'Ngôi nhà trong thành phố' ấm áp tình người

Một vở diễn cách đây gần 30 năm được dựng lại trên sân khấu Thủ đô vẫn thu hút khán giả, kể cả người trẻ, là một thành công. Đạo diễn - NSND Lê Hùng đã làm được điều đó với vở kịch nói 'Ngôi nhà trong thành phố' của cố nhà viết kịch tài hoa Xuân Trình - một tác giả lớn của nền sân khấu Việt Nam.

Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: V.V

Vở diễn ra mắt công chúng tối 1.10 tại rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền (Hà Nội) sẽ là tác phẩm tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 3, 2018.

Những con người của một thời như thế

Những con người của Hà Nội một thời máu và hoa, thời chiến tranh chống Mỹ với thời điểm Mỹ leo thang cho máy bay ném bom phá hoại miền Bắc. Chuyện kịch mở ra với bữa cơm tiễn Phước, cậu con trai thứ hai lên đường nhập ngũ của bà giáo cùng Thông - bạn thân của Phước, một kỹ sư xây dựng đến chơi và bị tiếng sét ái tình với Nhâm - cô gái nhà bên khỏe mạnh, tháo vát vốn đã yêu đơn phương Phước từ lâu. Trong khi Phước lại yêu Thúy Hà - cô sinh viên trường nhạc xinh đẹp, điệu đà…

Và câu chuyện tưởng như sa vào cái kết được báo trước, nhất là khi có Cảnh, một gã trai lơ miệng lưỡi dẻo quẹo nhưng đam mê và có hiểu biết về âm nhạc lao vào tán tỉnh Hà… Hay bà giáo mẹ Phước tiếc Nhâm nhưng cũng muốn gán cho Thông. Nhưng rồi mọi chuyện khác xa với dự tính của nhiều khán giả. Thúy Hà không sa vào lưới tình của Cảnh mà tham gia đoàn văn công ra tuyến lửa phục vụ bộ đội. Còn Nhâm dù yêu Phước nhưng vẫn tôn trọng Hà, còn giúp cô mua vé đi xe kịp ra tuyến lửa. Và Cảnh cũng nhận ra…

Những nhân vật trong vở kịch thật đáng yêu dù nhiều khi họ sai lầm, có lúc đáng ghét kể cái ông tổ trưởng dân phố cứng nhắc, long trọng hóa nhưng tốt bụng và luôn muốn bảo vệ tình yêu cho người lính.

Với NSND Lê Hùng - đạo diễn gạo cội của nền sân khấu Việt Nam thì “Ngôi nhà trong thành phố” không phô diễn những thủ pháp, ngón nghề quá đặc biệt nhưng anh đã dựng một vở diễn hay, hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối, xây dựng nhân vật nào ra nhân vật nấy, với những đại cảnh sống động, nhiều màu sắc và một số cảnh huống không kém phần u mua, hài hước.

Họa sĩ Nguyễn Văn Trực thiết kế sân khấu đẹp, cầu kỳ nhưng không rối mắt và rất có ý tứ như bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân treo trong nhà bà giáo như để nhấn chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội. Việc sử dụng background sân khấu nhiều cảnh là những thước phim đen trắng tài liệu (yếu tố điện ảnh) trên nền bài hát “Người Hà Nội” để kết hợp với diễn xuất của diễn viên tạo nên không khí của một thời đạn bom.

Với những người trẻ chưa qua chiến tranh thì vở diễn cho những khám phá thú vị về cảnh tiễn con em lên đường ra trận, cảnh chạy xuống hầm trú ẩn tránh bom hay cảnh xếp hàng mua vé đi ôtô thời chiến… với sức biểu cảm mạnh mẽ của ngôn ngữ sân khấu mang tính ước lệ và tượng trưng.

Các diễn viên như NSƯT Thu Hà, Phú Thăng, Thiện Tùng, Thanh Hường, Ngọc Quỳnh, Diễm Hương… đã tung hứng khá nhịp nhàng trong vở diễn.

Tính chính luận gai góc và khả năng dự báo trong kịch Xuân Trình

Nhà viết kịch Xuân Trình sinh năm 1936, mất năm 1991 - từng làm Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu - được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

Xuân Trình là một nhà viết kịch nổi tiếng của sân khấu Việt Nam với nhiều vở kịch chính luận vừa mang tính thời sự nóng hổi vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc. Hơn thế, ông còn có tài dự báo thời cuộc. Kịch của ông thường đi thẳng vào các vấn đề xã hội với một thái độ quyết liệt, dũng cảm không khoan nhượng với cái bảo thủ, lạc hậu, cái xấu cần loại bỏ. Chính sự gai góc đó đã khiến cho kịch của ông thường không suôn sẻ, nhiều khi bị duyệt đi duyệt lại mới qua được và thậm chí, có khi được dựng mà không được diễn…

Ông được coi là một trong những nhà viết kịch đầu tiên ở Việt Nam nhìn thẳng vào sự thực đời sống và đề cập tới quyền dân chủ của con người, phê phán hiện tượng lộng hành, mất dân chủ, tham ô của một phó chủ tịch xã trong kịch bản “Bạch đàn liễu” (năm 1973). Trong vở kịch có ý tương lai của con người trong tay mỗi cá nhân và nếu mỗi cá nhân không tự đứng ra đấu tranh cho quyền ngẩng cao đầu của mình, thì sẽ không ai làm giúp. Sau này, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: Cần phải biết tự cứu mình trước khi trời cứu.

Xuân Trình cũng có nhiều kịch bản hay, nóng hổi khác mà công chúng và nhiều người trong giới còn nhắc tới như “Mùa hè ở biển” với nhân vật Đoàn Xoa “bất hủ”…

Việt Văn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ngoi-nha-trong-thanh-pho-am-ap-tinh-nguoi-634569.ldo