'Ngồi uống trà ở đình Tân Thông lại nhớ bác Khải'

'Khi nào người ta đưa linh cữu ông Hai đi thì ở đình, chúng ta phải gióng trống để tiễn ông ấy. Rồi đến khi ông ấy về lại đây cũng gióng trống đón ông trở về…'.

Trưởng Ban di tích lịch sử đình Tân Thông Nguyễn Văn Khỏe, người bạn thuở thiếu thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nói như trên.

Bàn trà hôm nay vẫn có nhiều người nhưng lại vắng ông Khải...

Như mọi lần, sáng nay, các thành viên của Ban di tích đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) lại cùng nhau quây quần, đàm đạo quanh bàn trà nước. Chỉ có khác là hôm nay không còn ông Hai Khải để nhắc về những ngày tháng còn chăn trâu, bắt cá; những ngày đình Tân Thông còn hoang sơ…

Ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi), Trưởng Ban di tích lịch sử đình Tân Thông, nghẹn ngào khi nhắc đến người bạn quá cố tên Hai Khải. Ông Khỏe cho biết ông Khải rất hay ra đình, quan sát từng gốc cây xem cây nào có nhiều lá úa, cây nào ra nhiều nhánh để căn dặn mọi người tỉa, cắt.

“Có tuần ngày nào ông cũng ra. Những ngày ông Hai không ra thì mọi người lại nhớ. Rồi hễ thấy cái xe đạp điện chở ông ấy đi qua, mọi người lại hò nhau mừng rỡ: "Ông Hai lên rồi, ông Hai lên rồi”".

Ngồi uống trà, ông Hai hay cùng mọi người ôn lại những năm tháng nghèo khó trước đây, tâm niệm lớp trẻ sẽ noi gương truyền thống yêu nước của ông cha mà xây dựng quê hương Tân Thông giàu đẹp.

“Ông Hai về đây, niềm vui của ông là tạo công trình phúc lợi cho nhân dân. Ông là người khiêm tốn, hòa mình với mọi người không phân biệt sang hèn. Nhiều người sang đình chơi, nếu không xem tivi, đọc báo mà chỉ nghe ông ấy nói chuyện và nhìn quần áo ông ấy mặc thì chẳng mấy người biết đó là nguyên thủ tướng” - ông Khỏe nói.

Nhiều người gọi đình Tân Thông là đình Phan Văn Khải đến nhớ đến công lao gây dựng của ông.

Nhiều người ở đình vẫn còn nhớ như in năm 1997, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về quê nhà. Nhìn ngôi đình làng uy nghi rộng lớn, giờ chỉ còn điện thờ đơn sơ, ông đã vận động các nhà hảo tâm góp tiền xây dựng lại đình làng khang trang như bây giờ.

“Ông ấy chính là chủ đầu tư của đình Tân Thông. Nhiều người quý mến còn gọi đây là đình Phan Văn Khải” - ông Khỏe nói.

Cũng theo ông Khỏe, ông Khải thích tham gia lễ hội. Có những lễ ở đình, ông cũng chịu khó thức đêm để vui chơi với bà con. Còn 10 ngày nữa đến lễ Kỳ Yên, như mọi năm thì tổ chức rất linh đình, có cải lương, hát bội,… Ông Khải hỏi ý kiến bà con, bà con bảo thích nghe cải lương, hát bội ông liền tổ chức, đáp ứng nhu cầu của mọi người.

“Nhưng năm nay không còn ông ấy, lễ cũng được rút gọn hết. Ai nấy đều buồn, nói: "Vắng bác Khải đâu còn vui... Khi nào người ta đưa linh cữu ông Hai đi thì ở đình chúng ta gióng trống để tiễn ông ấy. Rồi đến khi ông ấy về lại đây cũng gióng trống đón ông trở về…"” - ông Khỏe rưng rưng.

LÊ THOA - NGUYỄN TRÀ

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/ngoi-uong-tra-o-dinh-tan-thong-lai-nho-bac-khai-760365.html