Ngôi làng dệt lụa sari cuối cùng ở thành phố linh thiêng nhất Ấn Độ

Sự xuất hiện máy móc hiện đại trong ngành dệt lụa sari truyền thống buộc những thợ thủ công tại Varanasi (Ấn Độ) phải tìm cho mình một con đường phát triển phù hợp.

Một thợ dệt lụa sari thủ công tại Varanasi, Ấn Độ. (Nguồn: CNN)

Trong nhiều thế kỷ, Varanasi - thành phố bên sông Hằng với những vị thánh huyền bí, những “Ghat” nhộn nhịp là điểm đến của đông đảo khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, đây còn là nơi sản xuất vải lụa sari tốt nhất thế giới hiện nay.

Làng nghề 500 tuổi

Phía Đông Bắc Varanasi, khắp ngóc ngách, tiếng lách cách của khung dệt vang lên liên hồi trong các khu phố. Những thợ dệt chủ yếu là người Hồi giáo nghèo và không được đến trường. Họ học nghề theo phương thức “cha truyền con nối” để nghề dệt thủ công được giữ gìn.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây rồi lại làm việc ngay tại nơi ông, cha tôi đã làm”, Ranzan Ali (56 tuổi) nói. Như nhiều gia đình khác tại Varanari, gia đình Ali đã làm nghề dệt thủ công khoảng 100 năm. Anh là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề dệt thủ công.

Sari Varanasi được đặt theo tên của thành phố Varanasi với kỹ thuật dệt tồn tại từ khoảng 500 năm trước. Không chỉ là một phần của ký ức trong mỗi người, sari Varanasi còn là văn hóa, đời sống và trở thành niềm tự hào của những người dân, thợ dệt thủ công, người mặc sari, thương nhân và cả những nhà thiết kế.

Người dân nơi đây nói rằng, trong các tài liệu tham khảo về Phật giáo và Ấn Độ giáo cổ đại, Varanasi từng là một trung tâm ngành dệt vào thế kỷ XVI, thời kỳ Mughal, nghề dệt lụa nơi đây phát triển mạnh mẽ và có phần chịu ảnh hưởng từ các triều đại Ba Tư.

Những người thợ dệt sử dụng các sợi chỉ vàng, bạc hoặc zari và các sợi lụa mịn để thêu nên những tấm lụa với chi tiết hoa văn tinh xảo, sang trọng và thường được các cô dâu mặc trong ngày cưới.

Các họa tiết thổ cẩm thêu trên các bộ sari đa dạng theo các chủ đề về thiên nhiên và tôn giáo như con người, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, bông hoa sen, hoa táo, hoa loa kèn xoài, quả nho, quả dâu, quả mận, quả xoài, chim công, hoàng yến, voi...

Hoa văn được thêm trên những tấm lụa sari. (Nguồn: CNN)

Để làm nên một bộ sari tốt đòi hỏi thợ thủ công phải có kỹ năng tốt, con mắt nghệ thuật và sự kiên nhẫn. Mỗi ngày, Ranzan Ali, gắn liền với khung dệt không dưới 15 tiếng, đôi tay vừa thoăn thoắt đưa con thoi dệt lụa vừa nói, mỗi bộ sari sẽ mất từ vài tuần đến 6 tháng để hoàn thành, tùy thuộc vào các họa tiết thêu trên tấm lụa. Sau khi hoàn thành, mỗi bộ anh nhận được từ 30-50 USD.

“Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ một nào trên đất nước Ấn Độ dệt lụa sari như ở Varanasi. Nó là một công việc đòi hỏi sự chính xác cao, không phải bất cứ ai cũng có thể làm được, thợ dệt phải là người có kỹ năng đặc biệt”, Ranzan Ali nói.

Sự phát triển của công nghiệp

Nghề dệt thủ công ở Varanasi đang dần bị đe dọa. Tại Ấn Độ, xuất hiện nhiều máy dệt điện thay thế hầu hết các máy dệt thủ công, bởi chúng tạo ra một lượng vải lớn hơn gấp nhiều lần so với dệt thủ công.

Đối với máy dệt điện, người làm chỉ cần bật công tắc, đứng đó và để máy tự chạy. Tuy nhiên, nếu làm thủ công, công nhân phải sử dụng đôi tay liên tục. “Có thể, tôi sẽ mua một máy dệt diện, nếu đủ tiền”, Ranzan Ali nói.

Hiện nay, đa số thợ dệt trẻ tuổi được hướng dẫn cách sử dụng máy dệt điện, rất ít trong số đó biết kỹ thuật dệt thủ công. Một số ít trong các gia đình dệt truyền thống, vẫn còn những người thợ dệt thủ công, ngày ngày, cần mẫn lưu giữ nghề, nhất là khi một số kỹ thuật đòi hỏi tay nghề cao, máy dệt điện không thể thay thế đôi bàn tay của con người.

Ali nói rằng, “dẫu sao, tôi nghĩ rằng, công nghệ ngày càng phát triển, dệt thủ công sẽ ngày càng lỗi thời. Trong tương lai, có thể nó sẽ chết”.

Nỗ lực hồi sinh

Năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi lần đầu giới thiệu về “Ngày Handloom quốc gia”, nhằm tôn vinh những thợ dệt thủ công ở nước này, đồng thời, quảng bá ngành công nghiệp thủ công của Ấn Độ. Chiến dịch Sản xuất tại Ấn Độ cũng đã kích thích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ở Ấn Độ, truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế giúp hồi sinh hàng thủ công truyền thống của đất nước.

Trong một số gia đình, những người thợ dệt thủ công lớn tuổi vẫn ngày ngày gìn giữ nghề dệt lụa truyền thống.

Vậy con đường nào giúp hồi sinh ngành dệt lụa sari thủ công? Khi ngôi sao Bollywood Anushka Sharma mặc bộ sari màu đỏ trong lễ cưới của mình, do Sabyasachi Mukherjee thiết kế được lan truyền trên mạng xã hội, ngay lập tức, bắt “trend” cho nhiều cô dâu trên đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Năm 2015, hai người dùng mạng xã hội đã thực hiện một chiến dịch truyền thông có tên #100 sareepact – người tham gia cam kết mặc sari 100 ngày mỗi năm và đăng tải ảnh kèm hashtag trên. Kể từ đó, hơn 250.000 bức ảnh phụ nữ mặc sari đã được tải lên instagram.

Chính vì vậy, sử dụng mạng xã hội như là một phương thức nắm bắt được thị hiếu của người dùng, từ đó, tìm thấy một lối đi cho ngành dệt lụa thủ công. Mỗi bộ sari sẽ là một sản phẩm tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của người dùng đang thay đổi mỗi ngày.

Nhà sáng lập Holy Weaves – công ty sản xuất hàng dệt may thủ công và bán lẻ trực tuyến, ông Umang Agrawal cho hay, các sản phẩm dệt thủ công sẽ dễ dàng đến với người tiêu dùng, nhưng điều đó lại gây nên một thách thức mới khiến thị trường bị bão hòa bởi hàng loạt hàng giả kém chất lượng.

Bởi vậy, muốn hồi sinh và duy trì nghề dệt thủ công, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía để con đường hồi sinh sẽ đi đúng và trúng. “Tôi không muốn những bộ sari Varanasi sẽ chỉ xuất hiện trong bảo tàng”, ông Umang Agrawal nói.

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoi-lang-det-lua-sari-cuoi-cung-o-thanh-pho-linh-thieng-nhat-an-do-104446.html