Ngôi nhà nhỏ có tiếng họa mi

Chiếc tàu gỗ nâu trầm

Người ta bảo họa mi rất hay hót và là loài chim có giọng hót thanh tân nhất. Tôi vẫn thường hay nghe chú chim họa mi nhà ông tôi cất tiếng hót trong veo bất kể thời gian, cứ khi thấy ai đó đi ngang qua là nó lại rướn cả người dạo lên một khúc nhạc ví von như người ta đang đánh một bản dương cầm không rõ nốt. Ông tôi bảo: “Nó muốn người ta nhớ đến mình”. Ông tôi không phải người có thú chơi chim vì ông chỉ có mỗi con họa mi trong nhà, nhưng khi người ta nói đến ông người ta luôn thấy được tình thương cho chú mi già ấy nhiều đến nhường nào…

Minh họa: MINH SƠN

Minh họa: MINH SƠN

Bà tôi mất ngót gần tám năm về trước, tôi nghe bảo xưa ông thích nuôi chim lắm nhưng bà bị dị ứng với lông chim nên ông không nuôi. Nhưng khi bà mất không hiểu sao chú mi này lại tới ăn thóc ở sân nhà ngay ngày hôm sau, lại không sợ người cũng không dạt đi, thế là ông đi làm một chiếc lồng mở rồi cứ thế nuôi. Ông không nhốt nó, nó có thể bay đi bất cứ lúc nào, nhưng chú mi ấy lại ở bên cạnh ông suốt tám năm qua, không ngừng gảy lên trong tim ông những tiếng véo von. Cứ thế, ông vẫn hay nói với tôi ông nghĩ chú mi ấy là bà, sau khi qua đời đã quay về ở cạnh ông an ủi ông lúc về già.

- Bà đã vì ông hy sinh cả thanh xuân… Vừa vuốt nhẹ vào má chú chim nhỏ ông lại kể cho tôi về những năm tháng chiến tranh. Khi ông là một anh lính chiến còn bà là một giáo viên. Hai người phải lòng nhau và hứa hẹn sẽ cưới nhau khi đất nước hòa bình. Hai người chỉ trao nhau một lời hẹn, không ngờ được lời hẹn ấy kéo dài ngót hai mươi năm trời, cũng không ngờ được khói lửa chiến tranh chẳng vùi lấp nổi một lời nói mong manh mà cả người trong cuộc cũng không nhớ nổi rõ lời. Khi ông quay lại ngôi làng khi xưa đã từng kinh qua lúc hành quân, nơi ông trao lời hẹn cho một cô gái nhỏ ông cũng không ngờ được người phụ nữ trước mặt ông đã trải qua nửa đời người vẫn là một cô giáo, ngót nghét bốn mươi.

- Khi ấy ông và bà vẫn như lứa tuổi đôi mươi, cũng ngại ngùng vì thời gian xa nhau nhiều gấp bao nhiêu lần ở cạnh. Mà bà khi ấy cũng “chảnh” lắm nhé, nhất quyết không chịu nói suốt từng ấy năm vẫn đợi ông nên không lấy chồng.

Mỗi khi ông kể chuyện đó, chú mi già phủ trên mình một lớp lông nâu tuyền lại rướn người nảy mình hưởng ứng. Viền trắng xung quanh mắt khẽ rung rung cứ như đang hưởng ứng với câu chuyện của ông. Ông kể rằng cuộc đời hai người là những chuỗi ngày biến cố, phải muộn lắm bà mới có thai rồi sinh ra mẹ tôi, vì tuổi đã lớn nên tưởng chừng khi mẹ tôi ra đời bà không qua khỏi… Nhưng ông lại là độc đinh trong nhà, các cụ lại bắt ông lấy vợ khác để sinh cháu đích tôn, không muốn ông vướng bận vì hai mẹ con, lại biết ông sẽ vì yêu bà mà gạt bỏ tất cả nên bà đã ôm con ra đi… Ngày ông tìm thấy bà không khỏi đau lòng, mẹ tôi nhận ra ông vì bức hình bà khi bỏ đi đã luôn mang theo trong túi nhưng cũng đã hai năm tròn, vì phần lớn quãng đời của mình bà sống ở quê để đợi ông nên khi ra đi tới một nơi khác đã phải rất chật vật kiếm sống, ông đã hết lời khuyên can và chứng minh nhiều thứ, lại thấm thía nỗi vất vả khi một mình nuôi con của bà để ông hoàn thành hiếu tử.

- Nó ở cạnh ông tám năm rồi như bà luôn ở cạnh ông lúc sinh thời, nó dường như biết khi nào ông buồn để an ủi. Ngày bà còn sống vì khi ấy ông bà còn nghèo nên hai người làm đủ nghề để kiếm sống. Ông thường đi biển nhưng rồi mùa biển động năng về hơn, cá dạt xa bờ đánh bắt không được ông lại đi làm thợ xây, thậm chí lái xe ôm, xe ba gác. Rồi có những tháng trong năm khi trở trời, ông lại vì vết thương chiến tranh mà đau nhức, bà khi bận rộn với công việc giảng dạy, tối lại nhận chạy thêm đủ việc vặt trang trải bữa ăn trong gia đình. Nhiều đêm, khi nhìn người vợ cặm cụi lau tay chân khi ông lên cơn đau đến đơ người, ông bật khóc, bà chỉ trách nhẹ ông:

- Thương ông thì tui mới làm, ông không chịu thì ông không xem tình cảm của tui ra gì hết!

Cứ thế bà lại lo cho ông từng chút một, hết quán xuyên việc trong nhà đến đi làm ngoài xã hội, phải đến khi mẹ tôi đi lấy chồng, rồi hai ông bà về hưu bà mới tưởng như được chút thơi thả ngơi tay thì không nhận ra mình đã bước qua tuổi thất thập. Ông hay hỏi bà có hối hận khi ở bên ông không, bà chỉ cười:

- Thời gian trước đợi ông là hạnh phúc của tui, khi về sống với nhau, thương ông là tất cả của tui. Nếu mất đi cái sự thương đó, tui cũng không biết lẽ sống của mình là gì nữa.

Ông cười rung bần bật vì “cái sự sến” của bà làm đôi gò má nhăn nheo cố ép hai giọt nước mắt rơi ra, tôi chợt thấy dường như những hồi ức bên bà đan xen vào trái tim ông những nỗi niềm không rõ. Bà luôn muốn ông hiểu bà hạnh phúc khi ở cạnh ông, nhưng bà không biết khi bà mất, hạnh phúc của ông cũng đã đi theo bà mất rồi.

Những năm tháng hưu, nhờ chắt bóp hai người mua được ngôi nhà nhỏ, con cái an phận với gia đình riêng nên ông bà bắt đầu muộn cuộc sống hạnh phúc của mình. Tưởng bà được thơi thả thì ông lại tai biến rồi không đi lại được nữa, phải ngồi xe lăn. Cứ mỗi sáng bà lại đẩy xe lăn cùng ông đi tập vật lí trị liệu để phục hồi chức năng, bà cứ nói huyên thuyên đủ chuyện để ông vui, về nhà lại lo đủ việc nhà nhưng mỗi khi bà nhìn về phía ông để trông ông thì bà luôn mỉm cười.

Ngôi nhà của ông luôn có tiếng chim véo von dù những năm tháng sau này chú mi già ấy bắt đầu bị thời gian đánh cắp đi tiếng hót. Những âm thanh của nó sau này không còn trong trẻo như trước kia, nhưng mỗi khi thấy nó ông đều vui. Ít năm sau ông tôi qua đời, cả nhà tôi bàn chuyện đem chú mi già về nuôi như những năm tháng ông yêu thương chăm bẵm, nhưng khi lo xong mọi thứ quay lại đã thấy chiếc lồng trống không. Chiếc lồng mở vốn không có cửa, chú chim ấy đã bay đi rồi. Riêng tôi, tôi có cảm giác ngày ông đi chú mi già ấy cũng ra đi, bay về nơi có ông…

H.T

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202103/truyen-ngan-cua-huyen-tran-ngoi-nha-nho-co-tieng-hoa-mi-921471/