Ngôi nhà chung của những người cao tuổi

Viện dưỡng lão là một khái niệm còn tương đối mới mẻ với người Việt Nam nói chung, người Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Mô hình này đã xuất hiện ở TP. Vũng Tàu, không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi cho nhiều gia đình mà còn góp phần làm thay đổi quan điểm về chữ hiếu thời nay.

Điều dưỡng Trần Thị Dừng chơi cờ Domino cùng các cụ Trần Minh, Nguyễn Chí Hòa và Đoàn Thị Nhâm.

Điều dưỡng Trần Thị Dừng chơi cờ Domino cùng các cụ Trần Minh, Nguyễn Chí Hòa và Đoàn Thị Nhâm.

CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI CHUYÊN NGHIỆP

Sau 20 năm hoạt động ổn định tại Hà Nội, từ tháng 12/2019, Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Bách niên Thiên Đức đã chính thức có mặt tại Vũng Tàu. Cơ sở này là một ngôi nhà 3 tầng khá khang trang, rộng rãi, nằm ngay góc đường Mạc Đĩnh Chi-Hùng Vương (Phường 4, TP. Vũng Tàu). Nơi đây đang nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 9 người cao tuổi (NCT). Đây hầu hết là những người lớn tuổi, con cháu không có đầy đủ điều kiện về thời gian và kỹ năng chăm sóc chuyên nghiệp nên gửi các cụ đến trung tâm.

Hôm chúng tôi đến thăm, ở tầng 1, điều dưỡng Trần Thị Dừng đang chơi cờ Domino cùng các cụ Trần Minh (78 tuổi), Nguyễn Chí Hòa (75 tuổi) và Đoàn Thị Nhâm (80). Thấy cụ Hòa đi được nước cờ hay, dồn đối phương vào thế “bí”, chị Dừng vỗ tay cổ vũ: “Ông đi nước cờ hay quá”, rồi quay qua động viên cụ Minh: “Ông cố lên nào”. Chị Dừng cho hay, NCT dễ mắc chứng sa sút trí nhớ do tuổi già. Những trò chơi như vậy sẽ giúp các cụ vận động trí não, qua đó ngăn chặn sự giảm sút trí nhớ và vận động chân tay, rèn luyện sức khỏe. Ở tầng 2, chị Nguyễn Thị Yên (nhân viên chăm sóc) cùng chơi trò chuyền bóng với cụ Lương Thị Luân (75 tuổi) và cụ Đỗ Thành Long (81) tuổi. “Với người khỏe mạnh bình thường, việc ném trái bóng vào rổ thật đơn giản, nhưng với những người bị tai biến, từng cử động nhẹ cũng là sự nỗ lực rất lớn. Trò chơi này giúp các cụ phục hồi cơ chân, tay rất tốt”, chị Yên lý giải.

Bà Nguyễn Kim Huệ, Điều dưỡng trưởng Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Bách niên Thiên Đức Vũng Tàu cho biết, lịch trình sinh hoạt của các cụ tại trung tâm được sắp xếp khoa học. Hàng ngày, các cụ được đánh thức vào lúc 5 giờ sáng. Sau khi tập thể dục, các cụ cùng đọc báo hoặc nghe diều dưỡng đọc báo rồi ăn sáng. Nghỉ ngơi một lát, các cụ được điều dưỡng hướng dẫn tập luyện các bài phục hồi chức năng, tùy theo tình hình bệnh lý và sức khỏe của mỗi cụ. Các trò chơi: cờ, tô tượng, hát karaoke, ném bóng… có tác dụng hỗ trợ các cụ chống suy giảm trí nhớ, vận động chân tay. “Người già mỗi người mỗi tính, đòi hỏi điều dưỡng luôn phải có thái độ nhã nhặn, coi các cụ như chính người thân của mình và chăm sóc các cụ bằng tình yêu thương chân thành như của con cháu với ông bà, cha mẹ”, bà Kim Huệ chia sẻ.

THAY ĐỔI QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU

Cụ Bùi Thị Minh, 85 tuổi, ngụ đường Ngô Đức Kế, TP. Vũng Tàu. Năm 2008, một lần ra Hà Nội chơi, cụ được bạn bè giới thiệu về Trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT Bách niên Thiên Đức nên đã đến tìm hiểu. Đến nơi, cụ bị thuyết phục ngay bởi tính chuyên nghiệp trong chăm sóc NCT và nghĩ rằng đây chính là ngôi nhà an hưởng tuổi già của mình. Vậy là cụ quyết định rời Vũng Tàu ra Hà Nội ở tại trung tâm này. Khi trung tâm mở cơ sở tại Vũng Tàu, cụ lại về theo để được gần nhà, nơi đã gắn bó với quá nửa đời mình. Giải thích về lựa chọn của mình, cụ Minh cho biết, cụ có 8 người con nhưng cụ không muốn phiền đến sự chăm sóc của con cháu, bởi họ cũng bận rộn với công việc riêng của mình. «Các con còn bận đi làm, lại phải lo chăm sóc con cái. Vì vậy, tôi quyết định vào trung tâm dưỡng lão ở cho thoải mái, con cái cũng đỡ phải lo nghĩ. Ở đây, tôi được giao lưu, trò chuyện với bạn bè cùng tuổi, cùng suy nghĩ nên rất vui. Các cháu điều dưỡng cũng chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Đây là giải pháp tốt nhất cho mình và các con”, cụ Minh khẳng định.

Căn phòng của cụ Minh tại trung tâm này được bài trí chẳng khác gì căn nhà của cụ, cũng đầy đủ tiện nghi, với máy lạnh, tủ lạnh, ti vi, bàn uống nước... Trên tường, cụ treo mấy bức ảnh chân dung mình trong trang phục áo dài và bộ quân phục gắn nhiều huân, huy chương - những kỷ vật gắn bó với thời tuổi trẻ, khi cụ còn phục vụ trong quân ngũ.

Chị Nguyễn Bùi Thanh Trúc (ngụ đường Phạm Hồng Thái, TP. Vũng Tàu) chia sẻ, sau khi tìm hiểu, các anh chị em trong gia đình chị đã đi đến thống nhất: gửi ba chị (75 tuổi) vào trung tâm từ cuối năm 2019. Lý do, ba chị đã lớn tuổi, đi lại khó khăn, trong khi các anh chị em đều bận làm ăn, không có điều kiện chăm sóc đầy đủ. Mọi người không yên tâm khi để ông ở nhà một mình vì sợ lỡ té ngã. “Ban đầu, anh chị em tôi cũng băn khoăn, sợ mang tiếng là bất hiếu. Tuy nhiên sau khi phân tích, chúng tôi thấy rằng gửi ba vào trung tâm để ba được chăm sóc chu đáo còn tốt hơn là để ba ở nhà một mình. Hiện nay, sức khỏe ba tôi đã cải thiện hơn hồi mới vào trung tâm khiến gia đình rất mừng. Thỉnh thoảng, chúng tôi đón ba về chơi, ra công viên gặp bạn bè, ông còn rủ họ vào trung tâm ở cùng cho vui”, chị Trúc phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm cho biết, hiện nay, trung tâm có 4 cơ sở tại Hà Nội, 1 cơ sở tại Vũng Tàu và vào tháng 6 tới sẽ khai trương thêm một cơ sở khác trên đường Hùng Vương, TP. Vũng Tàu. “Những năm đầu mới đi vào hoạt động, trung tâm dưỡng lão là một mô hình mới lạ ở Việt Nam. Chúng tôi đã phải nỗ lực thật nhiều để xua tan những băn khoăn, lo lắng của NCT cũng như quan niệm của xã hội rằng đưa cha mẹ, ông bà vào sống trong viện dưỡng lão là bất hiếu. Sau 20 năm, chúng tôi đã chứng minh được việc gửi NCT vào viện dưỡng lão là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, đồng thời khẳng định nghề chăm sóc NCT là một nghề xã hội và xứng đáng được tôn vinh”, ông Ngọc khẳng định.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202005/ngoi-nha-chung-cua-nhung-nguoi-cao-tuoi-899514/