Ngôi trường vươn lên nhờ 'nhà bán trú dân nuôi'

Trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar (Đắc Lắc) thành lập năm 2004, với cơ sở vật chất ban đầu còn nhiều thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Trong khi đó, xã Ea Kuêh thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, tỷ lệ hộ nghèo cao, một số thôn, buôn cách xa trung tâm hàng chục ki-lô-mét, dẫn tới tỷ lệ học sinh bậc THCS bỏ học cao.

 Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu tập thể dục giữa giờ.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu tập thể dục giữa giờ.

Nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp khang trang cùng những nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn của thầy và trò, những năm gần đây, Trường THCS Trần Quang Diệu đã vươn lên trở thành điểm sáng trong giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trao đổi với chúng tôi, thầy Phan Hữu Xá, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu, cho biết: “Một trong những chuyển biến rõ nhất là từ năm 2009, nhà trường cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh đã duy trì hiệu quả mô hình “nhà bán trú dân nuôi” cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường hơn 10km, không thể đi về trong ngày, được ở lại trường học tập thuận lợi”.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu trong giờ học.

Được biết, những năm đầu có hơn 40 học sinh dân tộc thiểu số được bố trí ăn ở tại nhà bán trú. Các em còn được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, như trong năm được hỗ trợ 9 tháng, với mức 15kg gạo và 650 nghìn đồng/học sinh/tháng. Đến năm học 2018-2019 này, nhà bán trú của trường đang có 22 học sinh dân tộc thiểu số của buôn Sê Đăng lưu trú. Mô hình này đã giúp hàng trăm lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, chấm dứt tình trạng học sinh THCS ở xã Ea Kuêh bỏ học, qua đó góp phần quan trọng để năm 2018 xã Ea Kuêh đạt phổ cập THCS. Tại nhà bán trú, gặp chúng tôi, các em: Trịnh Nhược Hồng, học sinh lớp 7B; Y Nhi, học sinh lớp 6A; Mai Thị Trâm, học sinh lớp 8D; Đặng Thị Huyền Trang, học sinh lớp 7B và Trịnh Thiên Đình, học sinh lớp 9B tự hào nói về thành tích đạt học lực khá của mình. Các em cho biết, chính nhà bán trú và chế độ ưu đãi của Nhà nước cùng sự chăm sóc của thầy cô đã tiếp sức cho các em vươn lên trong học tập. Về hiệu quả mô hình nhà bán trú, đồng chí Lê Hữu Quynh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar, nhận xét: “Mô hình nhà bán trú Trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Kuêh thực sự là điểm sáng trong chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở Tây Nguyên”.

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả mô hình nhà bán trú, nhờ đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết, gắn bó với nghề, yêu thương học trò, nên chất lượng dạy và học của Trường THCS Trần Quang Diệu những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Hiện nay, nhà trường có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 30 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 8 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tổng kết năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh giỏi đạt 17,53%, khá 42,03%, trung bình 39,64%, yếu 0,8%; có 32 học sinh giỏi cấp trường, 20 học sinh giỏi cấp huyện và 5 học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ năm học 2013-2014 đến năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của trường luôn đạt 100%.

Bước sang năm học 2018-2019, với cơ sở vật chất khang trang, trường lớp xây dựng cao tầng, trang thiết bị dạy và học được bảo đảm tốt hơn, thầy và trò Trường THCS Trần Quang Diệu quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia./.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/ngoi-truong-vuon-len-nho-nha-ban-tru-dan-nuoi-550979