bằng nhựa và bê tông; hàng ngàn cây cầu lớn, nhỏ thay thế cầu khỉ.

Bên cạnh các công trình, dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tương đối hoàn chỉnh, diện mạo từ thành thị đến nông thôn thật sự khởi sắc. Giờ đây, giao thông Bến Tre đã thông suốt, phá thế biệt lập giữa Bến Tre với các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho Bến Tre hội nhập, thu hút đầu tư và phát triển cùng với các tỉnh bạn.

Nông sân chăm sóc hoa ẢNH: HÒA HỘI

Để đạt được những kết quả ấy thì Đảng bộ tỉnh đã có những chủ trương, chính sách như thế nào?

Ông Phan Văn Mãi: Những năm qua, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tỉnh đã triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án về xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa và con người Bến Tre. Đồng thời, phát triển du lịch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, hình thành các chuỗi giá trị về cây dừa, cây ăn trái và thủy sản. Ngoài ra, triển khai chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, môi trường đầu tư được cải thiện...

Dù còn một số hạn chế, khó khăn nhất định cần được quan tâm khắc phục, nhưng có thể khẳng định rằng thành quả đạt được trong những năm qua thật đáng trân trọng, đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua đó đã tạo được tiền đề, nền tảng vững chắc cho bước phát triển tiếp theo.

ĐVTN làm giao thông nông thôn

Mấy năm nay, Tỉnh ủy Bến Tre xây dựng và triển khai Chương Trình 10 về thúc đẩy khởi nghiệp. Với tnh thần Đồng khởi bất khuất, kiên cường năm ấy giờ được các bạn trẻ vận dụng ra sao?

Ông Phan Văn Mãi: Ngày 28/4/2016, Tỉnh ủy đã triển khai Chương trình 10 –CTr/TU về Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Qua thời gian triển khai thực hiện, đã tạo bước chuyển rõ nét cả về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và người dân, doanh nghiệp, đạt nhiều kết quả phấn khởi. Điều đó cho thấy, thêm lần nữa tinh thần quật cường, ý chí tiến công của Đồng khởi 1960 được vận dụng và phát huy hiệu quả trong xây dựng và phát triển quê hương Bến Tre hôm nay.

Sau 4 năm triển khai Chương trình, tinh thần khởi nghiệp đã được khơi dậy mạnh mẽ, nhất là trong các bạn trẻ; hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng hoàn thiện, nhiều chính sách địa phương hỗ trợ khởi nghiệp được ban hành. Đồng thời môi trường đầu tư kinh doanh và công tác hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp được quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, đã có nhiều doanh nghiệp gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư. Tính từ đầu nhiệm kỳ, đã thành lập mới 1.945 doanh nghiệp và 27.306 hộ kinh doanh, nâng tổng số doanh nghiệp lên 4.517 và 48.306 hộ kinh doanh.

Gần đây nhất là với sự hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Mekong Innovation Hub), Bến Tre mong muốn thúc đẩy hơn nữa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các bạn trẻ và kết nối khu vực và quốc tế cho khởi nghiệp, hướng đến xây dựng Bến Tre thành địa phương khởi nghiệp để ngang bằng khu vực và cả nước.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ngon-co-dong-khoi-dang-duoc-chuyen-hoa-vao-tinh-than-lao-dong-1510961.tpo