Ngôi nhà chung cho trẻ tự kỷ ở Thái Bình

Tự kỷ là một hội chứng dạng khuyết tật phát triển kéo dài suốt cuộc đời khiến trẻ bị bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm cùng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, người tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cuộc sống. Bằng chứng tại Trung tâm Hỗ trợ trẻ có nhu cầu Giáo dục đặc biệt Thanh Thảo tỉnh Thái Bình cho thấy, nhiều trẻ tự kỷ đã phát triển các năng lực nổi trội và đóng góp cho xã hội khi trưởng thành.

Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tại buổi tọa đàm "Vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 19/4/2018 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết: Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biến với tỷ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều người, nhất là tại Việt Nam vẫn có cái nhìn mù mờ về hội chứng này kèm theo những phương pháp điều trị sai lầm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đồng chủ trì chương trình tọa đàm về vấn đề trẻ tự kỷ ở Việt Nam

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đồng chủ trì chương trình tọa đàm về vấn đề trẻ tự kỷ ở Việt Nam

Ở Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc, nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000 người. Tại Thái Bình cũng chưa có con số thống kê cụ thể, song theo những cán bộ làm công tác xã hội, thì ước tính số trẻ em bị hội chứng tự kỷ cũng lên tới con số hàng nghìn người. Nhưng thật đáng tiếc lại chưa có 1 cơ sở, 1 trung tâm nào của nhà nước mở ra để can thiệp, trị liệu và hỗ trợ trẻ hòa nhập. Trước thực trạng đó, việc ra đời một cơ sở giáo dục chuyên biệt để hỗ cho trẻ như ở Trung tâm Hỗ trợ trẻ có nhu cầu Giáo dục đặc biệt Thanh Thảo (Trung tâm Thanh Thảo) là rất cần thiết, không chỉ giúp phụ huynh có được chỗ gửi con học tập, trị liệu, mà còn tạo cho trẻ có sự bình đẳng, được hòa nhập trong môi trường giáo dục.

Lớp học đặc biệt cho trẻ bị tự kỷ ở Trung tâm Thanh Thảo

Để tìm hiểu về hoạt động của Trung tâm Giáo dục “chuyên biệt” này, anh Lễ cán bộ làm nghề công tác xã hội ở Thái Bình đã đưa chúng tôi tới thăm Trung tâm Hỗ trợ trẻ có nhu cầu Giáo dục đặc biệt Thanh Thảo, trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Đây là cơ sở đầu tiên ở tỉnh Thái Bình thực hiện các hoạt động đánh giá, phát hiện sớm các biểu hiện, rối loạn phát triển ở trẻ, hỗ trợ, can thiệt trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ tự kỷ tăng động giảm chú ý, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, phương pháp chăm sóc và can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại nhà, tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng.

Mặc dù thành lập chưa được bao lâu nhưng nơi đây đã trở thành mái nhà thứ 2 – một mái nhà đặc biệt dành cho những trẻ bị chứng tự kỷ đến từ nhiều vùng quê trên địa bàn toàn tỉnh. Cũng bàn, ghế, cũng giấy vẽ, màu tô nhưng lớp học ấy khác với tất cả những lớp học bình thường mà tôi đã trải qua. Nhìn các em nhỏ vui chơi, học hành ai cũng nghĩ đây là hoạt động bình thường nhưng lại chính là một giờ can thiệp vật lý trị liệu của một lớp học đặc biệt với những học sinh có khiếm khuyết về thần kinh như bị tự kỷ, rối loạn hoạt động... Nhưng với sự tận tình chăm sóc, hỗ trợ điều trị của các giáo viên chuyên biệt và phương pháp can thiệp phù hợp cho từng đối tượng, nên chỉ sau một thời gian ngắn trẻ đã có sự thay đổi rõ rệt so với những ngày đầu.

Giáo viên giúp trẻ tự kỷ nhận biết con số ở Trung tâm Thanh Thảo

Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng thành lập Trung tâm, chị Trịnh Thị Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Thanh Thảo, người xây những viên gạch đầu tiên cho ngành giáo dục đặc biệt này tại Thái Bình cho biết: Xuất phát từ người thân trong gia đình và chứng kiến nhiều gia đình bạn bè, hàng xóm có con bị hội chứng tự kỷ loay hoay đi tìm trường, đưa con đi Hà Nội, gửi con vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để trị liệu. Từ đó, tháng 10 năm 2016 chị Thanh tìm thêm những người bạn có chuyên ngành quyết tâm thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ mắc chứng tự kỷ.

Lúc đầu mới thành lập Trung tâm Thanh Thảo chỉ là 1 nhóm trẻ có dăm, ba cháu, hiện nay Trung tâm đang trực tiếp can thiệp, trị liệu và hỗ trợ hòa nhập cho gần 100 trẻ có tuổi đời từ 13 tháng tuổi đến 8 tuổi, với sự tham gia giảng dạy của 5 Tiến sỹ và gần 30 giáo viên (trong đó 70% là giáo viên có trình độ chuyên môn về tâm lý giáo dục và giáo dục đặc biệt).

Chia sẻ với cán bộ làm công tác xã hội của Thái Bình về biểu hiện của trẻ khi có dấu hiệu bị tự kỷ và công việc trị liệu của Trung tâm, Phó giám đốc Trung tâm Trịnh Thị Thanh cho biết: Tự kỷ là hội chứng khá phổ biến, nhưng biểu hiện của chứng tự kỷ lại không rõ ràng nên không phải cha mẹ nào cũng có thể nhận biết được. Hầu hết chỉ nhận dạng bệnh ở biểu hiện chậm nói mà không để ý đến các dấu hiệu khác như: Không có phản xạ khi được gọi tên, quá nhạy cảm với âm thanh, thiếu nhận thức về sự nguy hiểm, không có hoặc có ít khả năng về ngôn ngữ giao tiếp, không có khả năng tập trung vào một việc gì hoặc chỉ tập trung vào một loại đồ chơi yêu thích...

Cùng một hội chứng tự kỷ, song không trẻ tự kỷ nào giống trẻ tự kỷ nào, mỗi trẻ tự kỷ đều có những biểu hiện khác nhau. Khi mới đến lớp, cháu thì la hét, chạy nhảy liên tục, cháu thì không nói chuyện, không có nhận thức, thậm chí đánh và cắn giáo viên... vì thế “Giáo trình” dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp, giáo viên cần có giáo án cụ thể, chi tiết về nội dung. Đặc biệt, mỗi giáo viên khi chăm sóc phải quan sát các em để hiểu rõ hơn sở thích, sở đoản của trẻ, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em để lựa chọn phương pháp dạy, trị liệu cho phù hợp giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc học.

Ngày hội Tri ân giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở Trung tâm Thanh Thảo

Để có thể dạy trẻ tự kỷ tốt, giáo viên còn phải thường xuyên tìm kiếm tài liệu, tham khảo các phương pháp mới của nước ngoài để đưa ra các phương án học tập tốt nhất cho các em. Tại Trung tâm Thanh Thảo, khi bố, mẹ đưa con đến, trẻ sẽ được quan sát, theo dõi, xác định tình trạng phát triển tâm vận động dựa trên các test tâm lý như Test Denver II (thang đánh giá sự phát triển tâm vận động), thang đo CARS (thang đánh giá mức độ tự kỷ), ABLLS (thang đánh giá khả năng học tập), thang đo nhận thức,… để tìm ra cách thức tác động hiệu quả rồi tiến hành xây dựng mô hình can thiệp. Khi bắt đầu chương trình can thiệp Trung tâm tiến hành lượng giá mức độ rối loạn, mức độ nhận thức và sự phát triển tâm vận động cho trẻ...

Trong quá trình tác động, chúng tôi kết hợp nhiều phương pháp trị liệu, trong đó đặc biệt có sự kết hợp giữa hành vi trị liệu và hoạt động trị liệu. Chương trình trị liệu được xây dựng bởi các Tiến sĩ Tâm lý (chuyên nghiên cứu và thực hành trị liệu cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ), giáo trình học sẽ được thay đổi sau mỗi tuần, mỗi tháng trị liệu, nội dung trị liệu cụ thể sẽ được thay đổi từng giờ, từng ngày bởi các giáo viên và các chuyên viên...

Cô giáo Nguyễn Thị Phúc giáo viên Trung tâm cho biết: Việc nuôi dạy và chăm sóc cho trẻ tự kỷ thực sự là một cuộc chiến mà nếu cha mẹ nào không đủ tình thương, kiên nhẫn thì không thể tiến hành. Với trẻ bình thường, chỉ cần mất vài ngày có thể nhận biết được một chữ cái hay một đồ vật nhưng với trẻ tự kỷ là cả một hành trình có khi mất cả năm trời, đừng vì muốn con tiến bộ quá nhanh mà gây áp lực cho chính mình và đứa trẻ.

Hiện nay do nhận thức về hội chứng tự kỷ của bậc phụ huynh còn hạn chế nên tỷ lệ trẻ tự kỷ được phát hiện sớm để tham gia chương trình can thiệp sớm chưa cao nên khi can thiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhiều trẻ lúc đến can thiệp tại cơ sở không chỉ mắc chứng tự kỷ mà còn tăng động, kém tập trung...Trong quá trình dạy trẻ, chúng tôi phải phối hợp với phụ huynh để nắm bắt tâm lý, từ đó lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp.

Còn chị Bùi Thị Hương Giang, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho hay, con chị mắc chứng tự kỷ, sau khi thăm khám, gia đình đã cho cháu tham gia các lớp can thiệp tại Hà Nội, nhưng vừa xa xôi, vừa bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Sau khi tìm hiểu, biết ở thành phố Thái Bình có Trung tâm Thanh Thảo can thiệp cho trẻ tự kỷ, chị đã chuyển con lên học ở đây. Chỉ sau vài tháng, con chị đã giao tiếp tốt hơn và bắt đầu phát được âm tiết, từ ngữ...

Những đồ chơi cho trẻ tự kỷ ở Trung tâm Thanh Thảo góp phần giúp trẻ nhận thức và hòa nhập tốt hơn

Bằng những liệu trình hỗ trợ can thiệp riêng, và với việc xây dựng được mô hình can thiệp hiệu quả cho trẻ nhỏ. Trung tâm Thanh Thảo đã và đang mang đến những hi vọng cho rất nhiều trẻ, cũng như những gia đình có con mắc những khiếm khuyết về các rối loạn phát triển, sớm hòa nhập xã hội và trưởng thành như bao đứa trẻ bình thường khác.

M.QUANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ngoi-nha-chung-cho-tre-tu-ky-o-thai-binh-d86838.html