Ngôi trường của hoàng tử Bảo Long và các công chúa

Vì yêu thích cách giáo dục của trường Couvent Des Oiseaux ở Paris, Pháp, Nam Phương hoàng hậu đã tình nguyện hiến 12 ha đất gần thác Camly để mở một ngôi trường tương tự.

Mới lên sáu tuổi, ba bắt tôi vào lớp Đồng Ấu của trường Tiểu học Đà Lạt. Tính tình ông nghiêm khắc, cả tỉnh đều biết. Sân trường đang ồn ào hơn phiên chợ với mấy trăm học sinh, chỉ cần ba tôi cất tiếng “Các trò!” là sân trường im phăng phắc ngay, lớp nào xếp hàng lớp ấy.

Uy tín của ông lớn đến nỗi bạn bè và bà con từ Cầu Đất, Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đều đưa con gởi nhà chúng tôi để đi học. Tất cả mười tám người.

Nhà tôi lúc nào cũng có ông thầy giáo tại gia chuyên theo dõi việc học hành và hạnh kiểm của chúng tôi. Có gì sai trái thầy Tần ghi vào một quyển sổ mà thầy hay cười cười rồi huơ lên dọa chúng tôi: “Sổ Nam Tào đây. Các trò coi chừng!”.

Mỗi sáng chủ nhật đầu tháng, quyển Nam Tào được mở ra. Trong phòng học, chúng tôi xếp hàng, khoanh tay, đầu cúi xuống. Đến học trò nào lười học, bỏ đi chơi trong giờ tự học, cãi nhau to tiếng trên bàn ăn… đều được ghi chép không sót một chi tiết.

Tôi còn nhớ cảnh ba tôi ngồi giữa nhà, mắt nhìn thẳng anh Đương hầu bên cạnh, tay cầm chiếc roi mây to tướng màu ngà. Ba tôi xướng tên một tội đồ, chỉ cần nói: “Nằm xuống” là anh nào anh ấy mặt xanh rờn, lẩy bẩy theo leo lên chiếc phản nằm úp mặt.

 Sách Gánh gánh... gồng gồng... Ảnh: Q.M.

Sách Gánh gánh... gồng gồng... Ảnh: Q.M.

Ba tôi hỏi: “Tội của trò đáng đánh mấy roi?” – “Dạ hai roi”. Ba tôi đưa mắt nhìn anh Đương. Anh thẳng tay vút hai cái, kẻ tội đồ nhảy dựng lên, run rẩy xoa đít nhưng không được khóc, lổm nhổm bò dậy, quay lại nói với ba tôi: “Thưa thầy, từ nay con không dám nữa”.

Sổ Nam Tào tiếp tục được giở ra, lại một tên khác lập cập leo lên chịu trận. Tôi cũng phải leo lên tấm phản ấy vài lần. Những buổi trừng phạt khiếp đảm ấy, má tôi đứng nhìn sau cửa sổ, chỉ lắc đầu thở dài.

[…]

Tôi tốt nghiệp trường Tiểu học Đà Lạt, được má đưa đến tiệm cô Suzanne cho uốn tóc, niềm mơ ước của tất cả cô bé Đà Lạt thuở ấy.

Một buổi sáng, má tôi diện cho tôi bộ váy áo đẹp nhất được may tại tiệm “Les Ciseaux d’Or” (“Những cây kéo vàng”) và ba tôi chở một mình tôi lên xe hơi, hướng đến thác Camly.

Tôi phơi phới ngồi trong chiếc xe hơi duy nhất của Đà Lạt thưở ấy, quần áo mới, lại được đi chơi một mình với ba. Nào ngờ, ông không đưa tôi vào thác Camly mà đưa tôi đến một ngôi trường rộng mênh mông nằm giữa một khu rừng thông biệt lập.

Từ sân trường, một bà nữ tu áo dài đen trùm đến chân, một chiếc khăn màu đen trắng trùm từ trán phủ đến nửa lưng, tươi cười đón cha con tôi.

Chúng tôi cùng đi xuống lưng chừng đồi, vào một lớp học giữa những hàng thông cổ thụ. Một bà nữ tu khác đang ngồi trong lớp. Ba chào hai bà nữ tu, quay lại dặn tôi: “Gắng học cho giỏi” rồi gấp gáp đi thẳng đến chỗ đậu xe.

Trường nữ tu Couvent des Oiseaux nay là trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng. Nguồn: Wikipedia.

[…]

Sau này, bà giáo nữ tu kể lại lý lịch ngôi trường: “Bà Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái một điền chủ giàu có ở Đà Lạt, đã học tại trường Couvent Des Oiseaux (Nữ tu viện của những loài chim) ở Paris. Khi về nước, trở thành Nam Phương hoàng hậu, vì yêu thích cách giáo dục của trường này, bà tình nguyện hiến 12 ha đất đồi thông cổ thụ ở ngay gần thác Camly để mở ngôi trường tương tự.

Các giáo viên đều là nữ tu bề trên, trình độ học vấn từ tú tài đến tiến sĩ ở Paris. Trường chỉ dành cho nữ sinh, đại đa số là con em quan chức, các chủ đồn điền Pháp đang làm việc tại Việt Nam. Hoàng tử Bảo Long và ba công chúa đều theo học trường này. Trong ba trăm học sinh, khoảng hai mươi nữ sinh là con em các gia đình có thế lực ở Việt Nam, Campuchia và Lào”.

Tôi cũng lao đao, vất vả vào năm học đầu tiên. Sang năm thứ hai, khi ba tôi cho vào ở nội trú, tôi đã không gặp bất cứ khó khăn nào khi trao đổi, cãi lộn, giành ăn hay lên lớp trả bài.

Vào một sáng thứ hai đầu tuần, cũng như thường lệ, tôi và cô bạn thân Juliette R. đứng cạnh nhau trong lễ chào hai cờ Pháp và An Nam. Lá cờ An Nam vừa kéo lên, bỗng Juliette chạy ra, hai chân dẫm đạp lên bóng lá cờ và hét: “Sale Annam! Sale Annam!” (Đồ Annam bẩn thỉu! Đồ Annam bẩn thỉu!).

Tôi như bị choáng, nhói ngực, thở gấp. Sao dám đạp vào lá cờ của nước tôi? Sao các bà giáo không can thiệp gì cả? Ngay hôm ấy, tôi xin đổi bàn khác, cố tình tránh mặt Juliette.

Cô ta mấy lần tìm gặp, ngạc nhiên về sự tuyệt giao của tôi: “Tôi ghét mấy thằng bồi chứ có làm gì để bạn phật ý đâu? Bạn không phải là loại người Annam đó”.

Tôi không biết cãi lại, chỉ tức đến nghẹn họng, chảy nước mắt.

[…]

Năm 1942, do bất đồng với viên công sứ Pháp ở Đà Lạt, ba chuyển từ Đà Lạt về quê hương ở Phan Rí, một nơi khô cằn, quanh năm khí hậu nóng bức.

Dù được tăng chức lên làm Huấn Đạo miền Trung, ba không bao giờ khuây khỏa được việc thuyên chuyển này. Cả gia đình về Phan Rí, riêng tôi phải ở lại Đà Lạt học tiếp.

Ba tôi gửi tôi ở nhà cô giáo Lệ, một cố giáo ở trường tiểu học Đà Lạt. Ngày ngày, tôi lại đạp xe đến trường. Xa cha mẹ, xa các em…

Xuân Phượng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoi-truong-cua-hoang-tu-bao-long-va-cac-cong-chua-post1166225.html