Ngôi trường có 16 lớp học mang tên các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa

Ngôi trường đặc biệt này là trường THCS Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Trường có 16 lớp với tên gọi An Bang, Tiền Tiêu, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Gạc Ma…nhắc nhở thế hệ trẻ luôn yêu quê hương, đất nước, yêu biển đảo và lớp lớp cha ông đi trước bảo vệ tổ quốc thiêng liêng.

Những lớp học mang tên đảo

Thầy Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên cho biết: "Ngoài trang bị kiến thức về văn hóa cho các em học sinh thì cần phải giáo dục đạo đức, nhân cách, lý tưởng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, luôn nhắc nhớ về tình yêu quê hương, đất nước, tình hình biển đảo cũng như công lao của thế hệ trước. Chính vì vậy, Trường THCS Kim Liên đã xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền mang tên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và đặt tên 16 lớp học mang tên các đảo nhỏ".

Năm 2016, huy động từ số tiền quyên góp của các thầy cô, học sinh, phụ huynh trong trường và một số đơn vị, cột mốc mang tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được khánh thành, xây dựng trang nghiêm ngay giữa sân trường.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9m trong sân Trường THCS Kim Liên.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9m trong sân Trường THCS Kim Liên.

Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục vận động quyên góp từ giáo viên, cựu học sinh toàn trường, các doanh nghiệp, tổ chức xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên nhà trường. "Các thầy cô trong trường mỗi người đóng góp vài trăm nghìn đồng. Tiếp đến là vận động các em học sinh bớt tiền ăn sáng 5 - 10 nghìn đồng. Thấy việc làm ý nghĩa, phụ huynh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tham gia hưởng ứng" - thầy Linh kể.

Tuy nhiên, khi triển khai ý tưởng, trường cũng gặp một số khó khăn vì thực tế cán bộ quản lý, giáo viên đều chưa được ra Trường Sa mà chỉ mới được nhìn thấy qua sách báo, tivi và các tài liệu. Vì vậy, nhà trường tìm hiểu kỹ thông tin, hình dáng cột mốc Trường Sa sau đó phác thảo theo màu sắc, hoa văn nguyên mẫu cột mốc tại huyện đảo Trường Sa được làm bằng bêtông cốt thép.

Lớp đảo đá Cô Lin

Sau khi huy động được 40 triệu đồng, trường tham khảo ý kiến của các kỹ sư tại địa phương phác họa và xây dựng cột mốc. Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9m; có hình trụ 4 cạnh (mỗi cạnh 70 cm) gắn sao vàng, có hình trống đồng, ghi rõ kinh độ và vĩ độ đã được xây dựng trong khuôn viên trường. "Những thông tin phải hết sức chính xác bởi hằng ngày học sinh sẽ nhìn thấy cột mốc trong sân trường, các em sẽ học, ghi nhớ thông tin về chủ quyền biển đảo Tổ quốc" - thầy Linh nói.

Sau khi xây dựng cột mốc, Ban giám hiệu nhà trường quyết định đặt tên 16 lớp học theo tên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ví dụ như: An Bang, Tiền tiêu, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tốc Tan, Cô Lin, Gạc Ma,Trường Sa Đông, Trường Sa Tây… và sẽ gắn bảng tên các chi đội trên bục giảng của các lớp.

Ghi nhớ cột mốc chủ quyền biển đảo

Từ khi xây dựng cột mốc chủ quyền thì học sinh rất hào hứng. Nhất là việc gốc tích các đảo cũng như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu, ý nghĩa lịch sử... Các em học sinh dần nắm vững kiến thức về các đảo và quần đảo của nước ta.

Ngoài ra, trong các hoạt động, nhà trường lồng ghép các chuyên đề về biển đảo đưa vào chương trình giáo dục thành những tiết học sinh động được các em học sinh nhiệt tình tham gia. Tiếp đó, trường mời cán bộ chiến sỹ ở các quần đảo bớt chút thời gian về giao lưu, nói chuyện với các học sinh. "Khi được nghe nhân chứng ở các đảo kể lại những khó khăn gian lao vất vả cũng như niềm tự hào khi được cầm súng chiến đấu và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc khiến các em học sinh rất hào hứng" – thầy Linh tâm sự.

Cán bộ ở hải đảo về trò chuyện với học sinh của trường

Em Nguyễn Thị Thảo Vân, học sinh lớp Đảo Sinh Tồn cho biết: "Bản thân em và các bạn trong lớp đều có thể giới thiệu với mọi người về vị trí địa lý, các đặc điểm nổi bật của hòn đảo này. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những hòn đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc đối với chúng em cũng trở nên gần gũi hơn, không xa lạ nữa vì ngày nào cũng thấy "cột mốc" giữa sân trường".

"Không chỉ nắm rõ về vị trí địa lý, chúng em cũng rất hào hứng khi có các anh chiến sĩ kể về cuộc sống ở ngoài đảo, những hy sinh cao cả, những trận chiến. Mong sao các anh có sức khỏe, vững tay súng để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc" – em Hà Thị Thanh Liêm, học sinh chi đội Sinh Tồn nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường cho biết, từ khi mô hình chủ quyền biển đảo được xây dựng, các thế hệ học sinh trong trường cảm thấy thích thú và hưởng ứng nhiệt tình. Các em có thể nắm vững kiến thức cơ bản về biển đảo, giúp các em yêu thích môn Lịch sử, hào hứng với những bài giảng trên lớp của các thầy cô.

Nhiều hoạt động giáo dục truyền thống phong phú

Ngoài việc xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa, đặt tên lớp theo tên các hòn đảo, Trường THCS Kim Liên còn có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống. Đó là Triển lãm "Ngày hòa bình" vào dịp 30/4, mời cựu chiến binh đến nói chuyện vào dịp 22/12. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu thân thế sự nghiệp cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu về biển đảo, hay viết thư gửi các chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trường cũng thành lập câu lạc bộ "Em yêu biển đảo" làm nơi để học sinh cùng giao lưu, chia sẻ kiến thức lịch sử dân tộc cũng như biển đảo Việt Nam.

V. Đồng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ngoi-truong-co-16-lop-hoc-mang-ten-cac-dao-o-truong-sa-hoang-sa-20200115112538884.htm