Ngôi nhà mang tên 'Thánh Tâm': Nơi tình người như ruột thịt

Nhận cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị thiểu năng trí tuệ, hơn 10 năm nay, có một địa chỉ tại xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã trở thành mái ấm thứ hai của rất nhiều số phận. Họ chẳng phải người thân, chẳng phải ruột thịt, nhưng gắn bó với nhau bởi chữ 'tình', bởi lòng nhân ái.

Tôi đến Xuy Xá, Mỹ Đức vào một ngày trời rét, trái với vẻ đẹp trầm mặc của một miền ngoại thành với không gian yên ắng, phủ sương là một bầu không khí náo nhiệt, rộn rã. Hàng chục đứa trẻ nhảy múa, hát, rồi cả la hét, tưởng chừng như ở đó đang có một sự kiện gì rất đặc biệt, nhưng không, vốn dĩ đây là không khí thường ngày, ai cũng đã rất quen thuộc. Nếu không hỏi trước, có lẽ tôi cũng sẽ rất bất ngờ.

Ở đây, các em lớn có, nhỏ có đang vây quanh chiếc đu quay, quay tròn ở một góc sân, tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Có em không thể đi lại được, ngồi trên xe lăn giơ đôi tay co quắp lên cổ vũ, có em lại không thể giữ được cái đầu đang ngoẹo qua một bên nhưng nở nụ cười rất tươi…

Không chỉ có các cháu nhỏ, ở đây còn có những cụ già không nơi nương tựa.

Nơi đây, chính là cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt, không có người thân chăm sóc có tên “Thánh Tâm”, hay còn gọi là mái ấm Thánh Tâm. Trước đây nằm trong khuôn viên Nhà thờ xã Xuy Xá, mái ấm được thành lập từ năm 2008, bởi các linh mục và các nữ tu (các sơ) đang hoạt động sứ vụ tại địa phương. Lúc đó, Cha Giuse Nguyễn Minh Hoàng là người đầu tiên xây dựng nên cơ sở này, đã phải mượn căn nhà cấp bốn khoảng 40m2 để có thể tiếp nhận và nuôi dưỡng, giúp đỡ một số em nhỏ bị khuyết tật, bị bỏ rơi tại địa phương. Sau này, Mái ấm có thêm khuôn viên rộng hơn, cách nhà thờ chỉ vài trăm mét, ở đây ngoài dãy phòng ngủ còn có cả đu quay, sân chơi cho các bé, cùng với khu nhà bếp và vườn trồng rau…

Trò chuyện với chúng tôi, sơ Nguyễn Thị Ngát cho biết mình là một trong những người gắn bó lâu nhất với mái ấm Thánh Tâm. Những trường hợp được tiếp nhận tại ngôi nhà chung này đều được các sơ nhớ như in từng hoàn cảnh, quê quán. Có thể kể đến như em Lương Xuân Lộc bị u úng thủy bẩm sinh, đầu em phát triển to bất thường, không biết nói, không đi lại được, đặt đâu ngồi đó. Vì gia đình em quá khó khăn nên em đã phải ngồi một chỗ không biết kêu ai. Đến với mái nhà Thánh Tâm, em đã được chăm sóc, nỗ lực điều trị bằng nhiều hình thức, sau 4 năm thì đi lại được, biết nói và có thể theo học tại trường mầm non.

Hay như em Nguyễn Thu Hương sinh non chỉ nặng 1,2kg, ngay sau đó thì mẹ qua đời, em phải nằm trong lồng kính 45 ngày tại BV Nhi Trung ương; xuất viện em được chuyển thẳng về Mái ấm Thánh Tâm, được các sơ chăm sóc tận tình, khỏe mạnh, phát triển tốt.

Các cháu bị thiểu năng được các sơ chăm sóc

Cách đây mấy năm, em Vũ Thị Thiên (12 tuổi), quê ở xã Xuy Xá được mẹ gửi đến mái ấm. Bố Thiên không có việc làm ổn định, có giai đoạn cả ngày chỉ biết đến rượu chè, rồi khi không làm chủ được bản thân thì quay sang mắng chửi, đánh đập hai mẹ con Thiên. Người mẹ uất ức không chịu được cuộc sống không khác chốn ngục tù, gạt nước mắt gửi con gái vào mái ấm Thánh Tâm và bỏ lên Hà Nội đi làm thuê.

Biết được câu chuyện, các sơ tại mái ấm Thánh Tâm vừa cưu mang, vừa tìm đến với chính quyền địa phương, với gia đình Thiên để cùng vận động, khuyên nhủ người bố. Tấm chân tình rốt cuộc cũng đã cảm hóa được lòng người. Bố Thiên nay đã thay đổi tâm tính. Mẹ Thiên cũng trở lại quê hương, đón em về nhà sinh sống. Gia đình em giờ đã đoàn tụ, sống vui vẻ, êm ấm bên nhau, dẫu cho chặng đường phía trước vẫn còn những khó khăn, trắc trở.

Trải qua muôn vàn khó khăn, nhờ sự đồng hành và quyết tâm của mọi thành viên, đến nay mái ấm là nơi nuôi dưỡng hơn 30 trẻ em mồ côi, trong đó hầu hết là bị bại não, đao hoặc động kinh nhẹ. Ngoài ra, nơi đây còn chăm sóc 3 cụ già không nơi nương tựa. Mặc dù khó khăn cũng đã qua đi, song những vất vả thì vẫn còn đang hiện hữu. Các sơ ở đây thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, thậm chí là bất cứ lúc nào có trẻ đập phá. Nói đoạn, sơ Ngát chỉ vào cánh cửa có khuyết bằng sắt để cài khóa đã bị gãy một bên: “Đấy, nhiều cháu ở đây thỉnh thoảng vẫn lên cơn động kinh, có hôm mọi người đang ngủ thì cứ thức dậy la hét rồi thúc mạnh người vào cánh cửa, cái khuyết cửa bằng sắt kia sau nhiều lần như thế cũng đã gãy, giờ không còn móc khóa vào được nữa”.

Nhắc về quá khứ, các sơ nơi đây ai cũng nghẹn giọng, đôi mắt ngân ngấn. Không ít trường hợp bố mẹ vì xích mích mà ruồng rẫy con cái đã được chính các sơ ở đây cảm hóa, thuyết phục bằng chính tấm lòng nhân hậu, rộng lượng của mình.

“Vẫn biết chăm sóc trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ khuyết tật không hề đơn giản, nhưng các sơ đều tình nguyện gắn bó cả cuộc đời mình, dành hết tâm huyết để lo cho các cháu ở đây từng bữa ăn, giấc ngủ. Thậm chí có những cháu thường xuyên lên cơn động kinh, hoặc lên cơn hoảng loạn, đập phá đồ đạc, các sơ vẫn luôn bình tâm xử trí, không bao giờ lớn tiếng nặng lời hoặc đòn roi gây thương tích. Không chỉ lo cho các em cơm ăn, áo ấm, các sơ còn luôn bảo ban, chỉ dạy các em điều cách cư xử, tình yêu thương, một số em lớn còn được các sơ gửi đi học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương…”, sơ Ngát chia sẻ.

Đến nay, rất nhiều em nhỏ sau khi trưởng thành đã tự tin hòa nhập cuộc sống mới... Điều đáng mừng đối với các sơ là các cháu đều chăm ngoan, chịu khó học hành, ngoài giờ học ở trường, các cháu còn biết phụ giúp các sơ chăm sóc, chơi với các em nhỏ hơn. Có em còn thi đỗ và đang học tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, còn lại thì đều học xong và đã được giới thiệu đi học nghề hoặc lập gia đình.“Ngoài những kiến thức được học ở trường, ở lớp, các cháu còn biết cách cư xử, biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh mình, các sơ không mong gì hơn nữa”, sơ Ngát bộc bạch.

Câu chuyện chưa dừng lại thì có tiếng la hét từ bên trong dãy phòng ngủ, sơ Ngát chưa kịp ăn cơm trưa, sơ vừa đứng dậy bước đi, vừa nói “thường thì trưa nào cho chúng nó ăn cơm xong sơ cũng phải ủ cho chúng ngủ say rồi mình mới ăn, hôm nay không được sơ ủ cho ngủ nên chúng nó kêu la đấy”.

Nhân dịp năm mới, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Dung đã đến thăm và động viên các hoàn cảnh đặc biệt đang sinh sống tại mái ấm Thánh Tâm; đồng thời bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà các sơ và những người nuôi dưỡng tại đây đã phải trải qua trong thời gian dài. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bản thân vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn tấm lòng thơm thảo của những con người đã dành trọn cuộc đời của mình để cưu mang những đứa trẻ thiệt thòi trong cuộc sống, không những thế còn dành trọn đạo làm con của mình để chăm lo cho những cụ già, những người không còn nơi nương tựa khi tuổi đã về chiều.

Với ý thức sống tốt đời, đẹp đạo, các sơ tại mái ấm Thánh Tâm đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một cộng đồng biết chia sẻ, luôn rộng lòng yêu thương. “Bằng những việc làm thiết thực như vậy, cuộc sống của chúng ta đang dần trở nên tốt đẹp hơn nhiều, xóa nhòa đi khoảng cách giữa những người tưởng chừng như xa lạ nhưng vô cùng gắn bó. Và đó cũng là tấm gương để nhiều người trong xã hội học hỏi, noi theo, không còn sống vô tình, rũ bỏ tình thân...”, bà Dung chia sẻ.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ngoi-nha-mang-ten-thanh-tam-noi-tinh-nguoi-nhu-ruot-thit-85923.html