Ngôi nhà thiện nguyện

'Có áo mới đấy, nhận lấy một cái về cho chồng nó mặc tết đi'. 'Không, mình lấy cái váy cho mình thôi, còn chồng nó thích gì thì ra mà lấy'. 'Về nói chồng ra sớm nhé, 4 giờ mình đóng cửa hàng đấy'. 'Ừ, mình về nói nó chạy ra ngay. Mình muốn lấy thêm thùng mì tôm về cho con nó ăn có được không?'. 'Được mà, mỗi người đến cửa hàng được lấy 2 món hàng không phải trả tiền, thích gì cứ lấy đi'…

Ai cần đến lấy

Vào các ngày từ thứ sáu đến chủ nhật hàng tuần, người dân các thôn bản của xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) rủ nhau đến “Ngôi nhà thiện nguyện” ngay đầu bản Huồi Tráng 1 để chọn những món hàng thiết yếu. “Ngôi nhà thiện nguyện” này là do cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Lý (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) lập nên từ mô hình “Cắm bản giúp dân vượt khó” nơi vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Trở lại Mỹ Lý, Huồi Bắc, Cổng Trời trên đỉnh dãy núi Trường Sơn lần này, chúng tôi được Thiếu tá Hoàng Thế Tài, Chính trị viên Đồn biên phòng Mỹ Lý, đưa đi tham quan các bản Nhột Lợt, Sốt Tụ, Huồi Tráng 1 của đồng bào Thái và Khơ Mú. Xã Mỹ Lý có hơn 4.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Khơ Mú, Thái sinh sống tại 19 bản dọc tuyến biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng của Lào. Thấy người dân ở xã Mỹ Lý có đến hơn 90% thuộc diện nghèo, cận nghèo, sống chủ yếu bằng nương rẫy, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Mỹ Lý thực hiện “Ngôi nhà thiện nguyện” theo hình thức “Ai cần đến lấy - Ai có sẻ chia”.

Bà con đến chọn hàng tại “Ngôi nhà thiện nguyện” (Ảnh chụp tháng 1-2021)

Bà con đến chọn hàng tại “Ngôi nhà thiện nguyện” (Ảnh chụp tháng 1-2021)

Đầu tiên là xây dựng căn nhà theo thiết kế như một cửa hàng bách hóa tổng hợp, trưng bày, cất giữ được nhiều hàng hóa thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đến vật tư, phân bón phục vụ đời sống, sản xuất cho bà con. Chi đoàn thanh niên Đồn biên phòng Mỹ Lý được giao chủ đạo thực hiện công trình với phương thức vận động nguồn lực trong cán bộ, chiến sĩ đơn vị bằng việc trích ngày lương hàng tháng; tận dụng gỗ, cây rừng, mua lại vật liệu xây dựng trong dân cũng như kêu gọi thanh niên các đơn vị trong xã, thợ xây dựng tại các thôn bản. Sau hơn 2 tháng, ngôi nhà gỗ 3 gian rộng khoảng 100m2 và khoảng sân rộng hoàn thành, gắn bảng công trình “Ngôi nhà thiện nguyện”.

Ngày khai trương “Ngôi nhà thiện nguyện” trên các tủ kệ trưng bày chỉ có chưa đến 10 mặt hàng, chủ yếu là mì tôm, gạo, trứng gà và các loại quần áo cũ được cán bộ, chiến sĩ trong đồn đi xin các đoàn từ thiện rồi về giặt sạch, ủi phẳng treo lên gian hàng để bà con tới chọn mang về. Do hàng hóa còn ít nên thời gian đầu “Ngôi nhà thiện nguyện” chỉ mở cửa mỗi tuần 1 lần vào chiều thứ bảy và mỗi người chỉ được chọn nhận một món đồ thật cần thiết.

Từ quy ước mà “Ngôi nhà thiện nguyện” đưa ra là “Ai cần đến lấy”, dù hàng hóa còn ít nhưng được người dân chia sẻ, nhường cho người thật sự cần nhận trước. Để có thêm nguồn hàng đáp ứng cho bà con, anh em trong đồn phân công nhau đi vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và trong tỉnh Nghệ An hỗ trợ theo cách thức “Ai có sẻ chia”. Nhờ vậy, hàng hóa tại “Ngôi nhà thiện nguyện” ngày càng phong phú với số lượng và chủng loại ngày một tăng lên.

Ai có sẻ chia

Bí thư Đoàn Đồn biên phòng Mỹ Lý, Thiếu tá Nguyễn Xuân Sơn thường xuyên túc trực, điều phối hoạt động tại “Ngôi nhà thiện nguyện” nhận xét, công trình này mang nhiều ý nghĩa, là nơi lan tỏa tinh thần sẻ chia, nhân ái. Anh nói: “Những đôi dép nhựa này là của một cô giáo dưới thị trấn Mường Xén gửi lên. Còn gạo, mì của anh em trong đồn góp vào. Hàng nông sản bày góc ngoài kia của bà con các bản ở gần đây mang đến. Đủ cả, nhiều nhất là quần áo, tập sách, dụng cụ học sinh”.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Sơn, một nguồn lực rất quan trọng để duy trì hoạt động thường xuyên của “Ngôi nhà thiện nguyện” là từ cán bộ, chiến sĩ ở đồn. Từ đồn trưởng, chính trị viên đến cán bộ, chiến sĩ tại các chốt trạm, đơn vị không chỉ góp từ ngày lương, công sức mà còn mang đến chia sẻ từng bó rau, bao gạo, tấm áo mới, thùng mì tôm để chủng loại hàng hóa thêm phong phú và đáp ứng nhu cầu ngày một cao của đồng bào các dân tộc tại thôn bản.

Những việc làm ý nghĩa này đã lan tỏa, thu hút được nhiều tấm lòng, sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khắp nơi. Trong đó có chị Chu Thị Đức, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Đức ở TP Vinh, hỗ trợ nhiều loại hàng hóa và kinh phí mở rộng hoạt động của “Ngôi nhà thiện nguyện”, góp phần cải thiện đời sống, sinh hoạt của bà con các dân tộc trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn này.

Một ý nghĩa khác từ mô hình, đó là “Ngôi nhà thiện nguyện” không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ người dân cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn mùa giáp hạt mà còn là nơi để cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tiếp cận người dân, nắm bắt tình hình và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chủ quyền biên giới quốc gia.

“Tới đây, chúng tôi sẽ cho in ấn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về nhiều lĩnh vực phát cho đồng bào. Một hoạt động khác đang được Ban chỉ huy đồn tính đến là tổ chức các chương trình khuyến nông, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển ngành nghề mới và giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh… Tất cả hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã”, Thiếu tá Hoàng Thế Tài chia sẻ.

Mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện” là việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Lý thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hiện Đồn biên phòng Mỹ Lý còn nhận nuôi ăn học 2 em là người dân tộc thiểu số ở bản Nhột Lợt, Sốt Tụ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, đồn cũng nhận chăm sóc, hỗ trợ việc học cho 7 học sinh khó khăn trong xã.

Thiếu tá HOÀNG THẾ TÀI, Chính trị viên Đồn biên phòng Mỹ Lý

HOÀI NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngoi-nha-thien-nguyen-715492.html