Ngời sáng một tấm gương anh hùng

Trong câu chuyện của Đại tá Hoàng Phục Hưng, 70 tuổi, nguyên Chính ủy Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) kể về trận đánh ngày 11-3-1975 với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, chúng tôi thấy trong ông vẫn vẹn nguyên ký ức hào hùng về một thời đánh giặc.

Cùng với câu chuyện lá cờ cắm trên nóc Sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, ông nhắc nhiều đến liệt sĩ Hồ Đức Bảy, quê ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, người đồng đội mà ông đã từng chia lửa trên chiến hào, giành giật với quân thù từng ụ súng, từng mét chiến hào.

Với chất giọng trầm ấm, Đại tá Hoàng Phục Hưng bồi hồi kể lại: Những ngày đầu tháng 3-1975, sau khi Sư đoàn 316 cùng các đơn vị bạn tiêu diệt địch tại thị xã Buôn Ma Thuột, số tàn quân của ngụy rút chạy về cố thủ tại căn cứ 53 ngụy và khu vực sân bay Hòa Bình nhằm củng cố trận địa và tìm thời cơ tái chiếm Buôn Ma Thuột. Đây là một trong những trận địa công sự vững chắc, kiên cố, nhiều tầng với đủ loại hỏa lực, xe tăng, hầm ngầm… Trong khi đó, địa hình xung quanh căn cứ rất bằng phẳng, rừng cà phê lúp xúp, rất khó cho quá trình triển khai đội hình của quân ta. Tiểu đoàn 9 có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn Đặc công 198 tiến công và chốt giữ sân bay Hòa Bình, khống chế không cho địch sử dụng sân bay để tăng viện ứng cứu Buôn Ma Thuột bằng đường không.

 Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 98 trao bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Hồ Đức Bảy cho thân nhân liệt sĩ.

Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 98 trao bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Hồ Đức Bảy cho thân nhân liệt sĩ.

Đúng 5 giờ ngày 10-3-1975, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Hồ Đức Bảy, Đại đội 9 nhanh chóng đánh chiếm được đỉnh Chư Lom, cách quận lỵ Hòa Bình 300m. 5 giờ ngày 11-3, Đại đội 9 tiếp tục triển khai các mũi tiến công, đồng loạt nổ súng đánh chiếm cứ điểm 53. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra cam go, quyết liệt. Đại đội trưởng Hồ Đức Bảy đã bất chấp hiểm nguy cùng cán bộ các cấp đến từng hướng, từng mũi động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội. Trận đánh ngày càng khó khăn, ta vẫn chưa thể đánh dứt điểm được cứ điểm do địch có hầm ngầm, hỏa lực nhiều tầng và quân số quá đông. Sau khi nhận được lệnh của cấp trên, Đại đội trưởng Hồ Đức Bảy tình nguyện ở lại trận địa, trực tiếp chỉ huy chiến đấu và chi viện, yểm trợ cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị rút về phía sau củng cố lực lượng. Địch điên cuồng phản kích, Đại đội trưởng Hồ Đức Bảy và các chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, từng bước đẩy lùi các đợt phản công của địch, trực tiếp góp phần tiêu diệt căn cứ 53 của ngụy. Bám trụ trận địa tới hơi thở cuối cùng, tạo điều kiện cho đơn vị kịp xốc lại đội hình và tiến công địch, nhưng Đại đội trưởng Hồ Đức Bảy cùng 80 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, để lại niềm cảm phục và tiếc thương khôn nguôi cho đồng đội.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Hồ Đức Bảy.

Mới đây, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức trọng thể lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Hồ Đức Bảy. Trong không khí ấm áp tình đồng chí, đồng đội, anh Hồ Đức Trung, con trai liệt sĩ Hồ Đức Bảy, rất xúc động khi cầm trên tay quyết định của Chủ tịch nước. Anh Trung bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị dành cho gia đình mình; đồng thời mong muốn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh.

Bài và ảnh: NGUYỄN NGỌC NGÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ngoi-sang-mot-tam-guong-anh-hung-544756