Ngôi trường mang tên người anh hùng dạy dân nuôi tôm cá

Tên của Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Phan Thế Phương được đặt cho một ngôi trường THCS tại Thừa Thiên Huế như một sự ghi nhận của người dân nơi đây với người mà họ gọi là 'Thần Hoàng'.

Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế nằm bên bờ phá Tam Giang. Vào những năm 1980 nơi đây là vùng quê nghèo khó, người dân vất vả mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá tự nhiên trên các vùng đầm phá.

Trường THCS Phan Thế Phương xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế

Trường THCS Phan Thế Phương xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế

Cuộc sống nơi đây chỉ thực sự đổi mới kể từ ngày ông Phan Thế Phương đặt chân đến vùng đất đầy khổ cực này.

Ông Phan Thế Phương (27/6/1934 – 6/10/1991) quê tại xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng tham gia Cách mạng trong khi theo học trường Khải Định (nay là Quốc học), kết nạp Đảng Cộng sản Việt nam khi mới tròn 16 tuổi (năm 1950).

Sau này ông giảng dạy tại Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là quyền Hiệu trưởng trường trung cấp Thủy sản Trung ương I (Hải Phòng) và là Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên.

Người dân ở xã Quảng Công kể lại, hàng trăm hộ gia đình tại đây có được cuộc sống sung túc hơn với đường bê tông, nhà cửa kiên cố khang trang như hôm nay chính là nhờ nghề nuôi tôm, cá mà ông “Thần Hoàng” Phan Thế Phương đã truyền dạy.

Ông Phạm Hóa (77 tuổi, trú thôn 14, xã Quảng Công) cho biết, trước khi bác Phương về truyền nghề nuôi dạy tôm cá thì ông và một số người cũng đã đào hồ nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi tôm cá của họ không thực sự hiệu quả, thậm chí có nhiều người vì không đủ kiên nhẫn nên đã từ bỏ vùng quê nghèo đi đến nơi khác lập nghiệp.

Ông Phạm Hóa kể về câu chuyện ông Phan Thế Phương truyền dạy cho người dân cánh nuôi tôm cá

Theo lời kể của ông Hóa, khoảng năm 1988 ông Phan Thế Phương đến vùng đất này và chọn nhà ông làm địa điểm tổ chức các buổi họp, gặp mặt trao đổi với bà con trong vùng về nghề nuôi tôm cá. Bác từng giảng dạy tại Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội rồi sau này làm Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên nên biết rất rõ về kỹ thuật nuôi tôm cá.

“Tôi nhớ nhất là lần họp tại nhà tôi, bác đã mời nhiều chuyên gia từ các trường đại học ở Hải Phòng, Cần Thơ, lãnh đạo tỉnh… và kêu gọi người dân các xã, các huyện ven phá Tam Giang đến tham gia chật kín cả nhà”, ông Hóa nhớ lại.

Một người có gần 30 năm theo nghề nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Tuyển (78 tuổi, trú tại thôn 14, xã Quảng Công) cho biết, ở làng này từ người già đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết đến “Thần Hoàng” Phan Thế Phương bởi lẽ ông Phương chính là người đã mang nghề nuôi tôm, cá đến và giúp người dân phát triển sinh kế.

Đến nay, người dân đặc biệt các vị cao niên trong thôn 14 đều khẳng định sự phát triển của nghề nuôi tôm cá nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội tại đây nói chung đều là nhờ ông Phan Thế Phương. Chính vì vậy, sau khi ông Phương mất, người dân nơi đây đã lập miếu thờ phụng và xem ông là vị “Thần Hoàng” là "ông tổ" nghề nuôi tôm cá của làng.

Ông Nguyễn Văn Tuyển cho rằng ông Phương là người đã mang nghề nuôi tôm cá đến với người dân giúp họ phát triển sinh kế

Với những cống hiến của mình trong công tác và cho xã Quảng Công, ông Phan Thế Phương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Hữu nghị, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới vào năm 2003.

Đặc biệt từ năm học 2013 - 2014, khi các trường THCS trên địa bàn huyện Quảng Điền được đổi tên trường, ngôi trường THCS Phan Thế Phương được công nhận theo Quyết định số 1715/QĐ-UBND của UBND huyện Quảng Điền ngày 28/5/2013 với tiền thân là trường THCS Quảng Công.

Phòng truyền thống của trường THCS Phan Thế Phương

Chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam, thầy Trần Đình Nhật - Hiệu trưởng trường THCS Phan Thế Phương cho biết, nhà trường rất vinh dự và tự hào khi ngôi trường được mang tên ông Phan Thế Phương. Dù mới chuyển về trường công tác được một thời gian ngắn nhưng từ lâu tên của ông “Thần Hoàng” đã gắn liền trong tiềm thức cũng như người dân ở đây.

Theo thầy Nhật, dù trường được đánh giá là khó khăn nhất trong tổng số các trường THCS tại huyện Quảng Điền, tuy nhiên thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực, quyết tâm để đạt hiệu quả cao nhất trong dạy và học để xứng đáng với tên gọi.

Ông Lê Duận - Chủ tịch UBND xã Quảng Công cũng cho biết, nghề nuôi trồng thủy sàn vẫn là nghề chủ lực của địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại địa phương có 146 héc-ta nuôi tôm, cá tập trung ở 05 thôn vùng nông nghiệp.

“Địa phương, đặc biệt là người dân nuôi tôm cá và thầy trò trường THCS Phan Thế Phương luôn ghi nhớ công ơn của bác. Người dân đã lập miếu thờ phụng bác, trường THCS Phan Thế Phương cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để truyền đạt cho thế hệ sau biết đến công ơn to lớn của bác và lấy đó là tấm gương giáo dục cho các em học sinh”, ông Duận nhấn mạnh.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ngoi-truong-mang-ten-nguoi-anh-hung-day-dan-nuoi-tom-ca-d163773.html