Ngôi làng đàn ông không sa vào tệ nạn xã hội

BBC cho biết, nhiều thế hệ đàn ông trong làng Asola-Fatehpur Beri từ thanh thiếu niên, tới trai tráng và trung niên đều đến khu vực Akhada (tiếng Hindu nghĩa là đấu trường đấu vật), cùng nhau luyện tập thể hình 2 tiếng mỗi sáng và tối.

Họ tập luyện nghiêm túc, chăm chỉ, đều đặn và rất hăng say như những vận động viên thực thụ…

Thiên đường tìm chồng cho những cô gái

Asola Fatehpur Beri là ngôi làng được mệnh danh là "làng khỏe nhất Ấn Độ". Tại đây, đàn ông luôn sở hữu một thân hình săn chắc như một thỏi chocolate (sô cô la) (tiếng lóng, chỉ những người có cơ bụng 6 múi, bắp tay vạm vỡ và nở nang) dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Nhiều người cho rằng, đây chính là "thiên đường" tìm chồng của các cô gái, những người muốn tìm cho mình một nửa khỏe mạnh, quyến rũ. Thực tế, đã có rất nhiều thiếu nữ tới đây gồm cả trong và ngoài Ấn Độ để tìm ý trung nhân cho mình.

"Họ ăn uống đúng giờ, ngủ nghỉ rất khoa học, không thức khuya, không sử dụng các chất kích thích hay độc hại và luyện tập chăm chỉ hàng ngày. Đó là lý do họ khỏe đến vậy"- Vijay Tanwar, người huấn luyện mọi người tập thể lực tại Akhada cho biết. Các môn mà họ luyện tập để có một cơ thể săn chắc là vật nhau trong bùn, leo dây thừng, gập bụng, hít đất hàng trăm lần...

Đàn ông ở làng Asola Fatehpur Beri đều có thân hình lực sĩ.

Ngoài ra, cũng có người luyện tập bằng cách bê một chiếc xe máy nặng 350kg đặt lên ngực mình. Mỗi nhóm tập có khoảng 40 người và trang phục của họ chỉ là một chiếc khố nhỏ. Những người dân trong làng tham gia tập thể hình cũng rất tôn trọng kỷ luật. Họ không hút thuốc, uống rượu, thậm chí là đồ uống có gas, đồ ăn nhanh, phần lớn là họ ăn chay, ăn nhiều trái cây, sữa chua, sữa và không sử dụng thuốc làm tăng cơ.

Dễ kiếm việc, không sa vào tệ nạn xã hội

Mục đích đàn ông trong làng hăng hái luyện tập để có thân hình khỏe mạnh chính là hướng tới kiếm công ăn việc làm cho bản thân. Nhờ thân hình và thể chất to lớn này, họ có thể dễ dàng xin làm vệ sĩ tại các quán bar, câu lạc bộ ở New Delhi. Không chỉ thủ đô Ấn Độ mà các thành phố lớn đều có trung tâm thương mại mở cửa để vui chơi hàng đêm. Do đó, nhu cầu cần các vệ sĩ bảo vệ trật tự rất cao.

Cũng nhờ Tanwar định hướng mà những người đàn ông trong làng mới kiếm được công việc vệ sĩ một cách dễ dàng. Ông cũng tự hào cho biết, mình là người đầu tiên ở Asola Fatehpur Beri làm vệ sĩ.

15 năm trước, Tanwar bị lỡ cơ hội tham gia vào giải đấu vật trong đoàn thể thao Ấn Độ ở thế vận hội. Sau đó, người đàn ông này luôn trăn trở và tìm cách kiếm việc làm nhờ thân hình vạm vỡ của mình và Tanwar đã đi làm vệ sĩ.

Nhờ sự dìu dắt của "ông trùm" này, hơn 300 đàn ông của làng đã kiếm được công việc tốt tại các quán bar, câu lạc bộ. "Đối với chúng tôi, sức khỏe là tài sản đáng quý nhất. Nó giúp chúng tôi kiếm được công việc phù hợp, có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái mình đến học những ngôi trường tốt", Tanwar nói.

Trong làng cũng có một số phòng tập gym, nhưng đàn ông thích tập theo cách truyền thống hơn. Họ cho rằng như thế vừa hiệu quả, vừa thoải mái mà tránh được các chấn thương trong quá trình luyện tập. Tập ngoài trời, không khí cũng thoáng hơn, mọi người không cảm thấy ngột ngạt.

Rekha Tanwar, vợ của Vijay Tanwar cho hay, ngay từ nhỏ, trẻ đã được huấn luyện có cuộc sống sạch: ăn thực phẩm sạch, hít không khí sạch, tránh xa chất kích thích, chăm chỉ tập luyện cơ thể và yoga.

Công việc của họ là làm vệ sĩ.

Sonu Tanwar, một chàng trai 19 tuổi và là đại diện cho lớp trẻ ở trong làng thường dậy sớm từ 5 giờ sáng, sau đó là chạy bộ và đến khu luyện tập Akhada. Sonu cho biết cậu muốn trở thành một đô vật nổi tiếng, giành được nhiều giải thưởng và khiến cha mẹ mình tự hào.

Schoolboy Keshav Tanwar, 13 tuổi cho biết: "Em muốn là vệ sĩ bảo vệ hộp đêm, những người này cần cơ thể khỏe mạnh vì vậy em cũng rất muốn có một thân hình cường tráng".

Theo thống kê, 90% nam giới độ tuổi từ 18-50 của làng hài lòng về công việc đáng mơ ước của mình. Làm vệ sĩ ngoài thu nhập mỗi năm hàng ngàn bảng Anh thì họ còn được các ông chủ cho tiền thưởng..

Người lớn trong ngôi làng cho rằng, thanh niên từ độ tuổi 17 đến 27 dễ nhiễm các thói hư tật xấu. Do đó, việc tập thể dục thể thao cũng là cách khiến họ có đời sống tinh thần khỏe mạnh hơn, ít mắc phải các lỗi lầm trong hành xử.

Nguyễn Lai

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-di-thuong/an-do-ngoi-lang-dan-ong-khong-sa-vao-te-nan-xa-hoi-467830/