Ngôi làng với hàng rào dây thép: Hiện thân của sự chia rẽ Nga - Ukraine

Căng thẳng trong quan hệ song phương khiến cuộc sống của người dân Nga và Ukraine gặp không ít khó khăn khi họ không thể gặp nhau dù sống trong cùng một ngôi làng.

Lính biên phòng Ukraine tuần tra dọc hàng rào dây thép gai ngăn biên giới Nga - Ukraine ở thị trấn Milove, đông Ukraine. (Ảnh: AP)

Bà Valentina Boldyreva bước ra khỏi ngôi nhà hai tầng vào một buổi chiều chủ nhật tuyết rơi u ám để chào người chị gái sống ở phía bên kia con đường mang tên Đường Hữu nghị Nhân dân. Tuy nhiên, một hàng rào dây thép gai đã ngăn cách họ.

“Bạn có thấy chị gái tôi đang đi bộ về phía hàng rào không. Làm thế nào để chúng tôi có thể nói chuyện được với nhau?”, bà Boldyreva nói.

“Tôi không được phép tới gần”, người chị 76 tuổi Raisa Yakovleva nói khi đứng cách 100m ở phía bên kia hàng rào.

“Cửa sổ của chúng tôi nhìn ra hàng rào dây thép gai cả ngày lẫn đêm như thể nhìn ra một nhà tù”, bà Boldyreva cho biết.

Tuy vậy, đây không phải nhà tù, mà là hàng rào biên giới được Nga xây dựng từ đầu năm nay. Hàng rào này được xem như một đường biên giới vô hình, một biểu tượng khép lại gần như toàn bộ mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng.

Trên bản đồ, Milove và Chertkovo - nơi bà Boldyreva và bà Yakovleva sống vốn là cùng một làng. Ngôi làng nằm vắt ngang một con đường chính mang tên Đường Hữu nghị Nhân dân. Đối với nhiều người dân trong làng, câu khẩu hiệu “hữu nghị nhân dân” nghe có vẻ tốt đẹp, nhưng thực chất tình hữu nghị đó đang bị thử thách bởi sự đối đầu trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga - Ukraine.

Giống hai chị em bà Boldyreva và Yakoleva, hầu hết người dân sống ở Milove và Chertkovo đều có họ hàng thân thiết ở bên kia hàng rào. Trước đây, người dân trong làng thường xuyên đi lại qua con đường chính để ra vào hai quốc gia. Còn bây giờ, lính biên phòng Nga ở một bên và lính biên phòng Ukraine ở bên còn lại. Họ cùng nhau tuần tra theo nhóm từ 2-3 người dọc theo con đường gần như không có bóng người. Khu vực này bây giờ được ví giống như tiền tuyến.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 30/11 tuyên bố tất cả nam công dân Nga từ 16-60 tuổi đều bị cấm nhập cảnh vào Ukraine. Trước đó, Kiev cũng ban bố lệnh thiết quân luật trong thời hạn 30 ngày tại các vùng giáp biên giới Nga nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của Ukraine.

Những động thái trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước láng giềng sau khi lực lượng an ninh Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu Ukraine cùng 24 thủy thủ tại eo biển Kerch hôm 25/11.

Biên giới ngăn cách

Một phụ nữ trình giấy tờ cho lính biên phòng Ukraine kiểm tra trước khi qua biên giới. Trước đây, người dân hai nước có thể tự do qua lại khu vực này. (Ảnh: AP)

Thực tế, việc hạn chế người Nga vào lãnh thổ Ukraine đã diễn ra tại Chertkovo từ nhiều năm qua. Năm 2015, Ukraine đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các công dân Nga muốn vượt qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine phải sử dụng hộ chiếu du lịch nước ngoài, thay vì hộ chiếu nội địa. Rất ít người Nga sống ở các vùng nông thôn như Chertkovo có trong tay những giấy tờ như vậy.

4 năm rưỡi sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa phe ly khai thân Nga và các binh sĩ Ukraine ở đông Ukraine, chỉ những người lớn tuổi như bà Lidia Radchenko (73 tuổi) mới đủ dũng cảm để vượt qua ranh giới giữa hai nước. Bà Radchenko có 3 người con trai sống ở Ukraine, trong khi một người con trai và con gái khác sống ở Nga.

“Chúng tôi từng có những bữa tiệc vui vẻ trước đây. Còn bây giờ chúng tôi gặp nhau ở giữa con đường. Hàng rào đó giống như một trại tập trung”, bà Radchenko tiếc nuối. Thậm chí chuyển một hộp dưa chua cho người thân qua hàng rào ngăn cách hai nước cũng bị coi là hành vi phạm pháp và có thể bị trừng phạt.

Hầu hết người Nga mà hãng tin AP có dịp phỏng vấn đều chia sẻ rằng, họ đã không vượt sang lãnh thổ Ukraine từ năm 2014 khi xung đột nổ ra và có thông tin nói rằng nhiều người đã gặp rắc rối khi tìm cách làm như vậy.

Ngồi bên trong một cửa hàng ở Chertkovo, Alexander Petukhov, 59 tuổi, cho biết ông cảm thấy hoảng sợ khi nghe thông tin về những người bị đuổi hoặc bị trục xuất sau khi vượt qua ranh giới. Kể từ đó, ông đã cắt đứt liên lạc làm ăn với các đầu mối cung cấp hàng ở Kharkiv, một thành phố ở đông Ukraine.

“Chúng tôi từng quen với cuộc sống tự do. Nhưng việc đó đã chấm dứt khi xung đột nổ ra”, ông Petukhov nói.

Khu vực cửa khẩu chính mở cửa cho các phương tiện gần như vắng vẻ trong ngày chủ nhật dù trước đây xe ô tô phải xếp hàng dài. Chỉ có 7 chiếc xe, tất cả đều mang biển Ukraine, chờ đi qua cửa khẩu.

Vùng đất không người ở giữa các trạm gác biên giới của Nga và Ukraine vẫn còn câu khẩu hiệu từ thời Liên Xô: “Tình hữu nghị bất diệt giữa Nga và Ukraine sẽ kéo dài nhiều thế kỷ”.

Vào ngày thứ bảy, ở bên phía Ukraine, những người bán hàng rong bày bán nhiều thứ, từ trứng cho tới áo lông. Từng là nơi tụ họp nhộn nhịp của người dân ở cả hai nước, khu chợ này hiện chỉ phục vụ cho người Ukraine vì người Nga hoặc bị cấm sang, hoặc không muốn sang. Nhiều người vẫn tiếc nuối khi nhớ lại quãng thời gian mà hai bên còn giao lưu tự do.

Vùng đất giữa Milove và Chertkovo trước đây từng rất nhộn nhịp, nhưng nay gần như trống vắng. Chỉ có vài người đi bộ từ Ukraine sang Nga, trong đó có bà Olga Yevgenyevna, 54 tuổi, và chồng. Bà Olga sinh ra ở Chertkovo, sau đó lấy chồng ở ngôi làng bên phía Ukraine và chuyển tới đó sinh sống từ cuối những năm 1980.

Hiện mẹ và anh trai của bà Olga vẫn sống ở ngôi làng bên phía Nga và không thể qua thăm bà.

“Trước khi xung đột nổ ra, mọi người vẫn qua lại khắp nơi. Bạn có thể đi qua đi lại 15 lần, không ai quan tâm. Chúng tôi có một khu chợ và các cửa hàng. Chỗ đó dành cho tất cả mọi người lui tới. Tôi nói với mẹ tôi rằng: Khi tôi chết đi, sẽ không có ai tới để chôn cất tôi vì người Nga không được phép tới đây”, bà Olga nói.

Theo dantri.com.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/ngoi-lang-voi-hang-rao-day-thep-hien-than-cua-su-chia-re-nga-ukraine/20181207042345387