Ngôi nhà chung của 80 trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi

Bị bỏ rơi khi còn quá nhỏ, Thiện không nhớ quê của mình ở đâu. Khi được hỏi ước mơ của mình, Thiện nói: 'Con xem sống tới khi nào đã'.

”.

Cũng giống như Thiện, Bông được đưa về cơ sở Cai nghiện ma túy số II (Ba Vì, Hà Nội) khi chỉ mới 2 ngày tuổi, dây rốn còn đỏ hỏn, nhẹ cân, vàng da sinh lý, các mẹ phải thắp đèn sưởi cho em cả đêm. Bông là thành viên nhỏ tuổi nhất trong ngôi nhà chung có hơn 80 trẻ mắc HIV. 6 tháng tuổi, Bông phổng phao và rất hay cười.

Một trong những anh cả là Minh (17 tuổi) đang theo học hệ bổ túc THPT và nghề điện dân dụng tại Đại học Công nghiệp Việt - Hung. Minh đã ở trung tâm 14 năm. 3 tuổi, Minh bị gia đình bỏ lại ở ven đường, người dân nhặt về đưa tới bệnh viện. Sau đó, em được chuyển về đây cho đến bây giờ. Đó là tất cả những gì em biết về gốc gác của mình.

Những đứa trẻ khao khát được yêu thương

Rảo bước về phía những em nhỏ đang chơi trong khoảng sân rộng. Thấy người lạ, các em không tỏ ra e dè hay sợ hãi mà chạy nhanh về phía khách, giơ tay lên đòi bế. “Mẹ bế”, “bố bế”, câu nói ngọng nghịu, ánh mắt sáng lên khiến người đối diện chẳng lỡ chối từ. Em ôm ghì lấy, áp đầu vào lồng ngực tận hưởng từng cái vuốt ve lên lưng, tóc từ những vị khách lần đầu gặp mặt.

Mẹ Thanh, tên các em hay gọi bà Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc trung tâm chia sẻ: "Bọn trẻ thiếu thốn tình cảm, ít được bế ẵm nên rất thích khi được nâng niu như vậy. Bất kể ai các con cũng đều gọi là bố, mẹ".

Trong một gian nhà rộng hơn 50m2, khoảng 15 em nhỏ đang chăm chỉ ngồi vặn ốc, đóng gói ốc vít, ốc nở. Đây là công việc làm thêm của các em vào thời gian rảnh trong ngày. Vừa làm vừa chơi, những lũ trẻ cứ rúc rích cười đùa với nhau, chỉ một hành động nhỏ của bạn cũng đủ làm mấy cậu nhóc nghịch ngợm khoái chí, cười như nắc nẻ.

Cặm cụi làm việc, Thiện (11 tuổi, lớp 4), nước da trắng, dáng nhỏ con, nét mặt hiền lành, ít nói hơn các bạn, em kể ở mình ở đây đã 3 năm, từ một trung tâm khác chuyển đến, bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ, không nhớ quê mình ở đâu. Những ngày đầu tới đây, em hay buồn, khép mình, phải mất vài tháng mới có thể làm quen.

May mắn hơn Thiện, Su còn có mẹ. Vì bị hàng xóm xa lánh, kỳ thị, cô lập, mẹ gửi em vào trung tâm từ năm 2012. “Mẹ bảo ở đây mới có thuốc chữa bệnh, nhà không có thuốc nên em cố vậy chứ nhớ mẹ lắm. Em chỉ mong đến Tết, mẹ kiếm đủ tiền sẽ đón em về”, Su kể.

Cha mẹ Phương (14 tuổi) đều mất vì căn bệnh HIV khi em chưa đầy 6 tuổi. Phương sống cùng ông bà một thời gian sau đó được gửi vào đây. Tết em được ông bà đón về nhà chơi nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong một góc, chẳng dám đi đâu xa vì người ngoài vẫn nhìn em với con mắt thiếu thiện cảm.

Lên lớp 6, Phương cùng các bạn ở trung tâm được ra ngoài học chung. May mắn, các em không gặp phải sự xa lánh, phản đối gay gắt từ mọi người. Phương kể các bạn chơi với em rất bình thường, cả hai bên đều đã được tập huấn để có thể tự bảo vệ mình. Phụ huynh cũng đã đồng ý cho trẻ mắc HIV về nhà chơi.

“Ở trường là vậy nhưng chúng em lại bị các bạn trêu chọc trên đường đi học về. Các bạn ấy biết vì thấy chúng em đi từ trung tâm ra. Em tủi thân và suy nghĩ rất nhiều mỗi khi đi đường bị chỉ trỏ là “bọn HIV đấy!”, Phương tâm sự.

Ngôi nhà chung đầy ắp tiếng cười

Hết giờ “làm việc”, đám trẻ nhanh tay thu dọn đồ đạc, mỗi đứa một việc, sắp xếp đâu vào đấy rất chuyên nghiệp. Chúng ùa ra sân đùa nghịch với nhau. Con gái, đồ chơi chẳng có gì ngoài một sợi dây thun màu cam đã cũ, đứt mất một đầu tay cẩm, thay nhau chơi không biết mệt. Đám con trai hiếu động hơn, hết đuổi bắt, lại đá mãi quả cầu đã rụng gần hết lông, tiếng cười đùa vui vẻ không ngớt.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) là nơi sinh sống và học tập của nhiều em nhỏ nhiễm HIV, đa số bị gia đình bỏ rơi khi biết mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc, cho biết cơ sở đang nuôi dưỡng hơn 80 trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi. Nơi đây có 8 ngôi nhà, trong đó có 4 nhà chính: Dế mèn, Bồ Câu, Sóc nhí, Ban mai - là nơi sinh hoạt của các em từ 2-18 tuổi. Mỗi nhà có một mẹ nuôi, ba cán bộ và trên dưới 20 đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Tới giờ cơm trưa, tổ ấm nhỏ của những đứa trẻ kém may mắn rộn ràng tiếng cười. Các chị lớn thay nhau phụ mẹ nuôi xúc cơm cho em. Hết giờ ăn, thay vì đứng dậy đi chơi, mỗi bạn không quên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Người quét nhà, người dọn rửa bát đũa.

Cho con đến chơi với các bạn HIV

Giờ nghỉ trưa, hai cậu bé hiếu động chạy đến phòng y tế xin mẹ Viện (nhân viên y tế) thuốc uống. Hào bị ong đốt vào trán, Khánh bị đốt vào vai nhưng cả hai vẫn nhí nhố, chẳng chút sợ hãi. Chị Viện nhanh tay lấy thuốc cho hai con uống và bôi vào vết ong đốt. Chị kể đã có 12 năm gắn bó ở đây.

Mỗi khi có thời gian rảnh, chị Viện lại cho hai con của mình đến chơi cùng trẻ trong trung tâm. Chị cho biết các con rất thích chơi cùng nhau và tình cảm. “Tôi biết rằng HIV không hề dễ lây nhiễm nên yên tâm khi để con mình chơi cùng. Chơi với nhau chưa chán, về nhà con lại nhờ tôi gọi cho các bạn ở trung tâm để nói chuyện”, chị kể.

Tới phòng trẻ sơ sinh, chị Đỗ Thị Nhung, phó phòng chăm sóc trẻ, bế và cưng nựng từng em. Chị trò chuyện: “Các con rất tình cảm, thấy mẹ chạy tới ôm, đòi bế, ngồi vào lòng, có khi 3-4 đứa bấu vai, bấu cổ, những mệt mỏi dường như tan biến hết. Bạn bè từng giới thiệu, khuyên nên tìm một công việc khác nhưng tôi không muốn thay đổi. Phải trực tiếp làm việc ở đây, có lẽ bạn mới hiểu được vì sao mọi người đều gắn bó với trung tâm lâu đến vậy”.

Trời sẩm tối, trận bóng đá của những cậu nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn vẫn diễn ra sôi động. Những cô gái nhỏ đi thu quần áo đã được phơi khô, gấp gọn gàng, vài chị lớn tắm cho em nhỏ, đuổi bắt nhau quanh nhà với cái đầu ướt sũng, chẳng chịu lau khô để đi ăn cho kịp giờ uống thuốc lúc 18h.

Nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt của những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh thế kỷ ở nơi đây lại khiến những người lớn ám ảnh khi đặt chân đến!

*Tên nhân vật đã được thay đổi

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/ngoi-nha-chung-cua-80-tre-em-nhiem-hiv-bi-bo-roi-73804.html